Trong Chính trị học Mácxít, dân chủ được coi là một trong những quan niệm giá trị nòng cốt. C.Mác từng chỉ ra rằng: Công xã Pari năm 1871, Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử, thực chất là chính quyền của giai cấp công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(1). Trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Người đã chỉ ra rằng: "Công nông là gốc của cách mệnh… gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"(2).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng Sản Việt nam, Chủ tịch Hồ chí Minh và giai cấp Công nhân Việt Nam lãnh đạo đã thành công vĩ đại. Đó là một cuộc tổng khởi nghĩa thần tốc và thần kỳ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thần kỳ vì chỉ trong hơn một tuần Cách mạng đã thành công trong cả nước, Chính quyền Việt minh đã được xây dựng từ nông thôn đến thành thị để quản lý đất nước. Thần kỳ vì thành công của cuộc cách mạng này nhân dân ta đã đánh đổ cùng một lúc hai ách thống trị Pháp và Nhật cùng bè lũ tay sai của chúng đối với nước ta. Đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến hàng trăm năm trở thành một quôc gia độc lập, tự do và có chủ quyền lãnh thổ toàn diện, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ của đất nước độc lập tự do. Cách mạng tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, (trước đây nước ta không có tên trong bản đồ thế giới) mà chỉ là một phần thuộc địa và phụ thuộc của đế quốc Pháp. Cách mạng tháng Tám đã thiết lập nền dân chủ cộng hòa đầu tiên ở nước ta. Mục tiêu “độc lập dân tộc”,”người cày có ruộng” và quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị được thực hiện trọn vẹn. Nền dân chủ cộng hòa Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó sau 40 năm và trở thành tiền đề để tiến lên nền dân chủ XHCN khi cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Từ sau cách mạng tháng Tám, chế độ của ta là chế độ dân chủ; dân chủ trăm, ngàn lần với nhân dân, nhưng đồng thời cũng nghiêm trị những kẻ phá hoại thành qủa của cách mạng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Tất cả mọi người dân Việt Nam không phân biệt tầng lớp, chủng tộc, tôn giáo, trẻ già, trai gái đều là người chủ đất nước, đều được hưởng thụ những quyền lợi chính đáng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chỉ sau hơn 4 tháng từ khi cách mạng tháng Tám thành công lần đầu tiên nhân dân ta được thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bầu gia Quốc Hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - cơ quan quyền lực cao nhất để lãnh đạo đất nước. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân bầu ra; đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức. Dân bầu ra người đại diện và có quyền kiểm sát, giám sát và bãi miễn khi không làm tròn sự ủy thác của nhân dân. Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội hiệu lực, hiệu quả phải dựa vào dân và lấy dân làm gốc.
Tuy nhiên, nhân dân có quyền làm chủ đất nước thì cũng phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Mọi việc Chính phủ làm đều nhằm phục vụ lợi ích của dân. Vì vậy, nhân dân có nhiệm vụ giúp Chính phủ và làm đúng chính sách để Chính phủ làm tròn phận sự do nhân dân giao phó.
II- Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ kiểu mới.
Dân chủ là thành tựu văn minh của nhân loại. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ kiểu mới. Trong nghiên cứu nền văn minh nhân loại, Mác và Ăngghen đã đưa ra những phân tích khoa học mang tính duy vật lịch sử. Hai ông cho rằng, cùng với sự phát triển của sức sản xuất và văn hóa, loài người từ ngu muội, dã man đã dần hướng tới văn minh. Mọi thành quả văn minh do con người sáng tạo ra đều thuộc về toàn thể nhân loại. Dân chủ, pháp chế, tự do, bác ái, nhân quyền… không phải là sở hữu riêng của chủ nghĩa tư bản mà là thành quả văn minh của toàn thế giới được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời, cũng là quan niệm giá trị mà loài người theo đuổi.
C.Mác chỉ rõ: Thực tiễn và lý luận dân chủ, chế độ cộng hòa, tự do, bình đẳng xuất hiện trong lĩnh vực chính trị đều là thành quả văn minh chung do nhân loại sáng tạo nên, là quan niệm giá trị tiến bộ chung của cộng đồng nhân loại. Mác không chỉ ca ngợi chế độ dân chủ trong xã hội nguyên thủy, ca ngợi chế độ dân chủ Hy Lạp trong xã hội nô lệ, mà còn ca ngợi chế độ dân chủ của giai cấp tư sản, bởi vì dân chủ tư sản đã loại bỏ chuyên chế phong kiến. Người nói: "Chế độ dân chủ là sự phủ định của chế độ quân chủ" là "sản vật tự do của con người". Đối với nước cộng hòa dân chủ do giai cấp tư sản sáng lập, Ăngghen chỉ rõ: Nước cộng hòa dân chủ là "hình thức đặc biệt của chuyên chính tư sản". So với quan niệm về dân chủ, cộng hòa thì quan niệm về tự do, bình đẳng của con người sâu sắc hơn nhiều. Quan niệm của chủ nghĩa Mác về tự do, bình đẳng được bắt nguồn từ tầng sâu lịch sử, đạt tới mức lý tưởng và điều đó hình thành tư tưởng "Liên hợp những người tự do" trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", ra đời cách đây 162 năm, ở đó sự phát triển tự do của mỗi con người là điều kiện phát triển của mọi người. Chân lý ấy vẫn đang có giá trị thời đại. Ở nước ta khi tiến lên giai đoạn cách mạng XHCN, nền dân chủ do nhân dân ta xây dựng nên dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh sau cách mạng tháng Tám, nay được chuyển lên nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế để tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta chủ trương thừa kế những tinh hoa và học tập mọi thành quả văn minh, tiên tiến của nhân loại để xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta tốt đẹp nhất. Dân chủ vốn có giá trị rộng khắp, dân chủ xã hội chủ nghĩa được coi là nền dân chủ kiểu mới - dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư sản - như Lênin đã từng nói. Dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ tiếp nhận và kế thừa truyền thống dân chủ tiến bộ trong lịch sử mà còn sáng tạo thêm nội dung và hình thức mới.
III- Nội dung chủ yếu của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, với làn sóng dân chủ hóa toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia đi theo con đường phát triển dân chủ, nhưng không phải nước nào cũng đi theo con đường dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, ngay từ khi Đảng ra đời(1930) để lãnh đạo cách mạng; trong cương lĩnh chính trị đầu tiên, đã nhất quán chủ trương, đường lối trong giai đoạn cách mạng dân chủ nhân dân phải xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân mà mục tiêu cốt lõi của nó là "Độc lập dân tộc, người cày có ruộng" và thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu trong lĩnh vực chính trị. Khi chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở kế thừa nền dân chủ nhân dân đã có phải tiến hành ngay việc xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà mục tiêu xuyên suốt là:”Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn vậy, vấn đề trung tâm là phải xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền không phải cái riêng có của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội cũng cần thực hiện nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về bản chất với nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: pháp quyền dưới chủ nghĩa tư bản thực chất là công cụ của giai cấp tư sản để thống trị và bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động; pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và các công cụ khác, nhưng việc sử dụng bất cứ công cụ nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Thông qua thực thi pháp luật, nhà nước thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của tổ quốc và nhân dân.
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Sau gần 25 năm đổi mới, về cơ bản nước ta đã chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến từ dân chủ nhân dân lên dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay đang từng bước phát triển và hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tiến lên kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hướng tới tương lai tốt đẹp.
So với các nước đi theo con đường dân chủ đầy sóng gió, sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta rất ổn định, có hiệu quả. Nguyên nhân chính là do Đảng và Nhà nước ta luôn tuân thủ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Điều đó được thể hiện ở những mặt sau đây:
Một là, tư tưởng chiến lược chỉ đạo toàn cục phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là dựa trên lý luận dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nguyên tắc cơ bản.
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò độc tôn lãnh đạo công cuộc phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Ba là, cơ sở kinh tế cho việc xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước hoàn thiện tiến lên kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước với chế độ công hữu về TLSX chủ yếu giữ vai trò chủ đạo.
Bốn là, phương thức thúc đẩy công cuộc phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là thực hiện theo mô hình từ dưới lên, bắt đầu từ cơ sở tiến lên từng cấp, từng bước chứ không làm theo kiểu áp đặt từ trên xuống, gây bất bình trong nhân dân.
Năm là, trọng điểm công cuộc phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa là thường xuyên củng cố, phát triển dân chủ trong Đảng, coi dân chủ trong đảng là”hạt nhân” của dân chủ XHCN và lấy dân chủ trong Đảng thúc đẩy dân chủ trong toàn xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngày càng cao dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, quán triệt sâu sắc quan điểm dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra.
IV- Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Nước ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cần xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đây là một mục tiêu quan trọng của cách mạng. Không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội mà không thực hiện quyền dân chủ rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống với quảng đại quần chúng thì chỉ là chủ nghĩa xã hội hình thức, "hữu danh vô thực".
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ một trong những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo đổi mới là xây dựng nền dân chủ xã hôi chủ nghĩa để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không ngừng tiến lên.Trong cương lĩnh xây dựng đất nước, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua năm 1991 dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1992 cũng khảng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và thể chế hóa quyền lực đó của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế , văn hóa, xã hội; chú trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Dân chủ gắn liền với cồng bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực đời sông xã hội. Trải qua gần 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện cương lĩnh 1991 nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và được thế giới thừa nhận.
Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, thực hiện thành công mục tiêu “tối thượng” của cách mạng: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của Đảng đề ra, chúng ta phải coi trọng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì nó là một mục tiêu cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến lượt nó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát triển và hoàn thiện thì nó lại trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ chỗ chưa chín muồi đến chín muồi, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ chưa phát triển đến phát triển. Quá trình này cần có thời gian dài. Nếu không có môi trường ổn định đặc biệt là ổn định chính trị thì không thể làm được việc gì. Muốn duy trì ổn định xã hội để tiến lên phải phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa và lấy đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội từ thấp đến cao.
Chính trị của giai cấp công nhân đòi hỏi phải dùng phương pháp dân chủ để quản lý nhà nước, cải tạo xã hội. Nhà nước XHCN là nhà nước mới trong lịch sử, dân chủ là thực hiện quyền nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đây là bản chất tốt đẹp của Nhà nước XHCN đã và đang tồn tại ở một số nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần tự giác tuân thủ quy tắc dân chủ, xây dựng và kiện toàn thể chế dân làm chủ, hình thành trật tự dân chủ ổn định, bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi dân chủ là mục tiêu cơ bản và không ngừng phát triển, hoàn thiện mục tiêu đó. Trong gần 25 năm đổi mới, nền dân chủ XHCN ở nước ta không ngừng phát triển, góp phần ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, góp phần bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, đưa nước ta từng bước vững chắc tiến lên theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa.
(Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh)
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb. CTQG, H., 1996, tr. 276.
(2) Sđd, Tập 5, Nxb. CTQG, H., 1995, tr. 410.
(3) Sđd, Tập 5, Nxb. CTQG, H., 1995, tr. 65