Thứ Hai, 9/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Tư, 30/11/2022 10:9'(GMT+7)

Cải cách thủ tục hành chính: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội

Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương.

Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công thương trong triển khai, thực hiện Kế hoạch là:

Thứ nhất, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Thứ ba, bảo đảm tính công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Thực hiện cải cách kiểm tra chuyên ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hơn 90% mặt hàng.

Kế hoạch của Bộ Công thương đề ra mục tiêu: Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Theo đó, Bộ đã chủ động triển khai rất nhiều giải pháp, đổi mới một cách hiệu quả phương thức hoạt động, tạo nên sự thay đổi rõ nét trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến. Bộ đã chủ động lựa chọn những Dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp để đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hai nhóm Dịch vụ công rất quan trọng với doanh nghiệp là Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi và Đăng ký hoạt động khuyến mại cũng đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ cũng tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh.

Hiện nay, Bộ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại dưới dạng điện tử với các nước trong khu vực cộng đồng kinh tế, tuân thủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công thương còn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các bộ, ngành khác để tạo điều kiện tốt nhất trong thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân. Từ năm 2021, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kết nối và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó. Giấy chứng nhận phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu theo quy tắc xuất xứ. Mục đích của Giấy là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về Xuất nhập khẩu của cả hai nước: nhập khẩu và xuất khẩu) điện tử với các nước: Bruinei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thống kê, xúc tiến đầu tư, thương mại, cũng như việc thực hiện Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch,... Đây sẽ là mô hình hợp tác mẫu giữa các bộ, ngành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Thỏa thuận hợp tác sẽ là cơ sở để hai bên trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ.

Cùng với những nội dung trên, thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã ban hành nhiều Nghị định liên quan đến các lĩnh vực nhằm mở lối cho các doanh nghiệp và người dân trên con đường làm giàu cho bản thân và xã hội bằng việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm ô tô, kinh doanh thuốc lá, rượu, hóa chất, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, điện, khí, khoáng sản… có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao./.

Với việc Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong trong việc thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Qua đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).

ĐỖ HẢI

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất