Thứ Hai, 28/10/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 3/1/2016 20:45'(GMT+7)

Chăm sóc trẻ em đúng cách

Nhân viên y tế tiêm chủng cho trẻ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm chủng cho trẻ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Những ngày cuối năm 2015, hiện tượng rất đông phụ huynh chịu mưa rét, từ sáng sớm, xếp hàng chờ đăng ký tiêm chủng vắc-xin Pentaxim dịch vụ cho trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (Hà Nội), khiến câu chuyện tiêm chủng như “lò than hồng”.

Sau sự việc, nhiều người đổ lỗi cho ngành y tế không chủ động được nguồn cung vắc-xin; tổ chức tiêm chủng dịch vụ không khoa học, chặt chẽ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa làm tròn chức năng trong bảo vệ sức khỏe “công dân tương lai”. Phải chăng đó là nhận định chính xác?

Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã ban hành văn bản, đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo cơ sở dịch vụ thực hiện; cung cấp thông tin chính xác tới các phụ huynh; chấn chỉnh các cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc-xin Pentaxim “5 trong 1”, ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và những dấu hiệu tiêu cực có thể xảy ra. Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn trực tuyến, công khai với dư luận nhiều vấn đề trong việc tạo nguồn vắc-xin, chỉ đạo các cơ sở dịch vụ tiêm chủng... Đây được xem là động thái tích cực, cần thiết, giúp người dân yên tâm trong tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe “công dân nhí”. Điều đáng nói là, cán bộ chủ chốt của các cơ quan chức năng ngành y tế đã thẳng thắn nhận trách nhiệm; trung thực chia sẻ thông tin, cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn do khan hiếm vắc-xin.

Theo kế hoạch, Hà Nội có 17 điểm tiêm chủng vắc-xin Pentaxim dịch vụ đợt này. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế là nơi để đối tượng vãng lai đến đăng ký. Do không lường hết được nhu cầu nên mới xảy ra hiện tượng trên. Theo dõi nội dung trả lời trực tuyến của cơ quan chức năng Bộ Y tế thấy rằng, nhu cầu đăng ký tiêm chủng cho trẻ em là có thật, nhưng do việc tiếp nhận thông tin không chính xác từ mạng xã hội lan truyền, do tâm lý bảo vệ sức khỏe của trẻ đè nặng, khiến nhiều phụ huynh từ các tỉnh lân cận cũng đến đăng ký nên mới xảy ra sự “hỗn loạn” này.

Lâu nay vẫn tồn tại tình trạng tiếp nhận thông tin nửa vời, hay nghe theo nguồn tin truyền miệng. Nhiều người mách nhau “tiêm chủng dịch vụ” tốt hơn “tiêm chủng mở rộng” mặc dù tốn kém, nên dẫn đến tình trạng người dân không muốn sử dụng các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng miễn phí. Như vậy, ngoài nguyên nhân do thiếu vắc-xin Pentaxim, sự việc trên có nguyên nhân từ chính người lớn, các bậc phụ huynh và từ hiệu ứng “tâm lý đám đông”.

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn là ưu tiên hàng đầu của nước ta. Càng chăm sóc trẻ em tốt bao nhiêu thì chúng ta càng tạo nền móng vững chắc cho tương lai xã hội, đất nước, dân tộc bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đôi khi có hiệu ứng ngược do hành động thái quá của người lớn.

Hiện nay, Việt Nam là một số ít quốc gia đạt tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và được Liên Hợp quốc ghi nhận. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2361/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một động thái tích cực nữa khẳng định cam kết chính trị của Việt Nam với cộng đồng thế giới về lĩnh vực này.

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đúng cách, phù hợp với điều kiện thực tiễn, theo hướng phát triển bền vững là trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội, trong đó cần tránh tâm lý “nhất khoảnh”, bằng mọi giá giành phần lợi cho con mình và các mục đích cá nhân khác. Cần đề cao hiểu biết về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em toàn diện, có trọng điểm. Trong điều kiện hiện nay, đây là vấn đề nhân văn sâu sắc đòi hỏi gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng phối hợp, tìm sự đồng thuận để giải quyết thỏa đáng, hợp lý./.

Văn Hiếu (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất