Thời gian qua, RFA, VOA và một số blog, diễn đàn của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam rùm beng đưa tin, bình luận về cái gọi là "điều trần, hội thảo tự do báo chí cho Việt Nam" tổ chức tại Hạ viện Hoa Kỳ, trụ sở RFA tại Washington. Sự rùm beng đó càng làm lộ rõ vai trò của tổ chức khủng bố "Việt Tân" cùng sự tiếp tay của một số tổ chức, cá nhân...
Tháng 4-2014, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa; trong đoàn có nhiều thành viên là người gốc Việt đến từ nhiều quốc gia. Ðược chứng kiến sự thật vốn từ lâu bị hệ thống truyền thông của người Việt ở nước ngoài bóp méo, được sống giữa tình cảm chân thành của mọi người, trên con tàu ra Trường Sa, một cựu sĩ quan quân đội VNCH trước đây và là người chống cộng quyết liệt, đã đọc câu thơ: "Vũ trụ có mặt trời - Việt Nam có Ðảng sáng ngời niềm tin", rồi hô to: "Hoan hô Ðảng Cộng sản Việt Nam"! Tại đảo Sinh Tồn, ông cho biết, sau mấy chục năm chống đối, lần đầu tiên ông đã đứng nghiêm chào lá cờ Tổ quốc, và phát biểu trước mọi người: "Hôm nay tôi phải nói rằng tất cả các vị là những người yêu nước thật, còn chúng tôi là những người yêu nước dỏm, những người ích kỷ và cơ hội". Cũng với tâm trạng như vậy, khi đến viếng Nghĩa trang nhân dân Bình An (Biên Hòa), được chứng kiến các sự thật trái ngược với những gì nghe trên đất Mỹ, nhiều người đã nói những lời chân thành: "Từ đầu đến cuối tôi im lặng vì tôi xấu hổ. Chúng tôi cảm thấy đau lòng và nhục nhã", "Thấy nhiều lời đồn không có căn cứ", "Tôi muốn xem có giả dối nào không, nhưng ngược lại hoàn toàn",... Vậy mà sau khi các videoclip và bài báo đề cập tới các nội dung trên được công bố, blogger nọ liền viết trên facebook của cá nhân: "Bà con bên Mỹ cần chăm sóc kỹ ba người này... Ðể họ phát biểu lăng nhăng mà còn sống được ở đất Mỹ thì bà con đừng có mong ngày trở về với đất Mẹ"! Với mấy "anh hùng bàn phím" tự thấy mình là "nhà dân chủ, người yêu nước đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền" thì giọng điệu nhuốm màu "xã hội đen" đó không có gì lạ. Tuy nhiên, phải dẫn lại ý kiến của blogger nói trên vì đó là người vừa được hai dân biểu L. Sanchez, Z. Lofgren mời, bảo trợ sang Hoa Kỳ để tham dự cái gọi là "điều trần về tự do báo chí cho Việt Nam"! Sau khi không được xuất cảnh, trang tiếng Việt của RFA liền đăng cái gọi là "thư ngỏ" của người này gửi dân biểu L. Sanchez bày tỏ "cảm xúc rất sung sướng" vì "nhận được sự quan tâm khích lệ", rồi "hy vọng sẽ có một ngày không xa được trao đổi trực tiếp với bà và các dân biểu Mỹ quan tâm đến Việt Nam"!
Từ sự xăng xái đến mức thái quá đối với vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận ở Việt Nam của các vị dân biểu Hoa Kỳ như L. Sanchez, Z. Lofgren, C. Smith, A. Lowenthal, không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao trong hàng trăm dân biểu Hoa Kỳ lại chỉ có mấy vị là luôn chối bỏ sự thật để tiếp cận và đánh giá phiến diện về dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, rồi o bế, cổ súy, bảo vệ mấy người Việt Nam không có tư cách nhà báo, không e ngại khi viết, công bố các câu chữ để dậm dọa người không cùng quan điểm với mình? Ðiều gì khiến dân biểu C. Smith hùng hồn đe dọa "đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm vô hiệu hóa các công cụ đàn áp của nhà nước Việt Nam, đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm"!?; còn dân biểu A. Lowenthal (người nhận "bảo trợ" Nguyễn Tiến Trung sau khi được Nhà nước Việt Nam ân xá) trả lời phỏng vấn của RFA ngày 3-5-2014 lại tuyên bố một cách kỳ quặc: "Chúng tôi sẽ tranh đấu không ngưng nghỉ cho đến khi toàn dân Việt được tự do" (!?)... Câu trả lời không phải tìm đâu xa, chẳng hạn năm 2010 trên VOA, trả lời phỏng vấn của Ira Mellman, dân biểu L. Sanchez nói: "Tôi đại diện cho một cộng đồng người Việt hải ngoại đông nhất thế giới, gần 500.000 người tại quận Cam"; còn mới đây, câu hỏi của Việt Long phỏng vấn dân biểu A. Lowenthal cho thấy căn nguyên các hành động phi lý đối với Việt Nam của vị dân biểu này: "Trong khu vực cử tri 47 của California, người Mỹ gốc châu Á chiếm 21%, người Mỹ gốc Việt chiếm một phần đáng kể trong tỷ lệ 21% dân Á châu trên tổng số 723 ngàn công dân Mỹ"!
Ðể kiếm phiếu cử tri trong khu vực có tỷ lệ người Mỹ gốc Việt cao như vậy, các dân biểu nói trên chọn thủ đoạn mỵ dân là về hùa với cử tri. Họ cố tỏ ra quan tâm tới yêu cầu của cử tri, dù trong đó có yêu cầu không liên quan tới nhiệm vụ của dân biểu Hoa Kỳ. Vì nhiệm vụ của dân biểu Hoa Kỳ được quy định cụ thể: "Dân biểu là những viên chức của Chính phủ Mỹ đã được bầu bởi người dân trong mỗi tiểu bang. Họ có trách nhiệm làm luật có ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong tiểu bang. Dân biểu giúp trong việc quyết định nhiều vấn đề, gồm có thuế liên bang, mức lương tối thiểu mà các chủ nhân phải trả cho công nhân, và tiêu tiền của chính phủ như thế nào". Quy định cho thấy việc một số dân biểu Hoa Kỳ có phát ngôn, hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là nằm ngoài nhiệm vụ của họ, như một người Mỹ gốc Việt nhận xét: "họ được người dân Mỹ bầu lên để phục vụ cho dân Mỹ chứ không phải để xía vào nội bộ các nước khác... Nhiệm vụ của một thượng nghị sĩ Mỹ hay một dân biểu Mỹ được quy định rõ ràng, tất cả chỉ để phục vụ dân Mỹ, không có điều nào cho phép họ, với tư cách cá nhân, xía vào chuyện nội bộ của các nước khác". Nhưng điều đương nhiên đó vẫn không làm một số dân biểu Hoa Kỳ cẩn trọng. Như dân biểu L. Sanchez chẳng hạn, hàng chục năm nay dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam trở thành chiêu bài, công cụ của bà trong các chiến dịch tranh cử, trong các hoạt động với vai trò dân biểu. Bà tranh thủ mọi cơ hội lấy lòng cử tri. Cách đây hơn mười năm một số người Mỹ gốc Việt đã nhận ra điều này, như trong bài Về sự liên hệ giữa bà Sanchez và đảng Việt Tân trên Vietweekly năm 2006, tác giả Hồ Văn Xuân Nhi viết: "Năm 2000, khi L. Sanchez theo phái đoàn của tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam, bà đã gây chấn động chính trị cộng đồng, chính mình nổi tiếng hơn khi bà bí mật tách rời đoàn, lén đến gặp gỡ các nhà đối kháng trong nước tại Sài Gòn... chúng ta thấy người phụ nữ mặc áo Việt cầm cờ vàng ba sọc đỏ mà không phải là người Việt Nam, không thể nào yêu quê hương Việt hay hiểu người Việt như chính người Việt Nam. Bà ta không biết gì về Việt Nam. Bà ta chỉ chống cộng vì được một đảng phái chống cộng giựt dây sau lưng, tham mưu chính trị chuyện chống cộng để mị phiếu cộng đồng Việt Nam. Bà cần phiếu cộng đồng Việt Nam, đảng Việt Tân cần phiếu của bà ở Hoa Thịnh Ðốn!". Còn ở Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã từng nhận xét: "L. Sanchez chưa bao giờ đến Việt Nam với thái độ cởi mở, khách quan, thực sự nhìn nhận toàn cảnh tình hình Việt Nam. Bà đến Việt Nam không phải để tìm hiểu, trao đổi mà để thực hiện chương trình "can dự" riêng theo sự xúi giục của một nhóm cử tri cực đoan tại California vẫn đang chìm đắm trong quá khứ. Tiếc rằng thay vì quan tâm đến đa số cử tri là những người hướng tới tương lai nhưng lại không lớn tiếng, bà lại để bản thân trở thành con tin của nhóm cử tri lỗi thời. Do đó, chúng tôi không hề ngạc nhiên trước những bình luận đen tối, kích động về tình hình Việt Nam của bà Sanchez... Trong thời gian ở thăm Việt Nam, những hành vi không phù hợp của bà là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam dưới chiêu bài "đem dân chủ" từ bên ngoài đến Việt Nam".
Nhân ngày "tự do báo chí thế giới", các vị dân biểu Hoa Kỳ như L. Sanchez, Z. Lofgren, C. Smith, A. Lowenthal tiếp tục nối dài các hoạt động của họ thông qua việc tổ chức, tham dự một số cuộc điều trần, hội thảo mà ở đó, họ không chỉ xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, mà còn tạo diễn đàn để một số cá nhân đến từ Việt Nam đưa ra phát ngôn thiếu thiện chí. Sự có mặt của L. Liu - Tổng Giám đốc RFA, đặc biệt là vai trò của Ðỗ Hoàng Ðiềm - "chủ tịch" của tổ chức khủng bố "Việt tân", tại các buổi điều trần, họp báo, vai trò nổi bật của tổ chức này trong việc tổ chức điều trần, hội thảo, đón tiếp "khách mời" cho thấy liên hệ mật thiết giữa mấy vị dân biểu trên với một cơ quan truyền thông luôn lấy việc chống phá Việt Nam làm mục đích. Cố tỏ ra là người yêu dân chủ, nhân quyền, nhưng phát biểu tại cái gọi là "điều trần", L. Liu - Tổng giám đốc RFA, cũng không giấu được mưu mô thực sự khi nói: "buổi điều trần hôm nay vô cùng quan trọng bởi vì Quốc hội Hoa Kỳ luôn yểm trợ mạnh mẽ cho sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là tự do báo chí... năm nay là năm vô cùng quan trọng khi mà Quốc hội Hoa Kỳ tăng thêm ngân sách cho lãnh vực tự do Internet mà tất cả chúng ta có thể tự tin sẽ tạo một thay đổi lớn cho Việt Nam"! Hóa ra L. Liu và RFA hăng hái như vậy là vì tiền. Vì tiền mà L. Liu và RFA liên tục chống phá Việt Nam thì đó là một việc làm rất xấu xa, bởi họ đã đầu cơ trên danh dự và uy tín của Nhà nước, nhân dân Việt Nam.
Với tỷ lệ 716 tù nhân/100.000 người dân, Hoa Kỳ hiện là quốc gia có số tù nhân cao nhất thế giới (hơn hai triệu người), vậy mà ở đó lại có mấy vị dân biểu không cố làm việc hữu ích cho cử tri mà xăng xái đấu tranh cho nhân quyền ở quốc gia khác! Có lẽ vì thế mà một người Mỹ gốc Việt đã viết: "Tôi thật quả là nghi ngờ sự lương thiện trí thức của các đài như BBC, RFA, RFI và những cơ quan như Ân xá quốc tế, HRW hay một số chính khách Tây phương, thượng nghị sĩ, dân biểu Mỹ hầu như đã quên đi các tội ác ngập trời đối với người dân Việt Nam của Pháp và Mỹ trong hai cuộc chiến Việt Nam trước đây,... nay lại lên mặt dạy đời về nhân quyền, tự do, dân chủ, không phải nhiệm vụ của mình mà cứ xía vào các chuyện nội bộ của Việt Nam. Có phải họ thực sự yêu nước Việt Nam không, hay chẳng qua là có những mưu đồ khác?... Trong khi đó thì một số người Việt lưu vong lại đi van xin hay làm tay sai, tiếp tay với ngoại bang để chống phá Việt Nam"!
LÊ VŨ HOÀI ÂN/Nhân Dân