(TCTG)-Những năm trước, công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn, 33,2% (567 chi bộ) chi bộ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới. Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang có Nghị quyết số 56 NQ/TU ngày 17 tháng 6 năm 2009 về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc... mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi, nhiều chi bộ thôn bản đã kết nạp được đảng viên mới, đồng thời thoát khỏi cảnh sinh hoạt ghép, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tuyên Quang, nguyên nhân việc phát triển đảng viên ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm trước gặp khó khăn là do một số cấp uỷ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về công tác phát triển đảng viên nên chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên thường xuyên, lâu dài. Một số đoàn thể chính trị ở cơ sở, thôn, bản hoạt động yếu nên chưa tập hợp, thu hút được đoàn viên, hội viên; chất lượng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng chưa cao. Trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển chậm, đời sống nhân dân còn khó khăn. Vì thế, dẫn đến nhiều chi bộ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới; tỷ lệ đảng viên so với dân số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt thấp 3,4% (bình quân 34 đảng viên trên 1.000 dân)....
Khắc phục bất cập trên và để xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã quyết định ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ...Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đã cử đảng viên đang công tác tại các xã về thôn, bản còn ít đảng viên để tham gia sinh hoạt, gây dựng phong trào, phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, sự cần thiết phải phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng bồi dưỡng, kết nạp đảng đối với những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa và mở rộng đối tượng tạo nguồn trong học sinh, sinh viên là con em các dân tộc đang học tại các trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường chuyên nghiệp, dạy nghề của tỉnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc phát triển đảng viên...
Đồng chí Bàn Văn Thân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cho biết: Trung Minh có 438 hộ, với trên 2 nghìn nhân khẩu, 97% là đồng bào là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông và Dao. Năm 2005, Đảng bộ xã chỉ có 67 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ, trong đó chỉ có 4 chi bộ sinh hoạt độc lập, còn lại 3 chi bộ sinh hoạt ghép từ 2-3 thôn, bản. Thực hiện Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết và Chương trình hành động vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế tại địa phương. Theo đó, Đảng bộ xã củng cố hệ thống chính trị mà trọng tâm là MTTQ và các đoàn thể xã; chỉ đạo các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào chung, qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng. Nhờ đó, đến nay Đảng bộ đã kết nạp được 46 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ xã lên 113 đảng viên, xoá được chi bộ phải sinh hoạt ghép. Đặc biệt, nhiều chi bộ có 100% đồng bào dân tộc Mông, Dao nhiều năm trước không kết nạp được đảng viên nay đã kết nạp được đảng viên mới. Điển hình như chi bộ thôn Bản Ruộng (xã Trung Minh). Trước đây, do không đủ số đảng viên (3 người) nên chi bộ này phải sinh hoạt ghép với thôn Nà Khẻ, nhưng đến nay đã kết nạp được 3 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số và đã tách ra thành 2 chi bộ sinh hoạt độc lập (chi bộ thôn Bản Ruộng và chi bộ thôn Nà Khẻ).
Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Sán Dìu, Pà Thẻn, Mông... 103 xã thuộc diện khó khăn. Theo thống kê, tính đ ến đầu tháng 12 năm 2010, toàn tỉnh có 509 tổ chức cơ sở đảng, với gần 4 vạn đảng viên. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và với phương châm phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, thủ tục, nguyên tắc, không định kiến hẹp hòi; phát triển đảng viên phải được gắn chặt với củng cố tổ chức cơ sở đảng, làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên làm một chỉ tiêu phấn đấu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, coi trọng chất lượng đảng viên, tránh chạy theo số lượng. Tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ nhân dân và các đoàn thể; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở...
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đảng viên so với dân số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đạt khoảng 4,5% (45 đảng viên trên 1.000 dân)./.
BT(theo TTXVN)