Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 28/12/2010 10:20'(GMT+7)

Cách đưa tin và sự cả tin

Đại diện WWF trong buổi họp báo về vấn đề liên quan đến cá tra  ngày 15/12/2010. (Ảnh minh hoạ).

Đại diện WWF trong buổi họp báo về vấn đề liên quan đến cá tra ngày 15/12/2010. (Ảnh minh hoạ).

Ngày 16/12 vừa qua, một tờ báo điện tử hiện có lượng người truy cập lớn ở Việt Nam đã cho đăng bức thư "cải chính và cáo lỗi", theo đó, tòa báo thông báo việc họ đã tổ chức xử lý, kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm của Tổng biên tập (trong đó Tổng biên tập và Thư ký xuất bản nhận hình thức kỷ luật khiển trách; phóng viên viết tin nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và sẽ không được cấp thẻ nhà báo trong đợt tới) trong việc vào chiều 14/12, báo đã cho đăng thông tin về kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2010 của Tổ chức Hướng tới Minh bạch, cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế, trong đó "có đưa một số chi tiết liên quan đến một số cơ quan Việt Nam chưa được kiểm chứng".

Trước hết, cần phải nói rằng, để đối phó với thị trường, nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử hiện đã tìm mọi cách để co kéo bạn đọc, mà một trong những chiêu phổ biến nhất là làm sao đặt tít cho "giật gân" nhất, "mùi mẫn" nhất, mà để giật gân thì không gì bằng việc thổi phồng thông tin sao cho nó trở nên "khủng" nhất, "ít thấy" nhất, kiểu như người được nhắc tới ai cũng thuộc danh sách lập kỷ lục Guinness cả. Nào là "Người đàn bà bốc lửa nhất thế giới", "Người phụ nữ gợi tình nhất hành tinh", "Người đàn ông hào hoa nhất thế gian", "Người đàn bà hoàn hảo nhất mọi thời đại", rồi thì "Người phụ nữ quyến rũ nhất châu Á", "Người đẹp sexy nhất châu Âu"... v.v và v.v... Đọc những thông tin trên, người có tư duy tỉnh táo không khỏi nghi ngờ: Việc suy tôn ấy ở đâu ra, thực hiện theo phương cách nào, số người bình chọn là bao nhiêu, có đáng tin cậy không? Chứ cứ suy tôn bừa phứa như thế (có thể ngay trên cùng một tờ báo, chỉ trong một tuần đã thấy hàng chục nhân vật khác nhau được xếp vào hạng "đẹp nhất", "gợi tình" nhất, "hấp dẫn" nhất) thì đúng là... loạn chuẩn.

Thật ra, với những thông tin về một lĩnh vực khó bình chọn (như về sức hấp dẫn, gợi cảm của các người đẹp - hoàn toàn do yếu tố chủ quan của người bình chọn), thì việc người đọc tiếp nhận thế nào, tin hay không cũng không ảnh hưởng gì lắm tới... "hòa bình thế giới". Điều đáng lo nhất là có những thông tin thoạt nghe thì có số liệu, dẫn chứng đàng hoàng, theo kiểu do tổ chức này, đơn vị nọ đưa ra, có thống kê phần trăm đầy đủ, nhưng nếu người đọc có đầu óc suy xét hẳn sẽ phải lấy làm ngạc nhiên: Không hiểu họ cách nào mà tính toán được như vậy, tài thế (như trước đây tôi từng đọc được thông tin: Vào thế kỷ thứ XII, lượng vàng được khai thác trên thế giới là ngần này, ngần này tấn!). Có một điều không thể không nói, hình như nhiều nhà báo của chúng ta quá nệ, nếu không muốn nói "sùng bái" nguồn tin bên ngoài, đặc biệt nếu đó là tin từ các hãng thông tấn của những nước có nền công nghệ tiên tiến. Tất nhiên, để tìm hiểu thấu đáo một vấn đề, ta cần tham khảo nhiều nguồn tin, chỉ có điều, đừng coi tất tật những thông tin đưa ra từ những hãng ấy đều là đúng, đều là có cơ sở.

Một bài học rất thấm thía là vừa qua, sản phẩm cá tra của Việt Nam bị Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại 6 nước châu Âu đưa vào "danh sách đỏ" (khuyến nghị người dân không nên dùng, vì theo họ, không đạt một số tiêu chuẩn về môi trường nuôi, về vệ sinh an toàn thực phẩm). Sau khi tìm hiểu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện việc Quỹ này đưa ra những nhận định trên là căn cứ vào một tài liệu... cũ (mà theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải sản Việt Nam thì đó là những tài liệu "nghèo nàn và cẩu thả", với những số liệu cũ từ một vài năm trước). Sau khi nhiều tổ chức Việt Nam lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, với việc đưa ra những tài liệu đáng tin cậy cùng việc đòi hỏi có sự kiểm tra thực tế, kết quả là vào ngày 15/12 vừa qua, một đại diện của WWF, ông Mark Powell đã chính thức khẳng định, việc WWF tại 6 nước châu Âu đưa cá tra Việt Nam vào "danh sách đỏ" là do thiếu thông tin cập nhật về tình hình phát triển của cá tra tại Việt Nam, và cá tra của Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi "danh sách đỏ" trong ngày hôm sau.

Thế mới thấy, sự cảnh báo qua câu chuyện ông nghị Quế (trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố) - người có câu cửa miệng "Đồng hồ Tây có bao giờ chạy sai" là rất thâm thúy./.

(Trần Hữu Thanh/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất