"Một mùa đông nữa lại sắp tới. Với tiến độ thực hiện việc giãn dân, quy
hoạch làng cổ như bây giờ thì gia đình tôi (gồm tám nhân khẩu) sẽ tiếp
tục phải sống cảnh tối tối trải chiếu ra nền nhà thấm lạnh để ngủ, bởi
cả nhà chỉ có một phòng ngủ.” bà Hà Khanh (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội)
chia sẻ.
Theo lời bà, người dân Đường Lâm hai lần làm đơn xin trả lại danh
hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia cũng bởi họ cứ phải mòn mỏi chờ đợi,
không được thông báo về một mốc thời gian cụ thể mà những khúc mắc ấy sẽ
được giải quyết thỏa đáng.
Cuộc sống với những bức xúc của người dân của người dân Đường Lâm vẫn
ngày ngày diễn ra là một bài học đắt giá cho việc chưa quan tâm đúng mức
tới việc hài hòa giữa lợi ích dân sinh và bảo tồn di sản hiện nay.
Chuyện sau “bức tường di sản”
Theo ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch), một trong những mục tiêu quan trọng đặt
ra đối với công tác bảo tồn di sản là: Phải gắn di tích với đời sống
đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường giao
lưu văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.
“Bảo tồn di sản văn hóa không phải chỉ có mục đích bảo vệ, giữ gìn di
tích mà còn phải hướng tới việc phục vụ, mang lại lợi ích tinh thần và
vật chất cho cộng đồng dân cư bản địa,” ông Bài bày tỏ.
Cụ thể, những lợi ích kinh tế ấy đến từ việc bán vé tham quan, phát
triển du lịch (tạo ra những sản phẩm di lịch đặc trưng để tăng thu nhập,
việc làm cho người dân bản địa)…
Có cùng quan điểm trên, giáo sư Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản
Quốc gia) cũng nhấn mạnh: “Đó mới là cách bảo tồn đúng đắn và phát
triển bền vững. Không thể tách rời lợi ích dân sinh và việc bảo tồn di
tích theo kiểu hy sinh lợi ích của người dân để bảo vệ, giữ gìn danh
hiệu di sản.”
Dẫn giải cho vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, từ thực tế việc người dân ở
làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) xin trả lại
danh hiệu di sản, có thể thấy rõ thực trạng: Các cấp quản lý mới đẩy
mạnh việc giành danh hiệu, còn vấn đề bảo tồn hậu danh hiệu, những câu
chuyện về đời sống người dân phía sau những “bức tường” di sản đó lại
chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời.
Trong khi đó, “người dân ý thức rất rõ về quyền lợi của mình và họ đã
mất kiên nhẫn khi những nhu cầu về không gian sinh hoạt, nâng cao đời
sống vật chất của họ không được giải quyết thỏa đáng trong nhiều năm.
Cần phải nói rằng, nguyện vọng đó của người dân và nhu cầu bảo tồn những
kiến trúc, di tích cổ này của các nhà quản lý, nhà chuyên môn đều cấp
bách như nhau,” ông Thịnh cho biết thêm.
Theo ông, những kiến trúc, di tích này là của cha ông họ để lại. “Người
dân là chủ thể của văn hóa. Hàng ngày, họ vẫn được huy động vào việc gìn
giữ, bảo vệ những giá trị đó. Bởi vậy, khi các ban ngành khai thác di
tích như một nguồn lợi du lịch, tạo ra lợi nhuận thì đương nhiên người
dân ở đây cũng phải được hưởng; không thể bắt họ giữ di tích không
công,” giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.
Bảo tồn di sản phải đi liền với việc đảm bảo lợi ích dân sinh (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/Vietnam)
"Không thể bảo tồn kiểu bao cấp"
Nhìn nhận ở một góc độ khác, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hiền cho rằng:
Việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn là một trách nhiệm của cộng
đồng đối với các thế hệ tương lai. "Bởi vậy, công việc này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh
việc vận động cộng đồng dân cư bản địa tham gia vào công việc này, tại
sao chúng ta không kêu gọi sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp,
đoàn thể," ông Hiền đặt vấn đề.
Nói cách khác, đó chính là việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho việc
bảo tồn di sản. Cụ thể, khi đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá
trị di sản, đơn vị, doanh nghiệp sẽ được hưởng một số quyền lợi như được
phép quảng bá thương hiệu của mình gắn với di sản đó, hoặc được giảm
trừ một phần thuế... "Tất nhiên, toàn bộ quá trình trùng tu, tôn tạo ấy phải được kiểm soát
chặt chẽ về mặt chuyên môn để đảm bảo thực thi đúng những nguyên tắc của
bảo tồn di tích," ông Hiền khuyến cáo.
Đồng tình với phương án trên, giáo sư-tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu
(Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia) phân tích thêm: "Mô hình này đã được
nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chúng ta không thể bảo tồn di sản
theo kiểu 'bao cấp' bởi ngân sách nhà nước sẽ không đủ chi trả. Nếu di
tích nào cũng xin kinh phí quy hoạch, tu bổ... khoảng 500 tỷ đồng như
Đường Lâm thì tổng số tiền cần đầu tư sẽ là bao nhiêu? Trong khi đó, cả
nước hiện có trên 3100 di tích được xếp hạng di tích quốc gia..."
Theo giáo sư Lưu Trần Tiêu, đây chính là việc kết hợp hai hình thức
'chuyên nghiệp hóa' đội ngũ quản lý và 'xã hội hóa' các nguồn lực cho
việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; từ đó, hạn chế những mâu thuẫn
phát sinh và hài hòa lợi ích dân sinh với việc bảo tồn di sản. "Nhiều
nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng tương đối thành công mô hình này
và Việt Nam cũng cần học tập, đẩy mạnh," giáo sư chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cũng nhấn mạnh: "Đi kèm
với phương thức trên, những người làm công tác quản lý văn hóa cần xây
dựng cơ chế chính sách kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng 'mất bò
mới lo làm chuồng' trong việc bảo tồn di sản vốn đã bộc lộ rõ nét qua
thực tế những vụ việc xâm hại di sản nghiêm trọng trong thời gian qua
như vụ xâm hại thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ,
Hà Nội)..."./.
Chương trình Mục tiêu
quốc gia về Văn hóa được triển khai trong 5 năm (2011-2015) với tổng số
kinh phí đầu tư là 7.399 tỷ đồng; trong đó, 3.231 tỷ đồng trích từ ngân
sách trung ương, số còn lại dự kiến huy động từ ngân sách địa phương và
các nguồn vốn khác. |
Theo Vietnam+