Điểm xét tuyển “đầu vào” của các trường đều không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố.
Hiện các
trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh
năm 2015, trong đó một số trường đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét
tuyển và các điều kiện sơ loại hồ sơ.
Năm 2015, hầu hết các trường đại học,
cao đẳng sử dụng hoàn toàn kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc
gia để xét tuyển. Điểm xét tuyển đầu vào của các trường đều không thấp
hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà Bộ Giáo dục -Đào tạo sẽ công bố
sau khi có điểm thi kỳ thi THPT quốc gia. Cùng sử dụng kết quả thi
trung học phổ thông quốc gia, nhưng một số trường, chủ yếu là các trường
“top” trên đặt thêm điều kiện xét tuyển riêng để sàng lọc hồ sơ. Phương
thức là sơ tuyển điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp 3 môn xét
tuyển, hoặc điểm học lực trung bình chung các năm ở bậc THPT.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng
Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Năm nay, nhà trường sẽ có thêm điều
kiện sơ tuyển cũng là một phần để sàng lọc thí sinh và cũng đảm bảo cho
tuyển đầu vào chính xác hơn. Đối với hệ bác sỹ, nhà trường yêu cầu là
trung bình của từng môn học, những môn mà thí sinh sẽ xét tuyển vào
trường Đại học Y Hà Nội trung bình trên 7. Đối với hệ cử nhân là trên 6
điểm. Như vậy là yêu cầu cũng đặt ra cho thí sinh là cần phải có đánh
giá của cả quá trình học tập trong phổ thông trung học.
Một số trường tuy không yêu cầu thêm
điều kiện sơ loại, nhưng lại công bố mức điểm nhận hồ sơ như: Đại học Hà
Nội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh có tổng điểm 3 môn thi gồm
Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ của kỳ thi trung học phổ thông đạt 15 điểm trở
lên theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số; Đại học Kinh tế quốc dân sẽ xét
tuyển theo từng ngành, điểm trúng tuyển cao hơn ngưỡng đảm bảo chất
lượng đầu vào của Bộ ít nhất 2 điểm…
Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng
Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Năm 2015, nhà trường chưa đặt
ra các ngưỡng đó nhưng năm nay, Đại học Kinh tế quốc dân sẽ có điểm sàn
cho các ngành. Mỗi một ngành có điểm sàn riêng. Như vậy, có thể có ngành
có điểm sàn tới 26-27 điểm, nhưng ngược lại cũng có thể có những ngành
mà điểm sàn chỉ có 17,18,19 điểm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo,
một số trường cũng sử dụng phương thức tuyển sinh khác là dùng kết quả
thi trung học phổ thông quốc gia kết hợp học bạ. Nhóm trường này chủ yếu
là trường ngoài công lập, trường mới thành lập và trường khó tuyển
sinh. Các trường có tính đặc thù như Học viện Báo chí và Tuyên truyền,
Đại học Luật TP HCM sử dụng kết quả thi trung học phổ thông và thi thêm
môn chuyên ngành. Nhóm trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật thì dùng kết
quả thi trung học phổ thông quốc gia hoặc xét tuyển và thi thêm môn
năng khiếu. Hiện nay chỉ có duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi
riêng với bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh./.
Theo VOV