Những biến động về khí hậu, thời tiết ở nước ta ngày càng thể hiện rõ nét trong những năm gần đây. Thời tiết bất lợi và thiên tai đã và đang là yếu tố cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai do mưa, bão, lũ lụt đang là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các cấp, các ngành và các địa phương khi các khu vực ở nước ta đã bước vào thời kỳ mưa bão.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, mưa lớn ở Bắc Bộ tập trung vào những tháng 7, 8, 9; ở Trung Bộ từ tháng 9 đến tháng 11; khu vực Nam Bộ từ tháng 6 đến tháng 9. Số lượng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ 5 đến 6 cơn (tương đương mức trung bình nhiều năm). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian thì năm nay có khả năng xảy ra mưa nhiều, lũ to ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vì vùng này cây nhãn nào cũng sai hoa, đậu quả. Và thực tế, cơn bão số 2 đi vào phía nam đồng bằng Bắc Bộ vào cuối tháng 6 vừa qua đã gây úng ngập hàng chục nghìn ha lúa đông xuân ở đồng bằng sông Hồng đang độ thu hoạch, gây lũ quét nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề ở một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Bão số 2 đã làm chết và mất tích 20 người, bị thương gần 100 người, thiệt hại về vật chất hàng trăm tỷ đồng. Việc chủ động phòng, chống và né tránh thiên tai vẫn luôn là giải pháp hiệu quả nhất trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong mùa mưa bão năm nay, có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.
Trước hết là công tác tu bổ, nâng cấp đê điều. Theo quy định của công tác phòng, chống lụt bão (PCLB), đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, việc tu bổ đê, kè, cống phải hoàn thành trong tháng 5. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương vừa mới được cấp vốn để triển khai. Vì vậy, các trọng điểm xung yếu nằm trong kế hoạch phải sửa chữa, gia cố ở các tuyến đê, sông lớn từ Hà Tĩnh trở ra bây giờ mới bắt đầu triển khai thực hiện. Việc thi công trong mùa mưa, lũ, bão sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết và ảnh hưởng đến độ an toàn của đê, kè khi xảy ra lũ lớn. Vì vậy, các địa phương cần quản lý, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các hạng mục thi công để bảo đảm các yêu cầu về tiến độ, chất lượng và an toàn khi lũ tràn về.
Hai là, việc phòng, chống lũ trên các triền sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng. Ðã nhiều năm nay, do lượng mưa thiếu hụt, trên hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình không xảy ra lũ lớn, hầu hết các tuyến đê không phải chịu tải cho nên chưa thể kiểm tra, đánh giá chất lượng và phát hiện các hiểm họa trong thân đê, nền đê. Riêng hệ thống sông Hồng, phần lớn lưu vực nằm ngoài quốc gia, vùng thượng nguồn nước bạn đã xây dựng nhiều công trình hồ chứa. Việc điều tiết, xả lũ của các công trình hồ chứa ở vùng thượng nguồn trên đất bạn sẽ rất khó khăn cho chúng ta trong việc tính toán lũ trên dòng chính, chủ động điều tiết các hồ chứa thủy điện trong nước sao cho hợp lý để bảo đảm an toàn hệ thống đê phía hạ lưu sông Hồng. Theo quy luật thời tiết, mưa bão ở các tỉnh Bắc Bộ thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 9. Khu vực này đã nhiều năm xảy ra nhiều bất lợi cùng lúc về thiên tai là lũ trên các triền sông đang cao thì bão đổ bộ vào, gây rất nhiều khó khăn cho việc hộ đê, chống ngập lụt. Vì vậy, việc điều tiết các hồ chứa thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang và bậc thang thủy điện Sơn La, Hòa Bình trên lưu vực sông Hồng cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tính toán trong việc tích, xả nước sao cho vừa bảo đảm an toàn cho công trình, vừa bảo đảm an toàn hệ thống đê vùng hạ lưu.
Ba là, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, xác định chuẩn xác các trọng điểm xung yếu để sửa chữa, gia cố kịp thời; thực hiện nghiêm túc quy chế tuần tra canh gác đê điều, nhanh chóng phát hiện các hiện tượng sự cố để xử lý ngay từ khi mới phát sinh. Những năm gần đây, tình trạng vi phạm Pháp luật đê điều diễn ra khá phổ biến, nhất là việc chứa, kinh doanh vật liệu trên bãi sông trong hành lang thoát lũ, thậm chí ngay cả trong hành lang bảo vệ đê; khai thác cát trái phép trên các dòng sông. Các hiện tượng này đã gây ra sạt lở bờ sông, sạt lở kè và gây vỡ đê trong những năm gần đây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương xử lý các hiện tượng vi phạm, nhưng việc tham gia và xử lý của chính quyền các cấp ở địa phương thiếu tích cực, nhiều hiện tượng vi phạm chưa được xử lý hoặc không xử lý dứt điểm. Vì vậy, lực lượng quản lý đê ở các địa phương tập trung kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm, kiến nghị UBND các cấp nhanh chóng xử lý dứt điểm, không để xảy ra sự cố về đê điều.
Mùa mưa bão đã đến, các ngành, các địa phương cần nhanh chóng triển khai và hoàn thành tốt các công việc chuẩn bị cho phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, ngập lụt. Trước hết, cần kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB các cấp, tổ chức các lực lượng chuyên trách như xung kích, hộ đê, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập PCLB để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng và kỹ năng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Xây dựng phương án di dời dân cư ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi gặp mưa lớn; sơ tán nhân dân vùng ven biển thuộc khu vực bão có khả năng đổ bộ vào. Thực hiện tốt phương châm 'bốn tại chỗ' ở các cấp, cơ sở thôn, xóm, làng, bản; đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra 'hậu cần tại chỗ' đối với các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt bị lũ chia cắt để không có người bị đói, rét khi gặp thiên tai. Các tỉnh ven biển tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền, đăng kiểm an toàn hàng hải đối với phương tiện khai thác hải sản, nhất là phương tiện thông tin liên lạc để nắm bắt, theo dõi bão và ứng phó hợp lý, kịp thời. Các tàu đánh cá xa bờ nên tổ chức theo tổ, đội để bảo vệ, hỗ trợ nhau trên biển khi gặp sự cố rủi ro, hoặc tai nạn do bão, lốc gây ra./.
(Trần Hưng/ND)