Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 9/3/2011 22:9'(GMT+7)

Truyền nghề, nối nghiệp tạo sức sống cho văn hóa phi vật thể ở Huế

 Nghệ nhân Trần Kích là một trong những cây "đại thụ" của Nhã nhạc Huế vừa mất ở tuổi 90. Trước khi đi xa, ông đã kịp truyền dạy những nốt nhạc cống - sự - xàng - xê (đây là cách ký âm của Nhã nhạc Huế) cho lớp sau. Nghệ nhân Trần Kích chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm Nhị, Nguyệt, Tỳ, Bầu, Sáo...Với ông âm thanh réo rắt của cây đàn Huế có sức thu hút mãnh liệt, chuyển tải được cái sâu lắng của giai điệu âm nhạc Huế. Ông tham gia chơi nhạc cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế. Ông còn tự làm những cây kèn, cây đàn nhị độc đáo của Huế, để sử dụng và cung cấp cho học trò. Ngón đàn của ông, nhất là đàn Nhị, đàn Bầu hơi kèn trau chuốt, sang trọng đã mê hoặc bao người. Ông đã được Bộ Văn hóa và Truyền thông Pháp phong tặng hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật vì đã có những cống hiến to lớn trong việc gìn giữ và quảng bá Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) - Kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Giáo sư Trần Văn Khê trong một lần xem ông biểu diễn tại Pari (Pháp) đã xúc động nói với ông: "Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhưng cái thần, cái hồn của các nhạc cụ như: đàn nhị, sáo, kèn, đàn nguyệt, đàn bầu.. khi được anh biểu diễn thì nó như được nâng lên một tầm cao mới của nghệ thuật và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được". Hiện người con trai duy nhất của nghệ nhân Trần Kích - nhạc sĩ Trần Thảo đã nối nghiệp cha, chơi được các loại sáo, kèn, nguyệt, nhị, bầu, trống...và trở thành giảng viên của Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Ở Huế không còn nhiều những nghệ nhân nhã nhạc vì phần lớn họ đều ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm". Hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử là hai trong số những nghệ nhân cuối cùng của đội nhạc Hòa Thanh, dưới triều Vua Bảo Đại xưa nay cũng đã xấp xỉ trên dưới 100 tuổi. Cụ Lữ Hữu Thi nổi bật và tài ba với cây đàn nhị và chiếc kèn bóp; tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xòa, lúc bay bổng trong các ca đoạn Nam ai, Nam Bình, trong Đăng Đàn cung. Cụ Cử chơi được nhiều loại nhạc cụ như: kèn, sáo (địch), đàn nhị…Từ năm 17 tuổi, tiếng đàn, tiếng sáo của cụ qua các vở Tam Quốc, Lưu Bình - Dương Lễ…đã thu phục được lòng người, chính thức đưa cụ đến với đội nhạc Hòa Thanh và gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị. Cụ Cử cũng là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước ta, cụ là người thổi kèn Tây (Saxsophone, Clarinet, sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng. Hiện nay, cả hai anh em cụ Lữ Hữu Thi và Lữ Hữu Cử được xem như "báu vật nhân văn sống" của nhã nhạc Huế. Các cụ còn nhớ và biểu diễn thành thạo tới 20 bài nhạc lễ cung đình, trong đó có những bài có nguy cơ thất truyền như bài "Ngũ lôi nữ nhạc", là bài ứng tiếp mà triều đình thường dùng khi có khách quý...

Ngoài việc truyền nghề, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tích cực tổ chức dàn dựng và biểu diễn, từng bước đưa Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) tiếp cận với khách du lịch và công chúng. Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) hiện quy tụ được hơn 170 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học, lấy Duyệt Thị Đường (Đại nội - Huế) làm nơi biểu diễn phục vụ khách du lịch. Hiện, mỗi năm, nhà hát đã thu hút được 42.000 lượt đến 50.000 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài đến thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, với doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Nhiều tiết mục đã được nhà hát dàn dựng và biểu diễn, thu hút sự chú ý của khách du lịch như: Trống Thái bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá. Đạo diễn sân khấu Trương Tuấn Hải, Giám đốc nhà hát cho biết: bên cạnh 15 điệu múa cung đình đã được biên soạn, nhà hát đã phục hồi được một số điệu múa khác như: Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Long hổ hội. Nhà hát còn dàn dựng được 13 điệu múa nâng cao như: Huyền Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân...Ngoài chương trình biểu diễn hàng ngày tại Duyệt Thị Đường, nhà hát còn tham gia tổ chức các lễ hội lớn phục vụ trong dịp Festival Huế gồm: Lễ hội Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ hội thi Tiến sĩ Võ, lễ hội Huyền thoại sông Hương và Đêm Hoàng cung; tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế và phục vụ khác./.

Quốc Việt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất