Thứ Hai, 28/10/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 14/1/2016 10:1'(GMT+7)

Cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một thời là cư dân “xóm trọ”, sống cùng dãy nhà với khá nhiều công nhân làm việc ở một khu công nghiệp ngoại thành Hà Nội, tôi phần nào hiểu về những thiếu thốn, thiệt thòi của những người lao động. Phần đông công nhân đều ở quê xa, xuất thân từ nghề nông, họ đến với các khu công nghiệp, khu chế xuất làm những việc gia công, lắp ráp hay đứng ở các vị trí, công đoạn sản xuất tương đối đơn giản. Tuy cường độ lao động không quá lớn, song do phải làm việc liên tục trong không gian hạn hẹp của phân xưởng, nhà máy nên công nhân nhiều khi cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Sau ca làm, kíp trực vất vả như thế, đáng lẽ họ rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí trong những khuôn viên thoáng mát, thư viện, phòng đọc, khu vui chơi… Nhưng vì nhiều nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp không có những thiết chế văn hóa như vậy, họ đành phải nghỉ ngơi trong sự tẻ nhạt.   

Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của công nhân, thời gian qua, một số địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, đã quan tâm xây dựng, mở rộng không gian văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi phù hợp. Một số nơi đã chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, thi đấu thể thao, phát sách báo miễn phí… nhằm tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận, thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.

Tuy nhiên, do tầm nhìn quy hoạch hạn chế mà một số khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy đã không xây dựng những thiết chế văn hóa cần thiết phục vụ công nhân như: Sân chơi, bãi tập thể thao, thư viện, phòng đọc… Cũng do chạy theo lợi nhuận kinh tế thuần túy mà nhiều chủ doanh nghiệp rất ít quan tâm, cá biệt có nơi không chú ý cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. Sự thiếu đầu tư, chăm lo này không chỉ làm giảm sút tình cảm, niềm tin của công nhân đối với chủ doanh nghiệp, mà còn tạo ra “mầm mống” có thể nuôi dưỡng lối sống thiếu lành mạnh cho một bộ phận người lao động ở chính nơi đó.

Xin đừng nghĩ đơn giản rằng, công nhân chỉ cần việc làm và có thu nhập ổn định. Cho dù điều đó có ý nghĩa quyết định hàng đầu để công nhân yên tâm làm việc. Nhưng muốn công nhân gắn bó lâu dài, sẵn sàng “sống chết” với doanh nghiệp thì một yếu tố không kém phần quan trọng là phải tạo dựng một môi trường sống thật sự văn hóa. Ở môi trường đó, người lao động không những được doanh nghiệp trả tiền lương, tiền làm thêm, tiền thưởng tương xứng với trình độ, năng lực, công sức của họ; mà họ còn được tạo điều kiện về thời gian và cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch, vui chơi, giải trí bổ ích. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới đã định vị được “thương hiệu toàn cầu” là do biết nuôi dưỡng, bồi đắp và không ngừng làm giàu những giá trị văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân.

Việc chú trọng cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân thực chất cũng là một cách đầu tư xây dựng thương hiệu doanh nghiệp có ý nghĩa chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì cùng với trình độ, năng lực, sức lao động của đội ngũ công nhân, thì tình cảm, niềm tin, sự gắn bó mật thiết của người lao động với doanh nghiệp mới là cơ sở, động lực để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Ở một góc độ khác, chú trọng kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi công nhân được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần còn thể hiện sự “cam kết chính trị” của doanh nghiệp đối với những người lao động và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, xã hội./.

Anh Thảo (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất