Là một loại hình nghệ thuật, một bộ phận nằm trong thiết chế văn
hóa, ngành nhiếp ảnh nước ta đã có những bước phát triển, khẳng định vị
thế của nền nhiếp ảnh dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và
nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong 15 năm thực hiện Nghị
quyết T.Ư 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc
Nhiếp ảnh được du nhập từ bên
ngoài vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 và quá trình phát triển
luôn luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ như quang
học, cơ học, tin học... Nhưng đây lại là bộ môn nghệ thuật dễ hiểu, gần
gũi và đến với công chúng nhanh nhạy và phổ cập nhất, đồng thời số lượng
người tham gia sáng tác cũng tương đối lớn. Nhiếp ảnh lại là một trong
những ngôn ngữ nghệ thuật chung nhất của nhân loại, không phân biệt
tiếng nói, mầu da, chữ viết, dân tộc và chế độ chính trị... Ngày nay tốc
độ truyền tải đã đạt đến mức kỷ lục và là lợi thế của nhiếp ảnh khi một
sự kiện diễn ra nhưng chỉ mấy phút sau đã được truyền đến với tất cả
các quốc gia trên thế giới.
Không chỉ lưu giữ hình ảnh tư liệu, kỷ
niệm riêng tư với mỗi người, mỗi gia đình, nhiếp ảnh còn giữ vai trò
lưu giữ lịch sử và những khoảnh khắc tuyệt đẹp của phong cảnh, thiên
nhiên dưới vô vàn các góc độ. Cho đến hôm nay, để lớp lớp thế hệ con
cháu hiểu và biết những chiến tích, sự hào hùng của dân tộc Việt Nam qua
hai cuộc kháng chiến phải nói đến công lao, nói đến sự đóng góp của
nhiếp ảnh. Có thể nói, nhiếp ảnh đã thật sự len lỏi đến với từng người,
từng gia đình và toàn xã hội, qua đó từng bước tự khẳng định được một vị
thế vững vàng. Với tính chất, tầm quan trọng và sự tác động của nhiếp
ảnh, trong những năm qua và nhất là 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5
khóa VIII, Ðảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã hết sức quan tâm đến
loại hình nghệ thuật này. Nhiếp ảnh được chọn là hình thức và phương
tiện tuyên truyền chính của tất cả các ban, ngành, đơn vị, tổ chức xã
hội, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền đối ngoại của đất nước.
Từ
chỗ chỉ có một vài cơ quan nhiếp ảnh trong kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ, cho đến hôm nay, chúng ta đã có một đội ngũ nhiếp
ảnh tương đối hùng hậu, ngoài 996 hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt
Nam, hàng nghìn hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh của các tỉnh, thành phố,
hàng nghìn phóng viên, biên tập viên ảnh của các báo, các bảo tàng, các
nhà xuất bản, các cơ quan đơn vị, các công ty chụp ảnh, sản xuất ảnh và
hàng trăm câu lạc bộ nhiếp ảnh ở khắp các địa phương... chúng ta còn có
một lực lượng công chúng đông đảo yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh với
đầy đủ các thế hệ, vùng miền. Cho đến hôm nay, nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ
chức được 26 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc, bảy cuộc
thi ảnh quốc tế tại Việt Nam, bình quân hằng năm có từ 100 đến 150 cuộc
triển lãm ảnh cấp bộ, ngành, khu vực, tỉnh, thành phố trong cả nước. Nổi
bật là Liên hoan ảnh Nghệ thuật hằng năm ở tám khu vực do Hội Nghệ sĩ
Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch các tỉnh, thành phố thực hiện như: khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí
Minh, đồng bằng sông Hồng, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung
Bộ và Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những cuộc thi
này đã đưa nghệ thuật nhiếp ảnh về cơ sở, đến với rộng rãi công chúng
các vùng, miền. Hằng năm, đã xuất bản hàng nghìn ấn phẩm nhiếp ảnh, hàng
triệu bức ảnh được đăng trên các báo, thông tin chuyên đề, tuyên truyền
các hoạt động xã hội, hàng chục nghìn bức ảnh về đất nước con người
Việt Nam đã xuất hiện trên khắp các châu lục, phục vụ đắc lực cho công
tác tuyên truyền đối ngoại...
Với hoạt động đa dạng, công tác quản
lý về nhiếp ảnh cũng gặp không ít khó khăn và phức tạp, nhưng nhìn
chung, thực hiện các Nghị định, quy chế, quy định của Chính phủ, của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch... trong những năm qua, công tác quản lý
được thực hiện tương đối tốt, đưa nhiếp ảnh Việt Nam đi đúng hướng. Các
tác phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, phản văn hóa, đi chệch đường
lối văn hóa nghệ thuật của Ðảng, Nhà nước từng bước được hạn chế. Chất
lượng các tác phẩm ngày một nâng cao, phù hợp đời sống văn hóa đất nước,
đậm đà tính dân tộc và hội nhập một cách tích cực trong sự phát triển
chung của nhiếp ảnh thế giới. Nhiều tác giả nhiếp ảnh Việt Nam đã đoạt
các Huy chương vàng, bạc, đồng tại các cuộc thi ảnh quốc tế, đã mang vẻ
vang về cho đất nước. Ðặc biệt, năm 2006, 2008 và năm 2010, Hội Nghệ sĩ
Nhiếp ảnh Việt Nam đều nhận được Cúp thế giới, Giải thưởng Ðặc biệt xuất
sắc và Huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế
(FIAP). Cho đến nay, nhiếp ảnh nước ta đã có hai hội viên Hội Nghệ sĩ
Nhiếp ảnh Việt Nam được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc thầy quốc
tế (MFIAP), hơn 40 hội viên được phong Nghệ sĩ Ưu tú quốc tế các hạng
(EFIAP), hơn 100 người được phong Nghệ sĩ Nhiếp ảnh quốc tế (AFIAP).
Tuy
nhiên, trong quá trình phát triển đi lên của nhiếp ảnh nước nhà 15 năm
qua cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Quản lý chưa thật sự thống nhất, động
viên khen thưởng chưa kịp thời, nhất là việc phong danh hiệu nghệ sĩ
của Nhà nước. Với nhiếp ảnh thì không được xét phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ
sĩ Nhân dân, trong khi đó, chuyên ngành quay phim là anh em sinh đôi
với nhiếp ảnh lại được phong tặng các danh hiệu này. Lâu nay, để phù hợp
và hội nhập với thế giới, sau khi được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo
T.Ư, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tự phong các tước hiệu cho các hội
viên: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (AVAPA), Nhà nhiếp ảnh xuất sắc
(EVAPA). Việc tự phong ở cấp độ hội chưa thật sự vinh danh và động viên
được các nhà nhiếp ảnh có nhiều cống hiến.
Những năm gần đây
công nghệ ảnh phát triển vượt bậc, việc áp dụng kỹ thuật số, áp dụng
photoshop vào sáng tác và sản xuất ảnh được giới nhiếp ảnh tiếp thu, đã
tạo rất nhiều thuận lợi, giải phóng sức lao động đáng kể. Thế nhưng, một
số nhà nhiếp ảnh quá lạm dụng photoshop đã làm mất đi giá trị chân -
thiện - mỹ, tức là làm mất đi bản sắc của nghệ thuật nhiếp ảnh. Việc
trả thù lao, nhuận bút cho các tác phẩm triển lãm, in ấn, quảng cáo...
trong cả nước cũng không thống nhất, mỗi nơi làm một nẻo, thậm chí,
nhiều nơi không trả tiền nhuận bút. Hiện tượng vi phạm bản quyền nhiếp
ảnh còn xảy ra tương đối nhiều.
Thực trạng nêu trên cho thấy, để
nhiếp ảnh Việt Nam ngày một phát triển, cần thiết phải tăng cường sự
lãnh đạo của Ðảng, quản lý Nhà nước về nhiếp ảnh trên tất cả các mặt từ
sáng tác, quảng bá, sử dụng tác phẩm, bản quyền. Nhà nước tạo điều kiện
về vật chất và tinh thần để cá nhân các nghệ sĩ công bố tác phẩm với
các hình thức như triển lãm, xuất bản sách ảnh, công trình,... Các cơ
quan quản lý Nhà nước cần quan tâm hơn để đầu tư, mở những lớp bồi dưỡng
về đường lối, quan điểm sáng tác, tư cách đạo đức người cầm máy, bởi
lâu nay chúng ta chưa mấy quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Bên cạnh đó,
cần tuyên truyền nhiều hơn về thành tựu, làm cho người xem hiểu và tự
hào về nền nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch cùng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cần tạo điều kiện, mở rộng giao
lưu, hội nhập và hợp tác trên lĩnh vực nhiếp ảnh với nhiếp ảnh thế giới
và các nước trong khu vực; có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng
kịp thời với các tác phẩm xuất sắc và với những nhà nhiếp ảnh có đóng
góp xuất sắc./.
Vũ Văn Cảnh (Nhân Dân)