Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 7/6/2014 22:8'(GMT+7)

Cảm xúc Trường Sa

Đó là những cảm xúc không phải bất chợt, tự nhiên mà có, cũng không phải ai cũng có cơ hội và cứ “muốn là được”, thậm chí chỉ một lần, kể cả những người có vị trí, thâm niên công tác, đến khi về hưu vẫn còn nuôi ước vọng đó mà không thành. Ai đã được một lần ra thăm đảo Trường Sa, thì đó là một điều may mắn hiếm có trong cuộc đời của mình, bởi không chỉ những kỷ niệm với đảo mà còn là những cảm xúc khó quên. Đến với Trường Sa, lắng lòng  trong suy tư, càng thấy rõ những giá trị đích thực của cuộc sống con người. Tâm hồn thênh thang với biển đảo quê hương. Tận lòng ái mộ những người con kiên trung bám đảo. Và, thấy rất rõ không gì yêu hơn bằng yêu Tổ quốc của mình. Năm nay, tôi là người trong số ít người may mắn ấy.

Theo quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương và sắp xếp của Bộ Tư lệnh Hải quân, chúng tôi được biên chế vào Đoàn công tác số 5 đi Trường Sa trong năm 2014 (từ ngày 19 đến 28-4). Đoàn có 169 thành viên gồm nhiều thành phần từ các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Cục Quân nhu; Tổng cục Hậu cần và Đội xung kích Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hậu Giang. Dẫu đa dạng thành phần như vậy, nhưng đến đây đều được tập hợp trong một đội hình hành quân, với một mệnh lệnh “Tất cả vì Trường Sa, DK1 thân yêu!”. Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng Đoàn và Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Phó trưởng Đoàn. Đoàn được chia thành 8 nhóm, trong mỗi nhóm đều có 3 cán bộ hải quân cùng tham gia để hướng dẫn, theo dõi và giúp đỡ khi có yêu cầu.

Chiều tháng tư, trời miền Trung trong xanh rất đẹp, chúng tôi rời cảng Cam Ranh trên con tàu Quân y HQ 561 thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4. Tàu mới được hạ thủy hai năm, trên tàu được trang bị hiện đại, đảm bảo điều kiện cho các hoạt động khám chữa bệnh và sinh hoạt của bộ đội, cán bộ quân y và các thủy thủ. Trong tiếng còi hú vang hòa trong tiếng quân nhạc hào hùng, một quang cảnh đưa tiễn, chia tay trang nghiêm, đầy xúc động. Nhiều phóng viên báo chí và các thành viên trong đoàn đa số lần đầu vượt đại dương ra đảo nên ai cũng cố ghi lấy một tấm hình làm kỷ niệm trong khoảnh khắc hiếm hoi ấy. Mọi người đều ra đứng trên boong tàu để được tận hưởng không gian êm đềm của bao la trời biển, của giây phút bình yên, thư thả lướt nhẹ trên những con sóng hiền hòa của đại dương mênh mông. Con tàu mỗi lúc càng rời xa đất liền, xa dần đoàn quân danh dự vẫn đứng vẫy chào các thủy thủ và đoàn công tác.

Để tới được điểm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa, tàu HQ 561 phải vượt qua trên 300 hải lý (tương đương với gần 600 km đường bộ). Với tốc độ trung bình, phải đi mất hai đêm một ngày mới tới nơi. Những đêm đầu tiên trên biển thật là thú vị và lãng mạn. Nhiều người dù không ngủ được vì thổn thức lần đầu ra đảo, có người thức rất khuya để ngắm sao trời, có người dậy từ rất sớm để được hít thở không khí trong lành chờ đón bình minh lên và thưởng thức vị mặn mòi của biển, có người quên cả cơm chiều để “rình” chớp lấy một tấm hình hoàng hôn, nhưng tất cả đều khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn. Đấy là những cảm xúc đầu tiên thật là khó quên trong hành trình hiếm hoi của đời người khi một lần vượt đại dương.

Như được hẹn trước, rạng sáng ngày 21-4, sau hồi chuông báo thức, tiếng chỉ huy tàu vang lên trên loa truyền thanh (được gắn trong từng phòng): “Đã hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu!”; “Đã hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức!”. Cả đoàn công tác lặng im nghe tiếng phát thanh viên: Tàu HQ 561 đã đưa đoàn công tác số 5 đến với quần đảo Trường Sa, điểm dừng chân đầu tiên sẽ là đảo Đá Lớn B, thuộc khu đảo Đá Lớn. Đảo Đá Lớn nằm trên nền san hô rộng và tương đối bằng phẳng, chạy dài từ bắc xuống nam trong khu vực hai thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Lớn có 3 điểm đóng quân của bộ đội gồm A, B, C. Điểm B nằm ở tọa độ 10005’57” vĩ độ bắc; 1030 51’31” kinh độ đông, trên nền san hô phía bắc của đảo Đá Lớn. Xung quanh điểm có nhiều luồng lạch, dòng chảy, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Đây là điểm đóng quân bao quát khu vực rộng lớn về phía bắc và phía đông của đảo. Đảo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chỉ huy các cấp, kịp thời thông báo, giúp đỡ ngư dân ta về mọi mặt và là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng cho tàu thuyền của ngư dân khi đánh bắt xa bờ.

Chúng tôi ùa hết lên các boong và thành tàu để quan sát. Nhìn ra mênh mông biển cả, để thấy được một đường biên giới trên biển bằng mắt thường thật không dễ dàng gì. Tôi mới hiểu, phải nhìn nó bằng cả tâm hồn, lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc thiết tha và tinh thần quốc tế trong sáng. Cách chừng vài ba hải lý nơi tàu thả neo, chúng tôi nhìn thấy điểm đóng quân của bộ đội ta. Trên đảo hiện lên khỏi mặt nước biển mấy căn nhà bê tông, được biết vừa là lô cốt, chiến hào, điểm trực bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa là nơi tập luyện sinh hoạt, ăn nghỉ, vui chơi, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm của bộ đội. 

“Không xa đâu Trường Sa ơi”! Quả thực vậy, chúng tôi đã đến rất gần với Trường Sa. Buổi sáng, chúng tôi xuống xuồng, những con xuồng len lỏi qua các luồng lạch đá ngầm để đến điểm B Đảo Đá Lớn. Nói là đảo Đá Lớn, nhưng chỉ lớn phần chìm dưới mặt nước biển vì thế còn gọi là “đảo chìm”. Nước biển trong xanh, chúng tôi được chiêm ngưỡng một “cao nguyên ngầm” thật kỳ vĩ mà tạo hóa đã ban cho trước khi Người ra tay sắp đặt thế giới. Buổi chiều đến các điểm còn lại. Đến điểm nào, chúng tôi cũng được anh em ra tận bến xuồng để đón trong tâm trạng cuống quýt, mừng rỡ. Các ca sĩ, nghệ sĩ của đoàn văn công, các nhà báo và nhiều cán bộ nữ trong đoàn công tác nhìn các anh thương quá, khóc nức nở, không thể nói được cảm xúc của mình trong những câu chào hỏi. Nhìn nụ cười tươi rói trong ánh mắt sáng ngời và nước da đen xạm của người lính đảo, tôi thấy ở họ chứa chan một niềm tin yêu tha thiết và nỗi nhớ khôn nguôi với đất liền.

Thời gian thăm các điểm đảo Đá Lớn chỉ gói trọn trong một ngày, chúng tôi lại tiếp tục hành quân đến các đảo khác. Những ngày sau, chúng tôi được đến với các đảo nổi: Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Đông và Trường Sa Lớn; tiếp tục thăm một số đảo chìm: Đá Lát, Cô Lin và cuối cùng  là cuộc hành quân về thăm các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trên biển, đến đảo Cô Lin, cách đảo Gạc Ma chừng 3 hải lý và vùng biển thuộc khu vực Phúc Tần, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam, Đoàn đã tổ chức tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh quên mình để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở mỗi nơi, trên đảo hay trên nhà giàn, chúng tôi đều đón nhận được những tình cảm thân thương, thắm thiết của quân và dân, đều thấy rõ sự khát khao một sự bình yên trên biển, đảo; sự mong đợi đến cháy bỏng tình cảm thân thương của đất liền dành cho đảo xa.

Chúng tôi được nghe chỉ huy các đảo báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Điều khiến chúng tôi quan tâm là các anh nói rất ít về sự gian khổ, những gian truân vất vả nơi đầu sóng ngọn gió. Nếu có trong báo cáo, cũng chỉ là một câu ngắn gọn: “tất cả đã cố gắng vượt lên khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Như một sự mặc nhiên về tinh thần lạc quan, báo cáo của chỉ huy các đảo đều chỉ tập trung làm toát lên tinh thần hăng say huấn luyện, những nỗ lực trong thi đua, trong lao động tăng gia, sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc! Ở đâu, chúng tôi cũng được nghe những điều thuận lợi nhiều hơn là khó khăn, nhất là việc các anh luôn bày tỏ lòng biết ơn tới sự quan tâm sâu sắc, ngày càng thiết thực của Đảng và Nhà nước; của các cấp các ngành và của đồng bào, đồng chí luôn dành dụm, sẻ chia cả tinh thần và vật chất cho Trường Sa thân yêu. Dường như, tất cả các báo cáo đều khẳng định: Đơn vị huấn luyện đầy đủ nội dung theo đúng kế hoạch; ý thức trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ trên đảo trong quá trình học tập và ôn luyện cao; 100% cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo, tinh nhuệ các loại vũ khí biên chế trên điểm, đảo; cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, và Quân đội nhân dân; yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, luôn có tinh thần trách nhiệm cao. Các cấp điểm, đảo được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kiên cố, vững chắc; hệ thống năng lượng sạch góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Lần theo báo cáo của chỉ huy các đảo, chúng tôi thăm những nơi huấn luyện và tổ chức sẵn sàng chiến đấu; thăm những “vườn rau” tự tạo trên các thùng xốp được mang ra từ đất liền; những “trại” chăn nuôi… và thăm những nhà văn hóa đa năng; những sân bóng ngoài trời, phòng truyền thống trong hội trường; đọc những trang báo tường không sao kìm nổi nước mắt về tinh thần lạc quan của cán bộ chiến sĩ trẻ trên đảo; leo lên cao vút ngọn hải đăng nhìn ra trùng khơi sóng vỗ mới biết tấm lòng của những con người ngày đêm “gác đèn”, không chỉ giữ “mắt biển” cho những con tàu muôn nơi đi về đúng hướng mà còn là “con dấu” chủ quyền của Tổ quốc đóng xuống Biển Đông; thăm những người dân đảo chân chất, được nghe tiếng hát, tiếng bi bô của các cháu nhỏ; thăm các lớp học chỉ có một thầy một trò mới biết sức mạnh bền bỉ về tình yêu đất nước của con người nước Việt Nam ta; thăm các nghĩa trang liệt sĩ, rồi trở về với ngôi chùa như muốn gửi gắm vào thinh không một niềm tin yêu, an ủi, một sự cầu mong cho biển, đảo mãi mãi sinh tồn và những con người nơi đây có thêm sức mạnh để cùng dân tộc, viết tiếp nên những bản anh hùng ca chiến thắng.

Thời gian không dài và các hoạt động của Đoàn diễn ra trên biển, trên các đảo và các nhà giàn DK1 tuy không được nhiều, nhưng tất cả thành viên trong đoàn không ai bảo ai, đều hướng trái tim, hơi ấm, niềm tin yêu của đất liền cho biển, đảo. Có những nơi, những lúc, Đoàn phải chia nhỏ ra thành từng nhóm để tổ chức được nhiều hoạt động cùng một thời gian, thời điểm: Thủ trưởng đoàn công tác và các bộ phận chức năng cứ làm việc với chỉ huy đảo, trao quà cho các đơn vị; phóng viên báo chí cứ chủ động tác nghiệp; văn công thì cứ hát cho bộ đội nghe và giao lưu cùng bộ đội. Những nơi không có phòng rộng, không có khuôn viên như ở các đảo đá ngầm hay trên nhà giàn, các anh chị cùng bộ đội tổ chức hát ngay ở ban công, ngoài hành lang, trong phòng đọc báo với một tình cảm nồng nàn, thiết tha và một tinh thần chỉ có “hết mình” khi ra đảo. Cô phát thanh viên của VOV trong đoàn công tác tự nguyện làm MC, lúc nào mồ hôi cũng nhễ nhại trên khuôn mặt và thấm đẫm trên vai áo, vừa làm MC vừa tham gia hát, múa cùng văn công, bộ đội; những nhạc công sẵn sàng “chơi” tất cả các thể loại nhạc, các làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam để phục vụ các buổi giao lưu; rất nhiều thành viên “không chuyên” trong Đoàn cũng tham gia hết mình với hoạt động văn hóa, văn nghệ… Tất cả đã làm nên những kỷ niệm đẹp đẽ, những ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ mà không phải chuyến công tác nào trong nước hay ra nước ngoài cũng có được.

Bên cạnh các hoạt động chung, Đoàn còn chứng kiến hai sự kiện quan trọng, gây xúc động và niềm tin lớn đối với quân và dân trên đảo, đó là Bộ Thông tin và Truyền Thông, nhân chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa đã phối với Bộ Tư lệnh Hải quân, Thị trấn Trường Sa và các xã đảo: Sinh Tồn, Nam Yết tổ chức triển lãm và trao tặng bộ bản đồ, tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử, pháp lý”. Tập bản đồ (gồm 60 bản đồ) và hàng chục các châu bản từ nhiều thế kỷ trước, được xử lý nguyên bản và thể hiện trên các chất liệu tốt, chống thấm nước, chứng minh, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tổ chức khai trương các Điểm Bưu điện văn hóa tại xã đảo Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa, nhằm cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, tổ chức các hoạt động đọc sách báo miễn phí, cung cấp dịch vụ Internet thông qua kết nối đường chuyền với Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel, phục vụ thông tin liên lạc cho chiến sĩ và nhân dân các đảo Trường Sa. Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm củng cố thêm niềm tin của quân và dân trên đảo; đồng thời, góp phần tích cực, nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của của Tổ Quốc.

Được xem tận mắt, được chứng kiến những gì trên đảo, được lắng nghe tường tận câu chuyện 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng chống lại quân xâm lược nước ngoài trên đảo Gạc Ma năm 1988, để bảo vệ chủ quyền phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc; những tấm gương bất khuất, bám trụ kiên cường trên các nhà giàn đã anh dũng hy sinh trong các trận cuồng phong, bão tố giữa biển khơi mịt mùng vào các năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, tôi thầm khâm phục những người lính đảo và luôn tự hỏi: Cái gì đã thôi thúc các anh tìm đến nơi đặt chân của mình như lời một bài hát mà các anh đã hát cho chúng tôi nghe: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến ngoài đảo xa...”? Động cơ nào giúp các anh vượt qua tình cảm đời thường để sẵn sàng hy sinh quên mình vì biển, đảo quê hương? Cái gì giúp các anh vượt qua khó khăn thử thách, chống chọi được với nỗi cô đơn nơi “đầu sóng ngọn gió” và tìm được niềm vui sống lạc quan giữa mênh mông biển cả? Có lẽ không chỉ là tình yêu đơn thuần với biển, đảo! Dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, tung bay phấp phới trên nóc đảo, nóc nhà giàn, chắc chắn phải là những Trái tim yêu thiết tha Tổ quốc mình, trong đó Trường Sa là một phần máu thịt không thể chia rời. Và tôi hiểu cái đích thực của câu hát mà các anh đã hát rất lạc quan, tự hào: “Biển này là của ta, đảo này là của ta!”

Những người lính đảo lại ngậm ngùi, xúc động tiễn chúng tôi trở lại tàu. Một khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa kịp hát cho nhau nghe hết những bài hát đem ra từ đất liền, chưa kịp hỏi chuyện riêng tư, chưa thể biết hết quê quán của từng người và chưa biết cả tên nhau, nhưng những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên, hào sảng của các anh đẹp như một giấc mơ để đời, khó quên. Tôi vẫn mong được trở lại Trường Sa, lại được đặt chân lên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình./.   

    TS. Nguyễn Thành Vinh 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất