Thứ Tư, 25/9/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 12/8/2012 10:5'(GMT+7)

Cần chấm dứt tư duy “bình quân chủ nghĩa”

Võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh (phải) trong trận đấu với đối thủ Helena Fromm

Võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh (phải) trong trận đấu với đối thủ Helena Fromm


TTVN không đoạt huy chương Olympic là điều đã được dự báo. Dẫu vậy, khi chứng kiến các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore giành huy chương tại Olympic London 2012 thì người hâm mộ vẫn không khỏi thất vọng. Đây là những nước ngang ngửa hoặc kém hơn Việt Nam ở sân chơi SEA Games nhưng khi ra các đấu trường lớn như Olympic, ASIAD lại thành công hơn hẳn. Nguyên nhân là do họ biết cách đầu tư vào những môn thế mạnh, trong khi chúng ta vẫn còn nặng về dàn trải.

Chẳng hạn như Malaysia. Hai năm trước, họ đã đầu tư lớn cho chiến dịch giành HCV đầu tiên ở Olympic, trong đó đối tượng tập trung duy nhất là VĐV cầu lông Lee Chong Wei. Tập trung vào mục tiêu thắng các VĐV Trung Quốc và đặc biệt là đương kim vô địch Olympic Lin Dan nên Lee Chong Wei bỏ qua khá nhiều các giải nhỏ để tập trung ''luyện kiếm''. Nhờ chương trình này mà Lee Chong Wei đã tiến bộ không ít và đặc biệt là gây bất ngờ cho Lin Dan trong trận chung kết cầu lông đơn nam Olympic 2012. Nếu có thêm một chút may mắn, Lee Chong Wei đã có thể lật đổ tay vợt được xem là hay nhất lịch sử môn thể thao này. Dẫu không thành công với chiến dịch giành HCV ở Olympic, nhưng người Malaysia cũng tự hào vì sản sinh được một tay vợt giỏi. Không chỉ có huy chương cầu lông, cũng nhờ chương trình đầu tư đặc biệt cho Olympic mà VĐV nhảy cầu Pandelela Rinong Pamg cũng giành được tấm huy chương đồng lịch sử cho nhảy cầu Malaysia.

Đầu tư tập trung cho các mũi nhọn ở Olympic cũng là cách lựa chọn từ lâu của các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia... Các VĐV cử tạ tiềm năng của Thái Lan được ươm riêng cho đấu trường Olympic, thậm chí nhiều người còn bỏ qua cả SEA Games để tập trung cho mục tiêu cao nhất. Các võ sĩ quyền Anh nước này cũng được tạo điều kiện dự tranh rất nhiều giải đấu quốc tế để gặt hái kinh nghiệm. Trong khi đó, Indonesia cũng xác định mũi nhọn ở môn cử tạ nên kinh phí đầu tư cho môn này luôn được ưu tiên.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Việt Nam, chẳng hạn một trong những nguyên nhân chúng ta không có điểm đồng đội cao (đồng nghĩa với việc có nhiều suất đến Olympic) ở các Giải vô địch cử tạ thế giới là do không có kinh phí cử nhiều VĐV tham dự. Ngay cả hạt nhân là Trần Lê Quốc Toàn cũng phải đến sau Giải vô địch Châu Á vào cuối tháng 4-2012, mới được xác định đầu tư trọng điểm, trong khi lẽ ra việc này phải tiến hành liên tục trong nhiều năm. Nếu có sự chăm bẵm tốt hơn, có thể tin chắc Quốc Toàn sẽ không dừng ở mức 284kg để rồi phải tiếc hùi hụi vì chỉ kém đối thủ 2kg.

Nhìn vào thành tích hạng tư Olympic của Trần Lê Quốc Toàn hay Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), có thể thấy chúng ta không thiếu những hạt mầm để chăm chút, nhưng vấn đề là đầu tư theo kiểu bình quân chủ nghĩa đã khiến những hạt mầm đó không thể phát triển đúng như mong đợi.

HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất