Thứ Năm, 7/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 19/8/2010 7:47'(GMT+7)

Thời cơ và quyết sách của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám và công cuộc đổi mới

Cách mạng Tháng Tám - sự nhạy bén nắm bắt thời cơ của cả một dân tộc quyết "đem sức ta mà giải phóng cho ta"

Cách mạng Tháng Tám "là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội"(1).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám bắt nguồn từ các nhân tố chủ quan và khách quan. Đó là sự vùng dậy của cả một dân tộc với ý chí tự lực, tự cường, quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta được sự dẫn dắt của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là liên minh công nhân và nông dân. Đó là kết quả của tinh thần năng động, sáng tạo của hệ thống tổ chức đảng và Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở trên tất cả các địa bàn của cả nước. Đó là sự chủ động chuẩn bị và phát triển thực lực cách mạng, chủ động nắm bắt thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi.

Vấn đề thời cơ khởi nghĩa đã được V. I. Lê-nin nêu rõ trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa, coi khởi nghĩa là một nghệ thuật khi hội tụ ba điểm chủ yếu: "Muốn thắng lợi, khởi nghĩa không được dựa vào một cuộc âm mưu, một chính đảng, mà phải dựa vào giai cấp tiền phong. Đó là điểm thứ nhất. Khởi nghĩa phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân. Đó là điểm thứ hai. Khởi nghĩa phải dựa vào một bước ngoặt trong lịch sử của cuộc cách mạng đang lên, khi mà tính tích cực của những bộ phận tiên tiến trong nhân dân lên cao hơn cả, khi mà những dao động trong hàng ngũ địch và trong hàng ngũ những người bạn mềm yếu, lừng chừng và không kiên quyết của cách mạng, mạnh hơn cả. Đó là điểm thứ ba"(2). ở nước ta, thời điểm tháng 8-1945 thật sự là một bước ngoặt lịch sử khi Đảng và giai cấp tiên phong đã phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng đưa quần chúng vào hành động cách mạng với bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12-3-1945) và Quyết định của Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào (tháng 8-1945), đồng thời cao trào Kháng Nhật cứu nước đã mạnh hơn bao giờ hết, và kẻ thù (Nhật và chính quyền tay sai) đã hoang mang, dao động, nhất là khi Nhậttuyên bố đầu hàng Đồng minh (ngày 15-8-1945), và lực lượng quần chúng trung gian ngả về hàng ngũ cách mạng. Đảng đã quyết tâm phát động khởi nghĩa trong điều kiện như thế và đã giành thắng lợi.
 

Sự kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học về chớp thời cơ, đẩy lùi nguy cơ từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vẻ vang của Đảng ta vào sự nghiệp đổi mới, một lần nữa đã mang lại những thành tựu to lớn, đưa đất nước ta vững bước trên con đường hội nhập.

Cũng cần lưu ý rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra trong hoàn cảnh nạn đói ở nước ta - hậu quả của chính sách cai trị tàn bạo của Nhật, Pháp - đang diễn ra trầm trọng. Đảng đã kịp thời nêu chủ trương phá kho thóc của Nhật để chia cho dân nghèo, tạo nên một sinh lực mới cho phong trào. Mặt khác, từ tháng 7-1945, Đảng ta đã nắm được tình hình về sự phân công của lực lượng Đồng minh (lực lượng của Anh và chính quyền Trung Hoa Quốc dân Đảng) vào tước vũ khí quân Nhật sau khi Nhật đầu hàng. Vì vậy, không thể chậm trễ, phải giành chính quyền sau khi Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và Việt Nam, để với tư cách người chủ thật sự của Việt Nam để đón tiếp quân Đồng minh. Thời gian thích hợp với điều kiện đó là nửa cuối tháng 8-1945. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945 khẳng định: "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a, tập trung, b, thống nhất, c, kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội"(3).

Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã nêu lên một mẫu mực về vấn đề tận dụng thời cơ, cơ hội thuận lợi mà quá trình cách mạng đã tạo ra, đồng thời chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức, hạn chế tác động tiêu cực của nguy cơ. Giá trị lý luận và chính trị - thực tiễn đó được Đảng ta chú trọng vận dụng vào quá trình lãnh đạo cách mạng từ đó đến nay, nhất là trong sự nghiệp đổi mới.

Bài học về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám luôn có ý nghĩa thời sự trong công cuộc đổi mới đất nước ta ngày nay

Gần 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ, đồng thời cũng tận dụng được những cơ hội, những nhân tố thuận lợi để thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, từng bước đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ vững con đường và mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Những chủ trương, đường lối nói trên được Đảng ta đề ra kịp thời, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn là minh chứng sinh động cho việc kế thừa, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo bài học về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám vào điều kiện và tình hình cụ thể của nước ta trong từng giai đoạn phát triển đất nước.

Trước hết, đó là bài học về nhận định đúng tình hình và yêu cầu phát triển của thực tiễn để có thể đề ra các quyết sách hợp lý. Những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn túng thiếu. Đặc biệt, sai lầm về tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985 đã đưa nền kinh tế đất nước đến những khó khăn mới, nền kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trước tình hình trên, Đảng xác định cần tiến hành công cuộc đổi mới, chỉ rõ thách thức lớn nhất của cách mạng nước ta là nền kinh tế từ điểm xuất phát rất thấp lại lâm vào khủng hoảng kéo dài, vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ dân tộc, vừa làm nghĩa vụ quốc tế, vấn đề cấp bách là ổn định, cải thiện đời sống nhân dân, sớm đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) khởi xướng đã mở đầu cho thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX nước ta lại chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Trong nước, có không ít ý kiến dao động, đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, và cho rằng không nên tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa... Sớm nhận thấy những tác động tiêu cực đó, tháng 3-1989, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo đổi mới, bảo đảm cho nước ta vượt qua thách thức mới, thực hiện công cuộc đổi mới đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, đặc biệt là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nạn tham nhũng, lãng phí có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (tháng 7-2006) đã ra Nghị quyết Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những quan điểm, chủ trương và giải pháp mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có được những kết quả quan trọng, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi một trong những nguy cơ lớn đối với đất nước và chế độ ta. Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 06 phát động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ có ý nghĩa quan trọng để đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, nhưng quan trọng hơn là xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức cách mạng của xã hội ta, dân tộc ta, hướng đến sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của đất nước trong thời đại ngày nay.

Tinh thần thi đua yêu nước, lao động, học tập, làm việc, cống hiến hết mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vì sự phát triển chung của đất nước những năm qua là minh chứng rõ rệt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, hợp lòng người của Đảng ta. Đó là thời cơ quý báu để đất nước ta tiến nhanh hơn trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Thứ hai, xác định đúng thời cơ, thời điểm để đưa ra đường lối phát triển phù hợp. Nghị quyết Đại hội VI của Đảng về đường lối đổi mới, phát triển đất nước, làm cho sản xuất "bung ra" trong điều kiện đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lạm phát phi mã đến 774,7%, đã thực sự thổi một luồng sinh khí vào đời sống xã hội, đem đến sự phấn chấn về tinh thần cho người dân, tạo những khởi sắc bước đầu cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, Đảng ta đã nhận định rõ những thời cơ và thách thức lớn, đặc biệt nhấn mạnh việc các thế lực thù địch vẫn không ngừng tiến hành những âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá các thành quả cách mạng của chúng ta. Từ đó, tùy từng giai đoạn cụ thể, Đảng đã đề ra các chủ trương, đường lối về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan điểm Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, "hòa nhập nhưng không hòa tan", đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" trong bối cảnh nền văn hóa nước ta có nguy cơ bị mai một, biến đổi trước những tác động của nền kinh tế thị trường thời mở cửa... thực sự là những quyết sách được đưa ra kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, vừa có tính chất định hướng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chủ động đề nghị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nước trên thế giới cũng từng bước thừa nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và cùng vớisự kiên trì đàm phán qua 11 năm, ngày 7-11-2006, Việt Nam đã được kết nạp vào tổ chức này. Đó là một cơ hội cho nước ta hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn, toàn diện và có hiệu quả hơn. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X họp tháng 1-2007, Đảng đã kịp thời ra Nghị quyết số 8-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Trong Nghị quyết quan trọng đó Trung ương đã nêu rõ 5 cơ hội và 5 thách thức khi nước ta là thành viên của WTO, từ đó góp phần định hướng phát triển kinh tế đất nước một cách hiệu quả.

Từ cuối năm 2007, thế giới lâm vào khủng hoảng và suy thoái kinh tế nặng nề và kéo dài suốt các năm 2008, 2009 đã tác động tiêu cực không chỉ đến các nền kinh tế của các nước phát triển hàng đầu mà cả với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đứng trước những khó khăn thách thức mới: Thị trường xuất khẩu thu hẹp, vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, lạm phát tăng, năm 2008 lên tới trên 19%, lao động thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giá cả tăng, đời sống khó khăn...

Để chủ động vượt qua tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, ngày 4-4-2008, Bộ Chính trị đã có kết luận số 22 và Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Hội nghị Trung ương 7 khóa X (tháng 7-2008) đã đề ra những chủ trương lớn để khắc phục khủng hoảng. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10-2008) đã đánh giá và đề ra giải pháp toàn diện, đưa ra Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thảo luận và quyết định. Chính phủ có chính sách hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, các ngành, các thành phần kinh tế, phát triển mạnh thị trường trong nước.

Với những quyết sách đó, kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng có những bước phát triển mới; nền văn hóa dân tộc được duy trì và phát huy, thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực cho sự phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống nhân dân ngày càng ổn định, ấm no; mối quan hệ hợp tác của nước ta với nhiều nước trên thế giới được củng cố thêm, tăng cường, tạo nền tảng cho sự phát triển hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", bảo đảm và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập trên cơ sở kiên định con đường và mục tiêu xã hội chủ nghĩa, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp với tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xác định đúng tình hình và yêu cầu thực tiễn của đất nước để đề ra những quyết sách hợp lý.

Tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta đã đề ra Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Chiến lược xác định: xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội dần có những biến chuyển mới, đời sống người dân có những cải thiện đáng kể, chính trị, xã hội tiếp tục ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đường lối đối ngoại Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới đã chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại... giúp tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Sự kết thúc Chiến tranh lạnh, đối thoại thay cho đối đầu, sự mở rộng liên kết, hợp tác giữa các nước, các khu vực, phát triển thị trường thế giới và thành quả của cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới đã tạo điều kiện cho nhiều nước ổn định và phát triển. Đó là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam phát triển ở thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, tiến hành chính sách đối thoại, hợp tác và hội nhập quốc tế: khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc (năm 1991), bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (năm 1995), gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam á (năm 1995). Sau mười năm đổi mới, năm 1996, Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Đó là cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hơn quan hệ hợp tác với các nước và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Những năm cuối của thế kỷ XX đất nước phải vượt qua thách thức mới do khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực 1997 - 1998, những khó khăn trong nước và đã ngăn chặn có hiệu quả đà suy giảm về kinh tế.

Nhờ đó, dẫn đến bài học thứ tư là thu phục lòng dân từ chính những quyết sách, định hướng phát triển đúng đắn, hợp lý đã được đề ra để từ đó biết huy động sức dân mà vận dụng thời cơ một cách thích hợp, đẩy lùi, hạn chế những nguy cơ, thách thức, để nhân dân tin tưởng và đoàn kết, nhất trí một lòng thi đua thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng. Thực tế phát triển đất nước trong những năm qua cho thấy, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, song tinh thần thi đua yêu nước, lao động, học tập, làm việc, cống hiến hết mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vì sự phát triển chung của đất nước là minh chứng rõ rệt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng ta.

Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) khẳng định công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Để phát triển nhanh và bền vững hơn, Đại hội X xác định 8 nhiệm vụ chủ yếu và đề ra 5 giải pháp chủ yếu về chính sách phát huy các nguồn lực; về phát triển đồng bộ các loại thị trường, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; về chống tham nhũng, lãng phí...

Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn dân, của các thành phần kinh tế thực hiện các chủ trương, biện pháp đúng đắn của Đảng và Chính phủ nên đã ngăn ngừa có hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2008 đạt 6,18%, năm 2009 là 5,32%. Tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) năm 2005 là 53 tỉ USD đã tăng lên 88,7 tỉ USD năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 đạt trên 1.100 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Lạm phát được kiểm soát và đẩy lùi xuống dưới 7%. Xuất khẩu 6 triệu tấn gạo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2006 là 15,5%, năm 2007 là 14,8%, năm 2008 là 13,1% và năm 2009 giảm xuống còn 12,4%. Năm 2010, chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD và tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%.

Bài học của công cuộc đổi mới là phải phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới, tận dụng và nắm bắt thời cơ, cơ hội một cách nhanh chóng, sáng tạo, lấy đó làm nền tảng đẩy lùi và hạn chế các nguy cơ, thách thức. Sau khi gia nhập WTO, Đảng và Nhà nước động viên toàn dân phát huy nội lực, tranh thủ cơ hội mới để phát triển và tích cực, chủ động đẩy lùi nguy cơ. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa đã tăng nhanh, vốn đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng tăng lên. Nền kinh tế của đất nước và từng ngành kinh tế đứng trước yêu cầu mới, là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là điều kiện rất quan trọng để Việt Nam có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế của thế giới những năm 2007 - 2009, tạo tiền đề cho bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.

Gần một phần tư thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tận dụng được những cơ hội thuận lợi để phát triển đất nước, đồng thời cũng chủ động vượt qua nhiều thách thức, khủng hoảng chính trị, kinh tế, tài chính của thế giới để giữ vững ổn định và tiếp tục phát triển về mọi mặt. Sự kế thừa và vận dụng sáng tạo bài học về chớp thời cơ, đẩy lùi nguy cơ từ cuộc Cách mạng Tháng Tám vẻ vang của Đảng ta trong những năm qua đã, đang và sẽ luôn là bài học kinh nghiệm quý báu cho bước đường phát triển đất nước ta trong thời kỳ hội nhập ngày nay./.



PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

(Theo TCCS điện tử) 
___________________________________________
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 62 - 63

(2) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t 34, tr 321 - 322

(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 7, tr 424 - 425

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất