Thứ Hai, 3/10/2016 16:34'(GMT+7)
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư-Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống."
(TG) - Sáng 3/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Khai khóa-2016. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và có bài phát biểu chuyên đề trước các thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên của trường. Sau đây là toàn văn bài phát biểu với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư-Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống."
Thưa quý vị đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo!
Thưa các em sinh viên thân mến!
Hôm nay, trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích
cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, tôi
rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia Thành
phố Hồ Chí Minh năm 2016.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới quý vị đại biểu,
các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các em sinh
viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lời thăm hỏi ân cần, những
tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các thầy giáo,
cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và các em sinh viên Nhà trường
bước vào khóa học mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!
Thưa các em sinh viên thân mến!
Năm học 2016-2017 có ý nghĩa to lớn đối với ngành giáo dục và đào tạo
trong việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ
tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế”, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu
quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng,
phát triển đất nước.
Tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm nay, tôi
muốn chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa
học và các em sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh một số
vấn đề về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư-Thời cơ phát triển và
các thách thức an ninh phi truyền thống.
1. Bối cảnh ra đời và đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Sự phát triển của nhân loại trong hơn ba thế kỷ qua chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những thay đổi từ các cuộc cách mạng công nghiệp.
Một là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỷ 18
bởi các thành tựu về cơ khí hóa với sự ra đời của máy hơi nước.
Hai là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai xuất hiện từ cuối thế kỷ
19 và đầu thế kỷ 20 với việc phát minh ra động cơ điện và dây chuyền lắp
ráp để tạo ra sản xuất quy mô lớn.
Ba là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu từ những năm 70 của
thế kỷ 20 với đặc trưng là việc sử dụng các thiết bị điện tử và công
nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Bốn là, từ đầu thế kỷ 21, thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là
sự hợp nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực
vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và
thực thể.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với thuật ngữ “Công
nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Ha-nô-vờ ở
Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011. Năm 2012, thuật ngữ này được đặt tên
cho một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Đức hợp tác với giới
nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện
quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện
toán hóa”. Từ đó đến nay, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng
rãi trên thế giới để mô tả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày
20/01/2016, Diễn đàn kinh tế thế giới ở Đa-vốt, Thụy Sĩ, đã khai mạc với
chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư."
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời trong bối cảnh:
Một là, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009
đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi căn bản mô hình phát
triển theo hướng cân bằng hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Các nguy cơ về
an ninh năng lượng, an ninh môi trường đòi hỏi các nước đẩy mạnh đầu tư,
nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, tìm ra các giải pháp công nghệ, tối ưu
hóa quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng
tiết kiệm năng lượng.
Hai là, trước sự cạnh tranh gay gắt của các nền kinh tế mới nổi nhờ lợi
thế chi phí lao động thấp, các nước công nghiệp phát triển đứng trước
sức ép rất lớn phải tái cơ cấu kinh tế để tiếp tục duy trì vị thế dẫn
dắt nền kinh tế thế giới, nhất là trong các ngành công nghệ cao.
Ba là, do xu hướng già hóa dân số, lực lượng lao động giảm không những
làm giảm tốc độ tăng trưởng mà còn làm giảm năng lực canh tranh của các
nước công nghiệp phát triển và một số nền kinh tế mới nổi, đòi hỏi các
nước này đầu tư nhiều hơn vào phát triển khoa học-công nghệ nhằm bù đắp
thiếu hụt lao động.
Bốn là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ trên lĩnh vực trí
tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu
lớn, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới,
lưu trữ năng lượng... vừa là động lực, vừa tạo điều kiện và môi trường
thuận lợi cho việc tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những đặc trưng sau:
Một là, nhờ khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng
tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được
nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Hai là, tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là không có
tiền lệ trong lịch sử. Nếu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn
ra với tốc độ tuyến tính, thì tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư là theo hàm số mũ.
Ba là, cuộc cách mạng lần này làm thay đổi căn bản cách thức con người
tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên "cách mạng" về tổ chức các chuỗi sản xuất
- giá trị. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự
chuyển đổi mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị
của xã hội loài người.
2. Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn về kinh
tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: Toàn cầu, khu vực và trong
từng quốc gia. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song
cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn.
Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh
mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri
thức - "thông minh." Các thành tựu mới của khoa học-công nghệ được ứng
dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và
quản lý, quản trị...
Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản
xuất, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng
mất dần lợi thế; sản xuất đang chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao
động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên
cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị
trường tiêu thụ. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu
dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo - là những động lực không giới
hạn thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng
vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào luôn có giới hạn.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ tác động tích cực đến tiêu
dùng và giá cả. Theo đó, người dân được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với
những sản phẩm và dịch vụ mới với chí phí thấp hơn, như: gọi xe taxi,
đặt vé máy bay, mua bán sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim qua
mạng. Những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, vật
liệu, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, in 3D giúp
giảm mạnh áp lực chi phí, qua đó làm giảm giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Tất cả sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về mặt môi trường, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động
tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn
nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân
thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát
triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và
xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo
sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Về mặt xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu lao động xã hội ở nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng đông
đảo tầng lớp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế,
văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế,
pháp luật... Về việc làm, trong trung hạn và dài hạn, các ngành, lĩnh
vực sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ bị tác động trực tiếp và
nhiều nhất do nhu cầu sử dụng lao động tay nghề cao tăng trong khi nhu
cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Nhóm lao động chịu tác
động mạnh nhất là lao động phổ thông do rất dễ bị thay thế bởi quá
trình tự động hóa và người máy. Chênh lệch giàu nghèo có khả năng tiếp
tục gia tăng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần này cùng với những thay đổi nhanh chóng
và rộng khắp đặt các nhà quản lý trước những thách thức ở mức độ chưa
từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định.
3. Những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát
triển kinh tế-xã hội của Việt Nam Đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh đến Việt Nam, cả tích cực cũng
như bất lợi.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần này với sự phát triển mạnh mẽ của khoa
học-công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển
trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam
hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới. Do điều
kiện chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam đã không có cơ hội để
tiếp cận và bắt nhịp ngay từ đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Vì vậy, việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua
để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh
thủ các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát
triển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Đặc
biệt, trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ thông ở nước ta sẽ
chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước
phát triển. Nhóm ngành công nghiệp chế tạo sẽ phải chịu tác động mạnh
nhất bởi những đột phá về công nghệ đang làm đảo ngược dòng thương mại
theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do lợi thế lao động giá rẻ
giảm mạnh.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, công nhân trong các doanh
nghiệp dệt may của Việt Nam đang bị kẹt ở giữa một bên là nhân công rẻ
hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh, Myanmar... và bên kia là người
máy đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển và cả ở
Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch sản xuất trong phân khúc có giá trị
cao hơn trở lại các nước phát triển và Trung Quốc để gần hơn với thị
trường tiêu thụ lớn cũng như các trung tâm nghiên cứu, phát triển và các
trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế công bố tháng 7 năm 2016
cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày
dép có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ
do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Tỷ lệ rất lớn này sẽ
chuyển thành con số thiệt hại tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép
lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3
triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ làm việc trong ngành dệt
may).
Tiềm năng phát triển của Việt Nam hiện nay còn rất lớn, chúng ta vẫn
đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song thách thức đặt ra với
nước ta là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả các tác động
tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu tận dụng tốt cơ
hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp
khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục
tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu
không có chiến lược phù hợp thông qua đổi mới giáo dục, đào tạo, chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, phát triển khoa học-công nghệ thì sức ép đối với
phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách giữa nước ta với
các nước phát triển sẽ ngày càng tăng.
Thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!
Thưa các em sinh viên thân mến!
Bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ tư cũng đang đặt ra những thách thức gay gắt, đặc biệt là thách thức
an ninh phi truyền thống. Sự ra đời của thuật ngữ "an ninh phi truyền
thống" phản ánh sự thay đổi nhận thức của con người về an ninh và việc
mở rộng nội hàm khái niệm an ninh quốc gia. Nếu an ninh truyền thống coi
an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công
quân sự cả từ bên ngoài và bên trong, thì an ninh phi truyền thống -
ngoài việc bảo vệ chủ quyền quốc gia - còn bao gồm cả việc bảo vệ con
người (cá nhân) và cộng đồng trước những mối đe dọa và nhân tố mang tính
xuyên quốc gia, phi chính trị, phi quân sự.
Hiện nay, bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống, đất nước ta
đang phải đối mặt với những nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là an
ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, năng
lượng, lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai,
dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời đưa ra
nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó có hiệu quả với các nguy
cơ an ninh phi truyền thống. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã
khẳng định sự cần thiết của việc "sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa
an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông
tin, an ninh mạng."
Nhân dịp này, tôi muốn trao đổi thêm về vấn đề an ninh mạng - một trong
những thách thức an ninh phi truyền thống có nguy cơ đe dọa lớn đến an
ninh của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã tạo nên không gian mạng,
mở ra một kỷ nguyên mới thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của loài
người. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể
thiếu và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông
tin và kinh tế tri thức, đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của xã
hội loài người.
Bên cạnh những lợi ích của không gian mạng, thế giới cũng phải đối mặt
với các nguy cơ, như: chiến tranh mạng, tình báo mạng, gián điệp mạng,
tấn công mạng, tội phạm mạng và hàng loạt vấn đề phức tạp mới, như lãnh
thổ mạng, chủ quyền mạng, biên giới mạng, cửa khẩu mạng, biên phòng
mạng, an ninh mạng.
Với xu hướng kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể, Internet kết nối vạn
vật và các hệ thống, tấn công mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng
lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn nhằm phá hoại cơ sở dữ
liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí
nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại
vũ khí truyền thống khi xung đột vũ trang xảy ra.
Thời gian gần đây, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến ngày
càng phức tạp với hàng loạt chiến dịch gián điệp, tấn công mạng của tin
tặc nhằm vào những cơ quan, tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn. Liên tục
xuất hiện siêu vũ khí mạng tấn công xâm nhập, phá hoại, hủy diệt mạng
thông tin và những công trình, phương tiện quan trọng về chính trị, quốc
phòng, an ninh, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia. Hoạt động sử dụng
không gian mạng để tuyển quân, truyền bá tư tưởng khủng bố, cực đoan đã,
đang và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các quốc gia. Chiến
tranh mạng đã xuất hiện và được sử dụng vào mục đích chính trị, quân
sự. Tình báo mạng trở thành con đường ngắn nhất để đi tắt đón đầu, phát
triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh
nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng
nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe doạ
an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông,
Internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động
biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế
chính trị ở nước ta. Xuất hiện hàng nghìn trang thông tin điện tử, blog,
trang mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook, có nội dung xấu, đăng tải
ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hoạt động tình báo mạng, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây
hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất
là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức trọng yếu vẫn sẽ là
mục tiêu tấn công xâm nhập của tin tặc nước ngoài; nguy cơ mất an ninh,
an toàn thông tin, lộ, lọt bí mật nhà nước sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu
không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu.
Trước tình hình đó, chúng ta cần thấu suốt một luận điểm cực kỳ quan
trọng: Công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng,
chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự
lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an
ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả
hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, chúng ta
phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo
đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia. Đây là quan điểm, tư
tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết
định thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói chung,
bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia nói riêng.
Để đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới, bên cạnh
việc khai thác tiềm lực của công nghệ thông tin, viễn thông, Internet,
cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể, toàn diện,
phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc
gia Việt Nam.
Sử dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuận lợi cho hoạt động bảo
đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, phục vụ phát triển công
nghệ thông tin, kinh tế-xã hội. Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đối
phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa từ không gian mạng, góp phần bảo vệ
chủ quyền, lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Nâng
cao nhận thức, kiến thức bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh
mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia vào môi trường mạng
để xây dựng môi trường thông tin, môi trường mạng lành mạnh, tạo sức đề
kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại
của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm mạng.
Có chính sách phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công
nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh
mạng nói riêng. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo
công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; xây dựng chương trình khung
đào tạo và giáo trình chuẩn quốc gia về an ninh, an toàn thông tin, an
ninh mạng cho mọi cấp học.
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về an ninh, an toàn thông tin, an ninh
mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ và lợi ích của các quốc gia; tiếp thu những thành tựu khoa học-công
nghệ tiên tiến của thế giới, tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển
các sản phẩm về an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần xây
dựng không gian mạng lành mạnh, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong
khu vực và trên thế giới.
Thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!
Thưa các em sinh viên thân mến!
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên thông tin đang phát
triển như vũ bão trên thế giới đã làm biến đổi sâu sắc công cụ lao động,
phương thức sản xuất, tạo nên năng suất lao động cao chưa từng thấy
trong lịch sử nhân loại. Giá trị của sản phẩm được quyết định không phải
bởi lao động đơn giản hay lao động tự nhiên, mà bởi hàm lượng tri thức
kết tinh trong đó. Tri thức là sản phẩm của trí tuệ, vì thế, sức mạnh
của đất nước chúng ta tùy thuộc vào khả năng huy động và phát huy sức
mạnh trí tuệ của toàn dân. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
làm cho cuộc cạnh tranh về nhân tài và trí tuệ trở thành một cuộc đua
tranh toàn thế giới, trong đó ưu thế đang thuộc về các nước phát triển.
Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, Việt Nam phải ra sức xây dựng, phát triển và phát huy nguồn
lực trí tuệ của toàn dân.
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, có
thể khẳng định, mỗi khi đất nước gặp phải khó khăn, thử thách, thì trí
tuệ Việt Nam lại bừng sáng để biến nội lực thành sức mạnh to lớn. Phát
triển phải dựa vào tri thức, muốn có tri thức, đặc biệt là tri thức mới
tiên tiến, thì phải coi trọng khoa học, giáo dục, đào tạo. Lịch sử các
quốc gia phát triển đều gắn liền với sự phát triển khoa học-công nghệ,
giáo dục-đào tạo.
Để xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, có nhiều giải pháp và công việc cần làm, trong
đó giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bởi lẽ
nó tác động trực tiếp và lan tỏa đến sự phát triển bền vững của đất nước
và là cơ sở vững chắc để đón bắt những thành tựu khoa học-công nghệ mới
phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục-đào tạo và đã ban
hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục-đào tạo phát
triển; khẳng định giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho
giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của
Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ
bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất,
năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo
hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và
ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của
các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt
đời của mọi người”.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một tổ hợp giáo dục-đào tạo,
nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các
viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực
với 35 đơn vị thành viên và trực thuộc, trong đó có 6 trường đại học
hàng đầu phía Nam, 1 viện nghiên cứu thành viên và 28 đơn vị trực thuộc
hoạt động ở 5 lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Xã hội, Kinh tế và Khoa học
sức khỏe.
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo, giữ vững vai trò là
một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công
nghệ hàng đầu của cả nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần
quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và
nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo; phải là nơi thu hút
nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và
giảng dạy; phải là “một thành phố đại học hiện đại," nơi ươm mầm tài
năng của đất nước hôm nay và mai sau. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào
tạo theo hướng chuẩn hóa về chương trình, nội dung giảng dạy và quy
trình kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt chú
trọng khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri
thức phục vụ cộng đồng một cách thiết thực và hiệu quả.
Chất lượng công tác giáo dục-đào tạo có mối quan hệ mật thiết với chất
lượng nghiên cứu khoa học và sự kết nối với các doanh nghiệp. Vì vậy,
cần tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên tích cực
tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết
chặt chẽ với quá trình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; chia sẻ
thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các
nước trong khu vực và trên thế giới. Quan tâm xây dựng môi trường giáo
dục thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao
tiếp, ứng xử chuẩn mực ở cả giảng viên và sinh viên.
Giảng viên phải là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo; xác định đúng
vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với việc dạy “chữ”, dạy “người”, truyền
cho sinh viên niềm say mê học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, chủ
động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sinh viên phải luôn
tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu để phục vụ đất nước và vì tương
lai của chính mình.
Thưa quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo!
Thưa các em sinh viên thân mến!
Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung, cấp ủy, chính quyền và
đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn quan tâm, chăm lo sự phát
triển vững chắc của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; luôn trân
trọng những thành tựu, kết quả đạt được và chia sẻ với những khó khăn,
thách thức mà nhà trường phải đối mặt.
Với truyền thống “Dạy tốt-Học tốt," lá cờ đầu của hệ thống giáo dục
đại học Việt Nam, tôi tin tưởng và mong muốn các thầy giáo, cô giáo, các
nhà khoa học và các em sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hết tài năng và trí tuệ, niềm đam mê
khoa học, khát khao khám phá để làm tốt vai trò đầu tàu đại học chất
lượng cao, đón bắt tinh hoa tri thức của nhân loại thời đại cách mạng
công nghệ mới, góp phần nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh vai
với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các em
sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm học mới
với khí thế mới, vui tươi, mạnh khỏe, thi đua dạy tốt, học tốt, đạt
nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn!