Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 7/3/2009 18:38'(GMT+7)

Cái đầu nóng - nhưng cái tâm không được loạn

Nhà văn Xuân Đức.

Nhà văn Xuân Đức.

Gần 40 năm kể từ thủa tập tọng cầm bút cho đến nay tôi chưa hề viết một dòng có tính chất lý luận hay phê bình văn học, hoặc một cái gì đại loại thế. Lí do rất đơn giản. Tôi quan niệm, ngọn gió và cánh buồm có 2 chức phận khác nhau. Gặp gió thuận chiều thì buồm lướt nhanh hơn. Còn lỡ như gặp khi không thuận, việc của buồm không phải là cản gió mà phải biết tự trở tay lèo để vượt lên.

Tuy nhiên gần đây tôi cảm thấy cách nghĩ đơn giản ấy của mình đã không còn ổn. Từ ngày đất nước mở cửa hội nhập, quá nhiều luồng gió thổi vào tạo nên những cơn lốc xoáy, có lúc gần như hỗn loạn. Liệu những người sáng tác có còn đủ bản lĩnh để xoay xở tay lèo ?

Nếu như thế kỉ trước hai tiếng Độc lập là mục tiêu khát vọng cháy bỏng nhất của cả dân tộc, thì những năm tháng này Đổi mới lại trở thành nỗi niềm canh cánh, giục giã tất cả mọi con người, mọi công việc, mọi lĩnh vực. Người sáng tạo văn học càng sốt ruột hơn. Bởi bản thân công việc sáng tạo tự nó muôn thủa đã hàm chứa nỗi khát khao đổi mới. Không một người cầm bút nào, kể cả những người đã gần đất xa trời mà lại thủ tiêu ước mơ đổi mới. Không nhà văn nào lại nói rằng mình muốn viết một cái giống như cái đã có của mình hoặc của người khác. Nhà sáng tác nào khi ngồi vào bàn cũng tràn đầy ý chí muốn viết một cái gì đó khác hẳn cái hôm qua, khác hẳn mọi người, không lặp lại bất cứ ai. Đương nhiên có làm được như thế không lại là chuyện khác.

Người làm lý luận phê bình cũng có khát vọng như vậy. Tôi chắc thế. Nhưng tại sao có vẻ cả hai phía lại không hiểu được nhau ? Tại sao một số nhà lý luận cứ nhất quyết quy cho một số đông các nhà văn là không chịu đổi mới. Tệ hơn, khi thấy các tác phẩm ra đời không tuân theo cái “định hướng” mà nhà lý luận đang o bế thì lập tức họ sổ toẹt ? Có người đã kết luận xanh rờn: Các nhà văn Việt Nam không hề biết viết tiểu thuyết ! Tôi thật sự giật mình trước lời kết án đanh thép ấy, và cũng vì vậy mà cố lần dò theo từng trang viết của các nhà lí luận ấy để xem xem theo họ thì viết tiểu thuyết phải thế nào. Cuối cùng cũng ngã té ngửa ra. Có nhà đưa ra “khuôn mẫu”, tiểu thuyết hiện đại không cần đến chân dung nhân vật mà phải như ông Jon hay bà Jep (thủa trước là ông ốp, ông ép), chỉ cần khái niệm nhân vật là X hay Y gì đó. Có nhà còn kêu lên khắc khoải: tại sao bao nhiêu tác phẩm hiện đại thế giới đã được dịch mà các nhà văn không chịu đọc, không chịu cách tân, tại sao lại cứ cặm cụi kể chuyện… Có nhà đưa ra “môtíp” nội dung của văn học Việt Nam ngày nay phải là một cuộc sống vô nghĩa, một xã hội vô hồn, một cảm giác phi línhà tụng ca một vài truyện ngắn của một nhà văn coi đó như là vệt khai sáng của văn chương đổi mới, rằng phải đạp đổ tảng đá truyền thống, xé toang mọi ràng buộc tổ tiên, phải ghê tởm cái gọi là bản sắc và đạo lí dân tộc .

Trong phạm vi bài viết này tôi chưa tranh luận trực tiếp chuyện đúng sai của những luận điểm ấy. Tôi chỉ muốn hỏi các nhà kia rằng, tại sao trong lúc gào thét kêu gọi người sáng tác phải đổi mới, không được lặp lại cái cũ, thì các nhà lý luận ấy lại mang những “trường phái” “chủ nghĩa” đã cũ rích của thế giới ra làm bài giảng định hướng? Tất cả những hình mẫu nói ở trên chẳng phải đã thấy ở Jang-pon-sac, ở Cap-kaz và nhiều bậc hiện sinh của một thời xa xăm rồi sao? Ngay cả cái gọi là hậu hiện đại, tân hình thức cũng là chuyện thế giới có từ nhiều thập kỉ trước. Tôi chưa hề có thái độ chê bai, phủ định các trào lưu đó. Nhưng tại sao Văn học Việt Nam hôm nay cứ phải nhặng lên vì những thứ ấy? Những nhà hiện sinh chủ nghĩa rất vĩ đại. Những phát kiến của họ có giá trị nhất định trong thời đại họ sống. Thì cũng như chủ nghĩa hiện thực XHCN đó thôi. Cái gì cũng có yếu tố lịch sử.

Ai quyết định cho phép sự tồn tại hay cần phải thải loại các phát minh vĩ đại ấy. Chắc chắn không phải là ý chí của một nhóm người mà chính là trí khôn của số đông người tiêu thụ sản phẩm. Cộng đồng các quốc gia và loài người trên toàn thế giới đủ bình tĩnh để nhận mặt cái gì là có ích lâu dài, cái gì buộc phải trở thành rác thải.

Tôi không ác cảm với tất cả những gì được gọi là rác. Cái là rác hôm nay vốn nó không hề là rác khi sinh ra. Lá cây sinh ra để làm nhiệm vụ quang hợp khí trời và ánh sáng cho thân cây trưởng thành. Thân cây trưởng thành là để tạo nên rừng ngàn, cùng với rễ và lá làm thành lá phổi của sự sống. Nhưng rồi hết một đời cây thì lá, cành, thân, rễ đều trở thành rác. Cũng tương tự như vậy, tất cả mọi vật dụng trên đời, từ thô sơ đến hiện đại, từ nông nghiệp đến công nghiệp đều chịu chung số phận: Sinh ra là hữu ích, kết thúc là rác thải. Ngay cả động vật, ngay cả bản thân con người, khi đã tròn một kiếp sống đều phải được đào sâu, chôn chặt nếu không thì mặt đất phải hứng chịu sự ô nhiểm vô cùng nguy hiểm bởi những thân thể đã thành “rác”. Nói chẻ hoe ra vậy nghe có vẻ bất nhẫn. Nhưng đó là sự thật, là quy luật muôn đời.

Trở lại bình diện văn hóa, văn học, nghệ thuật, không thể kể hết bao nhiêu phế thải của nhân loại qua rất nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ mốt quần áo, đầu tóc, đến mốt sống, kiểu sống như hip-pi chẳng hạn; từ các loại tà giáo, tà đạo đến hàng loạt “chủ nghĩa”, “trào lưu” trong sáng tạo âm nhạc, hội họa, văn học, v.v...Tôi nhắc lại là tôi không lên án tất cả những thứ đó. Bởi tôi cho rằng, cũng như các dạng phế thải vật chất khác, sự ra đời của các loại phế thải văn minh kia lúc đầu cũng được coi là những phát minh, cũng đã mang đến cho một bộ phận con người nào đó một sự thỏa mãn nào đó trong cuộc sống bụi bậm và ngột ngạt của thời kì hậu công nghiệp. Tuy nhiên bản chất văn hóa là sự lựa chọn. Những gì trái với quy luật sinh tồn của loài người thì dù lúc đầu có hấp dẫn đến mấy, dù được quảng bá, lăng xê đến mấy cũng chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nào đó rồi sẽ bị đào thải. Loài người dù cấp tiến đến mức nào cũng sẽ phải đến lúc bình tâm để nhận ra cái gì là “lợi bất cập hại”. Sự phát minh ra thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng rõ ràng có mang đến những món lợi khổng lồ trước mắt, nhiều cái lợi đến mức như thần thoại. Thế nhưng, chỉ sau một chặng đường sống, nhân loại đã hốt hoảng, kinh hoàng vì sự độc hại sâu xa khôn lường của nó. Cả thế giới trào lên ngọn thác tẩy chay nó, cuộc sống cứ nơm nớp lo sợ về nó. Tôi, cũng như mọi người khác trên trái đất không hề lên án hoặc coi thường những người phát minh ra các loại thuốc hóa học ấy. Họ vẫn là những nhà bác học vĩ đại, là những thiên tài. Nhưng tôi cũng như loài ngưòi không thể chấp nhận các thứ thuốc đó trong đời sống hôm nay.

Có logic ngược thế này. Nước giàu, trình độ phát triển cao, thải ra chất thải trí tuệ nhiều, nhưng than ôi, ở những nước đó ít gặp nguy hiểm hơn và họ đã xử lí nó khá dễ dàng. Họ đã xử lý như thế nào? Đã “cho không” “biếu không” các nước chậm phát triển mọi thứ rác thải ấy. Chúng ta đã nhập khẩu với giá “siêu rẻ” từ đồ sắt, đồ nhựa, máy móc, kĩ thuật, công nghệ ; từ sách vở, phim ảnh đến các loại “mốt hình thức”, “chủ nghĩa”, “trường phái” trong sáng tạo văn học-nghệ thuật. Có thể đặt câu hỏi vì sao các nước chậm phát triển lại thích nhập những thứ rác ấy về. Đơn giản là vì ở đó nó còn đất sống. Nhưng vì sao các nước chậm phát triển (như nước ta chẳng hạn) lại tiêu thụ được các loại đó, có phải vì dân trí ta quá thấp, không biết đó là rác thải thiên hạ đã loại ra? Theo tôi không hoàn toàn như vậy. Đành rằng mặt bằng dân trí ta còn thấp nhưng không phải thấp đến mức không nhận ra điều hơn lẽ thiệt. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa,văn học, nghệ thuật, năng lực cảm thụ của dân tộc ta không hề thua kém các dân tộc, quốc gia khác. Hãy nhìn cách phản ứng của nhân dân, của số đông những nhà trí thức, của cộng đồng xã hội trước các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lai căng, quái dị, xa lạ với khát vọng chân, thiện, mỹ của loài người là ta hiểu được.

Đây là một vấn đề rất nghiêm túc cần phải được nói tới cùng chân lí. Cái gọi là “dân trí thấp” không thuộc về dân tộc, không phải ở cộng đồng những người học vấn chưa cao, mà ngược lại, nó lại thuộc về một số ít người được coi là có học. Có học nhưng lại thấp vì 2 lí do, hoặc là ngộ nhận, hoặc là do bản năng hám danh, hám lợi. Ngộ nhận tức là thấy rác thải mà ngỡ là của lạ, của hiếm, tưởng như đây là những phát minh mới nhất của loài người. Còn kẻ hám danh, hám lợi thì có thể đã biết rõ những đống vỏ sắt, những bãi bình ac-quy chứa đầy chì và axit kia là rác thải độc hại nhưng vẫn tha về vì nó mang lại siêu lợi nhuận ; biết rõ những “trường phái” nọ, “chủ nghĩa” kia là thứ đã ra đời và bị thải loại dăm ba thập kỉ rồi nhưng vẫn đưa ra dạy bảo mọi người cốt để đánh bóng cho cái danh trí thức cấp tiến của mình. Nói trắng ra, họ đang rất muốn nổi lên trong vai trò thủ lĩnh cầm cờ , muốn trở thành cột mốc lịch sử cho một thời kì mới. Sự nguy hiểm và độc hại của những rác thải này ở chỗ nó đang làm ô nhiễm bản sắc dân tộc, rối loạn phương hướng sáng tạo văn hóa đi đến băng hoại thẩm mỹ và nhân cách sống của nhiều người. Đổi mới và sáng tạo là một đại dương mênh mông vừa rất cuốn hút, hấp dẫn vừa chứa đựng vô vàn hiểm họa. Tôi ngại rằng con thuyền sáng tạo của chúng ta có khi không bị lật bởi thác ghềnh, sóng dữ, mà lại đổ nhào vì sự rối trí của những người đang ngồi trên thuyền .

Trí tuệ đang ở thời kì phát triển nóng, cần biết bao sự trầm tĩnh của cái tâm !

  • Xuân Đức (Theo Bản tin Hội đồng LLPBVHNT Trung ương, số 5/2009)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất