Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 7/3/2011 21:49'(GMT+7)

Người phụ nữ góp sức đưa tranh thêu Việt ra thế giới

Chị Nguyễn Thị Làn, Giám đốc Công ty Hoàng Lan ở xã Xương Giang (Thành phố Bắc Giang)

Chị Nguyễn Thị Làn, Giám đốc Công ty Hoàng Lan ở xã Xương Giang (Thành phố Bắc Giang)

 Chị Nguyễn Thị Làn, Giám đốc Công ty Hoàng Lan ở xã Xương Giang (Thành phố Bắc Giang) cho biết, ngay từ nhỏ chị đã có niềm đam mê với nghề thêu.

Tâm huyết với nghề thêu

Hàng ngày, chị nhìn không biết chán những bức tranh thêu được tạo ra từ những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong làng nghề. Mới lên 10 tuổi chị đã thêu thành thạo. Năm 20 tuổi, chị đã trở thành thợ giỏi có tiếng ở làng nghề.

Những năm 1970, làng nghề thêu quê chị phát triển mạnh mẽ. Khắp làng trên ngõ dưới, người dân hối hả làm việc bên khung thêu để xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Đến cuối nhưng năm 1980, khi Liên Xô và các nước Đông Âu bắt đầu sụp đổ, thị trường tiêu thụ không còn, làng nghề ngày càng đi xuống. Số người bỏ nghề thêu đi tìm việc khác để kiếm sống cứ tăng dần lên.

 “Nhìn thấy các nghệ nhân phải xếp khung thêu vào góc nhà, chuyển sang làm nghề khác, tôi thấy day dứt trong lòng. Tôi luôn tự nhủ phải tìm cách vực dậy nghề thêu”, chị Làn nói.

Với ý nghĩ đó, năm 1993, chị khăn gói sang tận nước Ba Lan để tìm hiểu thị trường và bán những bức tranh thêu của làng nghề. Quyết định này khiến nhiều người trong làng “giật mình” bất ngờ vào thời điểm bấy giờ. Bởi ở một làng quê nông thôn nơi chị sinh sống người dân chỉ quen ngồi bên khung thêu và quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Đó là một việc làm “liều lĩnh” của một người phụ nữ mà chưa từng có tiền lệ trong lịch sử làng nghề.

Lần đầu tiên sang Ba Lan, với chị, mọi việc đều ngỡ ngàng với muôn vàn khó khắn. Từng có lúc chị phải đi bộ hàng chục cây số đến từng cửa hàng của người Việt để giới thiệu sản phẩm nhưng đi đến đâu chị cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

 “Ngày đầu mới sang, cứ nghe thấy ở đâu có cửa hàng người Việt là mình mang tranh đến chào bán. Chưa quen nên nhiều người cứ lắc đầu nguây nguẩy nhưng vì nặng lòng với nghề thêu của ông cha mình vẫn quyết tâm làm bằng được”, chị Làn chia sẻ.

Thế rồi, không chỉ có một cửa hàng, hai cửa hàng mà có đến hàng trăm khách hàng tìm đến mua tranh thêu của chị.

Khi đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, chị về quê đầu tư hơn 700 triệu đồng mua sắm máy móc, nguyên vật liệu thành lập Công ty Hoàng Lan chuyên làm tranh thêu xuất khẩu. Đó là thời điểm năm 2005. Chị tìm gặp từng thợ giỏi trong làng nghề mời về làm việc tại công ty; đồng thời mở các lớp dạy nghề thêu.

 Đến nay, chị đã trực tiếp xuất khẩu được những bức tranh thêu đến với nhiều nước như Ba Lan, Nga, Đức, Nhật Bản… Số sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nước ngoài chiếm hơn 75% tổng sản phẩm tranh thêu do công ty làm ra.

Mỗi năm công ty của chị thu về hàng trăm triệu đồng từ tranh thêu. Riêng 2010, công ty có tổng doang thu hơn 400 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động, trong đó có hơn 10 người khuyết tật.

“Thêm một người khuyết tật có việc làm, thêm niềm vui”

Công nhân đang làm việc tại xưởng thêu
 của chị Nguyễn Thị Làn - Ảnh Chinhphu.vn

Nhận thấy nghề thêu không cần nhiều sức khỏe, phù hợp với người khuyết tật, chị đã tích cực dạy nghề thêu cho họ. Năm 2006, chị bắt đầu mở lớp dạy nghề miễn phí cho những người tàn tật, những người ở xa chị lo cho cả nơi ăn chốn ngủ.

Những người khuyết tật thường mặc cảm và tự ti về thân phận nên việc đầu tiên không phải là dạy cho họ những đường kim mũi chỉ mà chị tìm cách gần gũi, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng để những người khuyết tật tin tưởng vào bản thân.

Việc dạy nghề cho người khuyết tật không hề dễ dàng. Có những em bị thiểu năng trí tuệ, chị vừa mới dạy xong nhưng lại quên ngay lập tức. Có em bị câm chị phải ra hiệu nhiều lần mới biết cách thêu những đường đơn giản… Gian nan là vậy nhưng chị vẫn kiên trì chỉ bảo.

 “Người khuyết tật rất nhạy cảm, chỉ cần một ánh mắt không thiện cảm là họ tìm cách xa lánh. Vì vậy, mình phải luôn tạo ra không khí thân thiện, đầm ấm thì việc dạy nghề mới đạt hiểu quả”, cho Làn tâm sự.

Mới đầu chỉ có những người khuyết tật gần nhà tìm đến học nghề, dần dần ngày càng có nhiều người đến với chị. Đến nay, chị đã đi khắp các huyện trong tỉnh Bắc Giang để mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật.

Tính ra, chị đã dạy nghề cho hơn 100 người khuyết tật. Có nhiều người đã thành nghề đi làm, ổn định cuộc sống bằng sức lao động của mình.

Với những thành tích trên, chị đã được UBND tỉnh Bắc Giang, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng bằng khen.

Nhìn những công nhân đang cặm cụi làm việc bên khung thêu, chị Làn bộc bạch: “Có em khuyết tật khi nhận tháng lương đầu tiên đã ôm chặt lấy tôi, òa khóc. Mong sao xã hội quam tâm đến người khuyết tật nhiều hơn để họ có được cuộc sống ổn đinh. Thêm một người khuyết tật có việc làm, thêm niềm vui”.

Theo Nguyễn Thắng/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất