Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 1/2/2011 15:13'(GMT+7)

Khi cuộc sống là đủ!

 

Từ trên cao nhìn xuống mây trắng xen kẽ những vệt núi đá xám hùng vĩ trải rộng phía dưới dần dẫn lối vào Tây Tạng, trong lòng tôi chợt rộn lên hồi hộp câu chuyện về Tây Tạng huyền bí. Vùng đất Shambala lẩn khuất đâu đó nơi đây, vùng đất của các linh hồn bất tử cùng thể xác cất giấu trong các hang động Somati.

Nóc nhà thế giới và phản ứng cao nguyên


Bất kỳ ai từng tới Tây Tạng đều khó lòng quên được bầu trời xanh trong vắt cùng những cuộn mây trắng như với tay ra là chạm tới.

Trên con đường nhựa thẳng tắp nối sân bay với thủ phủ Lhasa, du khách thả sức buông tầm mắt cùng mây trời, cùng những triền núi đá xanh xám phất phơ nhiều dải cờ đủ sắc màu giăng dài cả trăm mét.

Một anh chàng người Tây Tạng cưỡi chú bò Yak.
Một anh chàng người Tây Tạng cưỡi chú bò Yak.

Một số người cho rằng Tây Tạng là nơi lưu trữ tri thức nhân loại và là nơi ở của các Lạt Ma có khả năng điều khiển được chiều không gian thứ 4. Đó là Thời Gian. Ở đây mọi năng lượng xấu đều bị thanh lọc để giữ sự thanh khiết.

Đấy là theo cách lý giải tâm linh, còn trên thực tế bất kỳ ai lên tới Tây Tạng sau 3 đến 4 tiếng đồng hồ đều không tránh khỏi các triệu chứng của “phản ứng cao nguyên”, do độ cao và không khí loãng. Đó là những cơn nhức đầu khủng khiếp, thở dốc, huyết áp tăng, chóng mặt, chảy máu cam.

Hầu như đoàn khách du lịch nào cũng có người ốm bệt ngay ngày đầu tiên tới Tây Tạng! Chính vì thế, luôn có máy tạo ôxy cùng bác sĩ cấp cứu thường trực tại các khách sạn và trên những con đường sạch sẽ ở Lhasa. Ở đây bình ôxy du lịch bán nhiều hơn bưu thiếp.

Khí hậu khắc nghiệt ở độ cao trên 4.000 m, mọi du khách khi tới Tây Tạng đều được khuyên… không tắm ít nhất là trong ngày đầu tiên.

Potala, Cung điện của Bồ Tát


Tương truyền, 1 trong 3 báu vật trấn giữ Lhasa là cung điện Potala, theo tiếng Phạn nghĩa là cung điện của Bồ Tát. Được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, Cung điện là nơi đánh dấu cuộc hôn nhân chính trị giữa Tạng vương Sron Tsan Gampo và công chúa nhà Đường, Văn Thành. Cung điện này sau đó trở thành nơi ở và làm việc của các Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng.

Potala may mắn không bị phá hủy sau cách mạng văn hóa Trung Quốc. Tuy thế, ước tính có hơn 100.000 hiện vật quý đã bị hư hại hoặc mất tích. Du khách có thể chiêm ngưỡng Potala vững chãi và uyển chuyển trên một ngọn núi thấp ngay trung tâm thành phố.

Cung điện này dài hơn 350 m mỗi chiều với tường đá dày trung bình 3 m, cao 5 m trên nền đất được xử lý đặc biệt bao gồm cả công đoạn đổ đồng nóng chảy vào móng để ngăn động đất.

Potala có hơn 1.000 căn phòng, lưu giữ 200.000 tượng phật, phù điêu chạm khắc tinh xảo được làm từ hàng chục ngàn tấn vàng ròng, ngọc và đá quý.

Được thăm Potala là một may mắn bởi mỗi ngày nơi đây chỉ bán 1.600 vé để hạn chế hư hại cho di tích. Toàn bộ khu vực bên trong Cung điện đều bị cấm quay phim, chụp ảnh.

“Tam bộ nhất bái”

Trong khi du khách tới Potala thì người dân Tây Tạng lại kéo tới trái tim tâm linh của Lhasa: ngôi đền Jokhang nằm ngay trung tâm thành phố. Người ta hành hương tới đền này quanh năm. Dây buộc ngang bắp chân, hai tay đeo găng làm từ da, gỗ hay vải, họ chắp tay quá đầu khấn to rồi nằm xoài úp mặt xuống đất quỳ lạy hàng tiếng đồng hồ.

Nhiều người còn xếp vải thành chiếc thảm nhỏ, dài để tiện quỳ lạy. Bên cạnh họ là cả đùm túi, áo, đồ vật tùy thân. Người người thành kính và trật tự xếp hàng vào thăm Đền, tay xách theo phích dầu sữa dê hoặc một bát lớn bơ sữa dê, dùng thìa đắp vào mỗi tháp nến miệng rầm rì cầu khấn.

Chứng kiến cảnh tượng lạ mắt ấy, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự thành tâm và dẻo dai của dân Tây Tạng. Không khí loãng cùng độ cao của vùng đất này khiến du khách đi 3 bước đã đứng lại thở, nhắn nhủ nhau phát huy tối đa tinh thần “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” chứ đừng nói tới việc quỳ lạy miệt mài.

Được biết, đến nay vẫn có một số ít Phật tử theo gương thánh tăng Hư Vân thực hiện hành trình “tam bộ nhất bái” - ba bước một lạy, từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Hành Sơn với đoạn đường trên 2.500 km.

Một trong những vùng đất thiêng nữa của Tây Tạng là biển hồ Namtso nằm trên đỉnh núi. Vắng vẻ, hoang sơ với diện tích gần hơn 1.900 km2, Namtso là 1 trong 5 hồ đẹp nhất Trung Quốc và là hồ nước mặn cao nhất thế giới.

Để đi từ Lhasa tới Hồ phải mất nửa ngày, song chuyến ghé thăm thường chỉ kéo dài tối đa 1 tiếng bởi cái lạnh cắt da cắt thịt và không khí loãng ở độ cao gần 5.000 m. Bù lại khung cảnh nơi đây đẹp lộng lẫy, giải phóng tầm mắt tối đa trời nước mênh mông, trong lành tuyệt đối.

Giữa khung cảnh ấy là những chú bò Yak lông trắng như tuyết, hùng dũng mà tha thướt được người dân cho thuê để chụp ảnh. Người Tây Tạng tin rằng trong Hồ có những con cá khổng lồ hàng ngàn năm tuổi và một loại sinh vật có hình thù như con rồng gọi là cừu nước. Chúng thường nhảy lên khỏi mặt nước thành từng nhóm 3 đến 5 con và theo họ, ai nhìn thấy sẽ được toại nguyện mọi ước mơ.

Mỗi năm, có hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới tới Tây Tạng để khám phá vùng đất Phật giáo này.

Đối với du khách Việt Nam, đến Tây Tạng được coi là một trong những hành trình vất vả, tốn kém với tổng thời gian cả chuyến đi ngắn nhất cũng mất 6 ngày, chi phí khoảng 2.000 USD và thường được tổ chức trước tháng 10 để tránh mùa đông khắc nghiệt. Song bất chấp những bất lợi ấy, số người tìm tới Tây Tạng ngày một tăng, đủ biết sức hút của vùng đất này mạnh mẽ tới nhường nào.

Dân Tây Tạng gốc chỉ chiếm khoảng một nửa trên mảnh đất gần 4 triệu dân, còn lại là dân nhập cư, tới từ mọi thành phố lớn của Trung Quốc. Hầu như tại những địa điểm trọng yếu của Lhasa người Hán đều đóng vai trò chủ chốt. Và sau 2 ngày lê la chợ búa, vào cả những cửa hàng bán sỉ, tôi phải khẳng định là ngay cả những món quà lưu niệm đậm chất Tây Tạng nhất cũng có nguồn gốc từ đại lục. Riêng đồ dệt thì thường tới từ Nepal.

Chỉ tới khi tình cờ bước vào cửa hàng tranh Thangka trên phố tôi mới cảm thấy rõ ràng một mạch đập Tây Tạng vẫn đang nóng ấm nơi đây.

Hai bức tranh Thangka phải xem

Tới Tây Tạng không xem tranh Thangka thì phí quá. Xem mà bỏ qua 2 bức dưới đây lại càng phí hơn!
Bức thứ nhất trông như một tấm bản đồ vùng đất mang hình dáng người phụ nữ đang nằm, hình ảnh chân, tay khá động trên điểm tựa là mặt lưng đặt vững chãi. Bức tranh “bản đồ” này thể hiện khá nhiều ngôi chùa, đền.

Ở đúng vị trí trung tâm - trái tim ấy - là Đền Jokhang thiêng nhất Tây Tạng. Các vị trí trọng yếu được đánh dấu bằng nhiều ngôi chùa khác nhau. Người ta nói rằng Tây Tạng đang giữ sự ổn định không chỉ cho vùng đất này mà còn cho cả thế giới.

Chỉ một thay đổi nhỏ khiến dáng người đang nằm trong bức tranh kia bị lệch, thế giới sẽ chao đảo, động đất, núi lửa và lũ lụt! Bởi thế mọi ngôi đền, chùa ở đây đều đóng vai trò như chiếc đinh ghim, giữ gìn sự cân bằng và ổn định cho thế giới.

Tôi buột miệng hỏi: “Vậy nước Nhật động đất thường thế liệu có thể tới đây xin xây chùa trấn không?”. Anh chủ cửa hàng tranh gật đầu nhưng nói thêm rằng, thuật trấn đất được thực hiện bởi những nhà sư cao tay nhất rất có tác dụng, song người Tây Tạng cũng tin vào nhân quả, vào những điều phải xảy ra, nên nếu con người không thân thiện với thiên nhiên thì cũng nên đón đợi hậu quả.

Dù sao, đây cũng là một trong vô vàn ví dụ về nếp sống thuận với thiên nhiên của người Tây Tạng.

Bức tranh thứ 2 thu hút mọi con mắt trần tục lẫn không trần tục vì quá hiện đại: Phật ngồi chính giữa, trong lòng là một cô gái khỏa thân vòng tay ôm cổ Phật, hai người đang hôn nhau say đắm. Cô gái được vẽ màu trắng nổi bật trên nền da xanh của Phật. Bố cục khá thoáng so với các tranh khác. Hình khối khái quát, mạnh mẽ và đầy cảm hứng.

Tôi đang mải miết chụp lại cuốn sách tranh Thangka cổ dày cộp, lại từng thấy bức tranh đó nên không kịp hỏi cặn kẽ về ý nghĩa của bức tranh từ anh họa sĩ chủ cửa hàng tranh. Nhưng nôm na thế này: Mật tông Tây Tạng có 4 nhánh chính, trong đó Hoàng giáo với các nhà sư đội mũ chỏm vàng như mào gà, tuy ra đời muộn song phát triển mạnh mẽ nhất. Trong những nhánh đã tàn lụi có một nhánh lấy cực khoái làm chân tu.

Thangka, nghệ thuật của thái độ sống

Thangka là một dòng tranh dân gian có nguồn gốc Nepal, theo chân công chúa Bhrikuti tới Tây Tạng sau cuộc hôn nhân với Tạng vương Sron Tsan Gampo (sau đó, Tạng vương lại cưới công chúa Văn Thành). Trong đó, tranh thờ Phật giáo là mảng nổi bật nhất với những bức tranh chân dung, tranh kể chuyện.

Thangka có thể là tranh thêu kỳ công, chỉ vàng đính ngọc tinh xảo, vẽ trên vải, trên giấy bằng màu tự nhiên hay vẽ thẳng lên núi đá. Người Tạng rất trân trọng Thangka. Tranh thường được phủ bằng một tấm lụa, có giá đỡ cầu kỳ như một phần không thể thiếu của bức tranh.

Người họa sĩ trước khi cầm cọ tỉ mẩn đi từng nét nhỏ cần phải thông tuệ tiếng Tạng, am hiểu các tích truyện, phải cảm được cái hồn của nhân vật. Một họa sĩ vẽ tranh Thangka có thể mất ròng rã nhiều tháng mới hoàn tất từng chi tiết của tranh.

Mặc dù lối vẽ “công nghiệp” chia mỗi người một công đoạn chắc chắn sẽ giúp rút ngắn thời gian, nhưng lối vẽ ấy không được hưởng ứng tại đây, để giữ cho cảm xúc và đường nét tranh luôn nhất quán. Và quan trọng hơn, những họa sĩ người Tây Tạng thấy việc tiết kiệm thời gian là không cần thiết và cách thức ấy là thiếu tôn trọng Thangka.

Người Tây Tạng không ganh đua, cũng không vội vã, phần đông thường điềm tĩnh và khá cởi mở. May mắn cho tôi là đã gặp người họa sĩ chủ cửa hàng tranh, một người gốc Tây Tạng và có học thức.

Sinh ra trong gia đình người Tây Tạng sống tại Lhasa nhiều đời, anh bạn này vừa truyền thống vừa hiện đại.

Giống như nhiều người địa phương, anh thừa nhận biết kiếp trước mình là ai, thể như đó là điều rất bình thường, không lo sợ cái chết, không mưu cầu kiếm tiền nhiều, vui vẻ chia sẻ chút tiền với những người ăn xin.

Xét cho cùng, có lẽ vậy cũng là đủ cho cuộc sống này!

Theo Thiên Hương/Nhịp cầu đầu tư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất