Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 17/11/2013 15:0'(GMT+7)

Cách làm tốt để bảo tồn di sản văn hóa

Các đội tham gia thi đấu tại Festival đua ghe ngo Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thứ I.

Các đội tham gia thi đấu tại Festival đua ghe ngo Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thứ I.

Nâng tầm lễ hội

Những ngày này ở trung tâm TP Sóc Trăng, không khí lễ hội tràn ngập trên mọi nẻo đường, góc phố. Từng dòng người nườm nượp, háo hức đổ về, ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến những cuộc tranh tài quyết liệt, đầy tinh thần thượng võ và nhân văn của các đội ghe ngo.

Ở ĐBSCL, lễ hội Óc om bóc - Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khơ-me diễn ra vào ngày 14 và 15/10 âm lịch hằng năm. Lễ hội này còn có tên là Lễ cúng trăng với nhiều nghi thức như: Thả đèn nước, đèn trời, đua thuyền trên sông… Qua đó, đồng bào Khơ-me muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Thần nước, Thần đất, góp phần giáo dục con người không được làm tổn hại đến đất đai, nguồn nước, môi trường… Tại Sóc Trăng, Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe ngo được đồng bào Khơ-me duy trì từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Kế tục, phát huy truyền thống đó, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chung tay cùng đồng bào đứng ra tổ chức thành nền nếp.

Hơn 10 năm trở lại đây, Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe ngo không ngừng được củng cố, thật sự đã trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khơ-me trên địa bàn Sóc Trăng; và “điểm hẹn” đua ghe ngo hằng năm bao giờ cũng là dòng sông Maspero hiền hòa, thơ mộng, thu hút hàng trăm nghìn người trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng đến tham gia, cổ vũ.

Sự phát triển của loại hình thể thao truyền thống này còn dễ nhận biết ở số lượng ghe ngo đăng ký dự thi tăng nhanh mỗi năm. Ghe ngo được đóng mới, cất giữ trong những ngôi chùa, mỗi đội ghe đại diện cho một ngôi chùa, một phum, sóc. Ghe ngo chính là sản phẩm của cả cộng đồng. Trong năm 2013, toàn tỉnh Sóc Trăng có 8 chiếc ghe ngo được đóng mới, trong đó có 6 ghe dành cho nam và 2 ghe dành cho nữ. Tại Festival, số ghe ngo của tỉnh Sóc Trăng chiếm số lượng áp đảo với 47 chiếc dự thi.

Ông Mai Khương, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức Festival đua ghe ngo ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ I tâm sự: "Năm nay, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, lễ hội được nâng lên thành Festival đua ghe ngo mang tầm khu vực và quốc gia. Lần đầu tiên vinh dự được tổ chức, với tinh thần trách nhiệm của mình, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực chuẩn bị, triển khai thực hiện các công việc. Chúng tôi hy vọng Festival sẽ góp phần bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của các địa phương trong khu vực, cùng cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sôi động trên từng chặng đua

Ông Trần Thành Nghiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó trưởng ban tổ chức chức Festival đua ghe ngo ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ I cho biết: “Festival này có 62 đội ghe ngo cả nam và nữ tham gia thi đấu. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng có 40 đội nam và 7 đội nữ; những đội còn lại đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực như: Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ.

Đúng 12 giờ trưa 16/11, các đội đua vào vị trí sẵn sàng. Dòng sông Mespero như đang “dậy sóng” không chỉ bởi sự quyết liệt của các đội tranh tài, mà chính sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân khiến cho không khí càng trở nên tưng bừng.

Anh L.Stelle đến từ nước Đức xa xôi hào hứng cho biết: “Tôi nghĩ rằng, đây là môn thể thao rất độc đáo, nó không chỉ đòi hỏi sức khỏe dẻo dai mà còn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên”.

Chị Nguyễn Hồng Vân đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ấn tượng của tôi ở Festival đua ghe ngo là có đến 13 đội nữ tham gia. Các chị tỏ ra mạnh mẽ, nhanh nhẹn không thua kém gì nam giới. Tôi ước sao sẽ có một lần được ngồi trên chiếc ghe ngo và tham gia thi tài như thế”.

Theo Hòa thượng Lý Đức, Trụ trì chùa Som Rông (phường 5, TP Sóc Trăng) thì ông rất vui mừng bởi hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của người Khơ-me Nam Bộ và đã được bà con người Kinh, người Hoa tích cực tham gia.

Vun đắp thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc

Ông Thạch Pích ngụ phường 7, TP Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi và gia đình không bỏ sót một hoạt động nào của Festival, có thể nói ban tổ chức đã rất nỗ lực trong việc phục hồi các nghi thức của Lễ hội Óoc om bóc như lễ Cúng Trăng và thả đèn nước. Đặc biệt, liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê có đến 10 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khắp nơi về biểu diễn đã tạo điều kiện cho bà con thưởng thức nhiều vở diễn độc đáo. Tôi rất mừng vì thể loại sân khấu này sắp tới sẽ được cơ quan chức năng đề nghị UNESCO xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Tại Festival, ngoài đua ghe ngo, một loạt các hoạt động như: Hội chợ thương mại, liên hoan ẩm thực ba dân tộc Kinh - Khơ-me - Hoa, hội thao dân tộc - trò chơi dân gian; triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; ca múa nhạc tổng hợp; liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khơ-me Nam Bộ; Lễ cúng trăng - Óc om bóc; hội thi thả đèn nước; hội thi trang phục ba dân tộc Kinh - Khơ-me - Hoa… đều tạo được sự hấp dẫn.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: "Festival đua ghe ngo đồng bào Khơ-me ĐBSCL thể hiện tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng cao, đồng thời thể hiện được tinh thần thượng võ của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khơ-me anh em trong khu vực. Do đó, cần phải được tôn vinh, gìn giữ và phát huy; xem đây là một trong những hoạt động tạo động lực cho sự phát triển và vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em trong vùng. Festival đua ghe ngo ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ I còn là điểm đến hấp dẫn, thân thiện cho du khách tìm hiểu, hợp tác phát triển du lịch trong lĩnh vực văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Khơ-me Nam Bộ"./.

Hồng Hiếu-Thế Hiển (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất