Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Bảy, 24/5/2014 10:31'(GMT+7)

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!

Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là một làng cổ thành lập năm 1562, cách TP Huế hơn 30 km. Và tại ngôi làng nhỏ ấy hiện lưu giữ một tài liệu quan trọng trực tiếp liên quan tới việc xác định, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Sau bao nhiêu năm thiên tai địch họa, các thế hệ cư dân vẫn giữ gìn trong đình làng hàng nghìn văn bản Hán - Nôm ghi chép lịch sử khai khẩn, các sắc phong, hương ước,... được coi là báu vật, niềm tự hào chung của làng, trong đó có văn bản lập ngày 19-9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6-11-1759) đề cập tới hoạt động của Hải đội Hoàng Sa, còn nguyên chữ ký của quan Thuận Đức hầu trấn giữ cửa biển Tư Hiền và hình con dấu. Như vậy, văn bản này được lập cách chúng ta 255 năm và cùng với các sắc phong \của triều đình, tài liệu về những thế hệ người lính thuộc Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa kiên cường trong nhiều thế kỷ, có công thay mặt đất nước xác lập chủ quyền, bảo vệ một vùng biển đảo của Tổ quốc; tiến hành đo đạc, khảo sát cụ thể để tới năm 1815, có thể tiến hành vẽ bản đồ Hoàng Sa, năm 1838 dựng bia của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa,... đã lập nên hệ thống bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mấy trăm năm trước, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, đã xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian tới hôm nay, như: "Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi" là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên. Nên hôm nay, chúng ta không thể quên hình ảnh những người lính năm xưa đã ra khơi như những con người cảm tử. Cảm động biết bao khi được biết trước khi thuyền nhổ neo, mỗi người chuẩn bị một đôi chiếu, bảy sợi dây mây, bảy đòn tre để nếu hy sinh thì đồng đội bó lại, gắn tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán rồi thả xuống biển, cầu mong nếu thân xác may mắn dạt được vào bờ, người trong đất liền biết đó là ai! Chính vì "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn -Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây" mà trong nhiều thế kỷ trước, triều đình đã có sắc truy phong một số cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Thượng đẳng thần" và những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là "Hùng binh Hoàng Sa".

Nhắc lại quá khứ bi hùng của cha ông chính là để tự hào, tri ân, và để tiếp tục khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa đã - đang - mãi mãi thuộc về Việt Nam. Bởi không chỉ thực tế lịch sử và địa lý, cơ sở pháp lý,... còn lưu giữ trong di sản văn bản và ký ức dân tộc là bảo đảm vững chắc cho chúng ta, mà chính nhân loại cũng cung cấp, bổ sung các chứng lý xác thực, tin cậy. Từ nhiều thế kỷ trước, đã ra đời nhiều văn bản ghi chép, các bản đồ phác họa khá chi tiết về địa lý và quyền quản lý. Như khi nhận xét về An Nam đại quốc họa đồcủa Giám mục Teberd (xuất bản năm 1838, tại Serampore - Ấn Độ), nhà sưu tầm và nghiên cứu bản đồ Nguyễn Đình Đầu đã viết trong bài đăng trên tạp chí Xưa và Nay(số 339, tháng 9-2009): "Riêng hình vẽ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Vạn lý Trường Sa thì vẽ giống hệt các bản đồ Tây phương, đặt sát bờ bể Quảng Nam - Khánh Hòa hơn. Trên điểm địa lý này, ta thấy trong bốn thế kỷ XVI - XVII - XVIII - XIX, các bản đồ thế giới Tây phương đều ghi vẽ quần đảo Paracel hay Pracel (Hoàng Sa và Trường Sa) ở giữa Biển Đông và bờ biển Paracel (Costa da Paracel) luôn đặt ở bờ biển Quảng Nam - Khánh Hòa.

Chúng ta chưa hề thấy một bản đồ thế giới nào ghi bờ biển Paracel là ở nam Trung Hoa, ở Phi Luật Tân hay ở Mã Lai. Bản đồ chính thức của Việt Nam Đại Nam nhất thống toàn đồhoàn toàn thống nhất với các bản đồ thế giới trong suốt năm thế kỷ qua, chủ yếu về địa lý Hoàng Sa - Trường Sa... Đặc biệt với quần đảo giữa Biển Đông có địa danh hành chính là Hoàng Sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm) mà người Tây phương gọi là Paracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay, không thể ở đâu khác". Vì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cho nên mới có cơ sở cứ liệu để trong Phủ biên tạp lụcviết năm 1776, Lê Quý Đôn giới thiệu, mô tả chi tiết ở phía ngoài cù lao Ré (nay là huyện đảo Lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi): "có đảo Đại Trường Sa. Xưa, ở đây có nhiều hải vật và hóa vật của tàu thuyền (bị đắm trôi dạt vào), nên (chính quyền) có lập đội Hoàng Sa để thu nhặt. Đi ba ngày ba đêm mới đến được" (Lê Quý Đôn tuyển tập, tập 2 - Phủ biên tạp lục(Phần 1), NXB Giáo dục, H.2007, tr.142), và "Ngày trước, họ Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên nhau đi, tháng giêng nhận giấy làm sai dịch, được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất ba ngày ba đêm mới đến đảo" (Lê Quý Đôn, Sđd, tr.148)...

Từ nhiều thế kỷ trước, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã là một thực tế được xác nhận và khẳng định. Dù là điểm rất quan trọng trong hệ thống giao thương trên biển của thế giới thì Biển Đông vẫn hầu như không có tranh chấp, các quốc gia liên quan đều thừa nhận chủ quyền của nhau, tôn trọng lẫn nhau. Từ năm 1776, Lê Quý Đôn đã kể lại một câu chuyện rằng: "Hoàng Sa chính ra nằm ở gần phủ Liêm Châu của Hải Nam. Có khi họ gặp thuyền đánh cá của Bắc quốc ở ngoài biển. Giữa biển, đôi bên thường hỏi han nhau. (Tôi từng) thấy công văn của quan chính đường huyện Văn Xương của Quỳnh Châu (nay thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc - VHL) tra xét người Thuận Hóa. Công văn ấy nói: năm Càn Long thứ 18 (tức năm 1753), có 10 tên quân nhân xã Yên Bình thuộc đội Cát Liêm của huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Nghĩa, nước An Nam. Tháng 7 ra Vạn Lý Trường Sa lượm nhặt các vật.

Tám tên trong bọn ấy đã lên bờ tìm lượm các vật, còn hai tên ở lại giữ thuyền. Gió lớn làm đứt dây neo, cho nên thuyền dạt vào cảng Thanh Lan, quan sở tại tra xét thấy đúng, bèn trả về nguyên quán.

Nguyễn Phúc Chu sai viên cai bạ ở Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu viết thư phúc đáp" (Lê Quý Đôn, Sđd, tr.149-150). Rõ ràng, ngay từ thời ấy, chính quyền Trung Quốc biết khá rõ và rất tôn trọng hoạt động của đội Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam cử đến quần đảo này để thực thi chủ quyền, khai thác sản vật. Thêm nữa, không chỉ ngư dân hai nước quan hệ thân thiện, mà chính quyền Trung Quốc còn công khai giúp đỡ khi thành viên của đội Hoàng Sa gặp nạn.

Về lịch sử thì như vậy, còn về địa lý, trên thực tế, Trường Sa cách xa lục địa Trung Quốc khoảng 750 hải lý, Hoàng Sa cách lục địa Trung Quốc khoảng 270 hải lý. Không thể vô cớ coi hai quần đảo này là nằm trong thềm lục địa Trung Quốc, cũng không có lý do gì để Trung Quốc biện hộ từ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hơn nữa, về cấu trúc địa lý thì Hoàng Sa và Trường Sa đều là sự tiếp nối tự nhiên của thềm lục địa Việt Nam,... Thế nhưng, dù mấy trăm năm người Trung Quốc chưa từng xác định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, dù có rất nhiều bằng chứng lịch sử, địa lý chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà mấy thập niên vừa qua, sau khi chính quyền Trung Quốc tưởng tượng ra cái gọi "đường lưỡi bò" rồi gấp rút sử dụng các biện pháp từ đe dọa tới sử dụng vũ lực để "hiện thực hóa" sản phẩm tưởng tượng này thì Biển Đông đã không còn yên bình. Đối với Việt Nam, năm 1974, nhân lúc nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chế độ Sài Gòn không có khả năng bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Tới năm 1988, là cuộc tiến công các bãi đá Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa mà sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam là bằng chứng không thể chối cãi về tham vọng vô lý và sự bất tín của Trung Quốc.

Tuyên bố trung thành với phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" nhưng Trung Quốc lại có quá nhiều hành động đi ngược tuyên bố của mình.

Phải nói rằng, từ việc sử dụng vũ lực xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh, tuyên bố "cấm đánh bắt cá trên Biển Đông,... đến hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 1-5 vừa qua là các bước đi đã được tính toán. Nếu hạ đặt giàn khoan là "bình thường" thì tại sao phải huy động hơn 100 chiếc tàu, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tiến công nhanh, rồi chủ động đâm va, sử dụng vòi rồng ngăn cản tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Hình ảnh các phóng viên Việt Nam, nước ngoài ghi được tại hiện trường cho thấy một sự thật mà dù có nói như thế nào thì phía Trung Quốc vẫn phải đối diện.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn, và chúng ta không quên điều đó. Vì thế chúng ta luôn luôn cố gắng vun đắp tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước. Cũng vì thế mà nhiều năm qua, trước một số hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhất là trên Biển Đông, chúng ta đã chọn biện pháp ngoại giao hòa bình, đối thoại và phối hợp giải quyết trên tinh thần thiện chí, láng giềng. Thái độ và hành động của các lực lượng chức năng của Việt Nam trên Biển Đông trong những ngày qua đã cho thấy quá rõ điều đó. Chúng ta đã biết, một trong các nội dung quan trọng trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, giữ nguyên trạng, không tiến hành chiếm đóng mới, giải quyết bất đồng trên tinh thần xây dựng. Phải chăng, khi đặt điều kiện chỉ đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào lúc DOC đã được thực thi đầy đủ, nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động đi ngược các nội dung của DOC, chính là cố tình trì hoãn đàm phán COC, tạo ra việc đã rồi để từ đó tìm lợi thế cho đàm phán COC? Nếu đó là sự thật thì đó là ý đồ không thể chấp nhận. Vì thế, Trung Quốc hãy có các hành động tương xứng với những tuyên bố về tình hữu nghị Việt - Trung.

VŨ HỢP LÂN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất