Thứ Tư, 25/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 9/4/2015 21:9'(GMT+7)

Tự chủ và cạnh tranh đại học

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, quá trình tự chủ trong tuyển sinh ở nhiều trường đại học đã được chủ động chuẩn bị bài bản và sôi nổi. Song thật lạ, lại có những trường vẫn chưa thể triển khai. Lý do là họ vẫn chờ đợi sự hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đã gọi là tự chủ, đã mở lối cho phép tự chủ mà còn chờ đợi? Nếp cũ lâu năm thụ động hóa ra vẫn còn ngăn trở, nhất cử nhất động theo kế hoạch, theo hướng dẫn, chỉ đạo từ trên.

Người ta từng ví von thực trạng nền đại học của ta là “phổ thông cấp 4” quả không phải sự ngoa ngôn, hài hước. Thực chất đại học là tự chủ, hay nói cách khác, tự chủ là nguyên tắc phổ biến xưa nay trên thế giới của đại học, khác biệt với các trường phổ thông và các trường dạy nghề. Đại học phải nhằm mục tiêu đào tạo nên các tài năng có khả năng nghiên cứu, sáng tạo trong khoa học và công nghệ. Nhưng bao nhiêu năm qua, hiện tượng đọc-chép trong dạy và học đại học vẫn diễn ra ở nhiều trường. Trên bình diện nhân lực xã hội “thừa thầy (kém), thiếu thợ” là hậu quả của các phương thức đào tạo lạc hậu đó. Mặt khác, đại học đương nhiên phải cập nhật công nghệ đào tạo và tri thức chuyên ngành. Chỉ có liên thông trong hệ thống đại học trong nước và thế giới mới đạt được yêu cầu đó. Tự chủ là tư thế, tư cách chủ động mở ra sự liên thông đó.

Tự chủ đại học là quyền, là chỗ dựa trên 3 yếu tố chính: Chương trình, tài chính và nhân lực. Những yếu tố này đương nhiên nảy sinh sự phân hạng và cạnh tranh trong đào tạo đại học. Một số năm gần đây, quá trình cạnh tranh cũng đã diễn ra một cách tự nhiên và tạo nên nhiều trường có chất lượng mới, có uy tín trong xã hội, khắc phục sự lạc hậu, “pha loãng đại học” sau giai đoạn mở ra khá nóng. Có thể kể ra: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Việt-Đức… Những trường đi trước này đều góp dựng những mô hình phát triển đại học hiệu quả. Đáng lưu ý là trong số các trường đó không phải trường nào cũng sẵn có đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu giỏi và xuất sắc hay điều kiện cơ sở vật chất, tài chính đầy đủ. Bắt đầu từ phát huy ý thức, năng lực tự chủ, nêu cao trách nhiệm, gây dựng thương hiệu, nâng cao đẳng hạng.

Cạnh tranh đại học là cạnh tranh về chất lượng, hoàn toàn khác với sự cạnh tranh tuyển sinh dễ dãi, ồ ạt. Tự chủ buộc phải cạnh tranh về chất lượng. Sớm muộn thì những trường không xây dựng được chương trình tiên tiến, không có giảng viên giỏi, hoạt động cầm chừng sẽ không thể tuyển được sinh viên giỏi và sinh viên họ đào tạo ra khó tìm được việc làm. Căn bệnh cào bằng, rải mành mành, bình quân chủ nghĩa trong đào tạo đại học cần phải được đẩy lùi vào quá khứ. Cạnh tranh-vươn lên và loại thải-là quy luật tất yếu.

Ở đây cũng cần hiểu rõ, những trường đại học trong quân đội, công an có những yêu cầu, nội dung tự chủ và cạnh tranh trong môi trường, cơ chế đặc thù để góp phần phát triển chính mình cùng nền đại học nước nhà.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước yêu cầu và khai mở, tạo điều kiện cho đại học có bước chuyển biến, đổi mới căn bản từ tự chủ đại học./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất