Việc công khai thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt
nghiệp, là cơ sở để nghiên cứu, xem xét khả năng điều chỉnh chỉ tiêu
tuyển sinh, cơ cấu đào tạo của các trường Đại học (ĐH).
Trong văn bản gửi các ĐH, học viện, các trường ĐH, trường CĐ sư phạm, Bộ
GD&ĐT yêu cầu các trường triển khai thu thập thông tin, báo cáo về
tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy trình độ ĐH,
CĐ.
Nội dung báo cáo gồm: Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt
nghiệp; khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp; đánh giá mối quan hệ
giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Mục đích nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình trạng việc làm của
sinh viên tốt nghiệp và khả năng tham gia vào thị trường lao động của
sinh viên. Trên cơ sở đó, các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ
tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật
nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp
có việc làm.
Từ năm 2016, đây là báo cáo các trường phải thực hiện, làm cơ sở để
giám sát chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường và phải được đăng
tải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Từ năm 2016, Giám đốc các ĐH, học viện; Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ
sư phạm triển khai việc thu thập thông tin, xây dựng và công bố báo cáo
về việc làm của sinh viên chính quy, tốt nghiệp bằng thứ nhất (tính từ
sinh viên tốt nghiệp năm 2015) trên trang thông tin điện tử của trường,
đồng thời gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT, trước ngày 1/1 hằng năm (bắt đầu
từ ngày 1/1/2017).
Ngày 17/8 vừa qua, Bộ LĐTB&XH tiếp tục công bố “Bản tin cập nhật
thị trường lao động Việt Nam, quý II/2016”, nhóm lao động có số người
thất nghiệp nhiều nhất thuộc về những người có trình độ đại học trở lên
với 191.300 người, sau đó mới là nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800
người và trung cấp chuyên nghiệp có 59.100 người.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Lao động xã hội, hằng năm,
3/4 số học sinh tốt nghiệp phổ thông đều tập trung vào giáo dục đại học.
Điều này không phù hợp với một đất nước có thu nhập trung bình như Việt
Nam.
Vì vậy, Việt Nam cần tập trung vào phân khúc bậc trung như cao đẳng,
trung cấp nghề. Hiện số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn
40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn nhưng thị trường chỉ cần
khoảng 20% đối với nhóm này.
Còn Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng các số liệu về
tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm LĐ có trình độ và tỷ lệ LĐ làm việc không
phù hợp với trình độ đào tạo, đã cảnh báo rõ nét sự mất cân đối cung
cầu của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch đào tạo
phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh lãng phí nguồn lực cũng như tạo sự
chuyển biến trong xã hội về nhận thức chọn ngành nghề, công việc trước
và sau khi đào tạo./.
Theo Chinhphu.vn