Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 14/4/2012 16:22'(GMT+7)

Cần chú trọng tính minh bạch và sự đồng hành

Hợp tác công - tư sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng cho nông sản. (Ảnh minh hoạ: VOV)

Hợp tác công - tư sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng cho nông sản. (Ảnh minh hoạ: VOV)

Tính ưu việt

“Hợp tác đối tác công - tư (PPP)" là sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân dựa trên thế mạnh, khả năng của mỗi bên và sự phân bổ hợp lý nguồn lực, rủi ro, lợi ích nhằm mang lại hiệu quả và hiệu lực. Lợi ích của hình thức đầu tư PPP là có thể huy động được nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân để bù đắp sự thiếu hụt về vốn đối với các dự án phát triển hạ tầng và dịch vụ công (những dự án hạ tầng thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn); thúc đẩy tiến độ và tăng hiệu quả, chất lượng của dự án nhờ sự sáng tạo cũng như những tiến bộ về công nghệ, các sáng kiến và kỹ năng quản lý, vận hành dự án của khu vực tư nhân.

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thí điểm thực hiện đầu tư theo hình thức PPP một số dự án trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và dịch vụ công như đường bộ, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đường sắt, cầu và hầm đường sắt, giao thông đô thị, cảng hàng không và cảng biển, cảng song, hệ thống cung cấp nước sạch, nhà máy điện, bệnh viện, nhà máy xử lý chất thải, và các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác./.

Theo nhận định của các chuyên gia đầu tư, các dự án PPP hấp dẫn các doanh nghiệp bởi tính rủi ro thấp do Nhà nước cam kết về thể chế cho dự án; bảo lãnh và xúc tiến tính khả thi cho dự án; quá trình thực hiện dự án có sự hợp tác của Nhà nước với vai trò một bên đối tác; được hưởng các ưu đãi và đảm bảo đầu tư thông qua ưu đãi thuế và quyền mua ngoại tệ hoặc đảm bảo cân đối ngoại tệ, quyền bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng… Ngoài ra, tính dài hạn của các dự án PPP cũng là một điểm hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân bởi nó có khả năng mang lại khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn.

Minh bạch và đồng hành

Có nhiều hình thức PPP ở những cấp độ khác nhau về chia sẻ trách nhiệm và rủi ro từ hợp đồng dịch vụ, hợp đồng quản lý, hợp đồng cho thuê hay nhượng quyền, hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO)… Tại Việt Nam, theo bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, thì đầu tư theo hình thức PPP đã có và thường gắn với mối quan ngại chính là vấn đề vốn.

Thông thường, cơ cấu của một dự án đầu tư PPP vốn nhà nước chiếm khoảng 30%, vốn của khu vực tư nhân khoảng 70% (trong đó vốn thuộc chủ sở hữu khoảng 21% và vốn vay 49%). Các dự án PPP thường có quy mô lớn và thời hạn dài, thế nên các khoản vay thực hiện những dự án này cũng sẽ lớn và dài hạn do các ngân hàng thương mại cung cấp thông qua phát hành trái phiếu, hoặc một số dự án có thể được phân bổ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hay vốn vay do chính phủ bảo lãnh. Vì vậy, bên cạnh quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, sự giám sát của Chính phủ đối với quá trình thực hiện, vận hành và chuyển giao dự án, cần phải xác định cơ cấu tài trợ vốn hợp lý.

Ngoài ra, các nhà đầu tư tư nhân thường bày tỏ quan ngại về tính đầy đủ, rõ ràng, minh bạch của cơ chế thu hút đầu tư và thực hiện dự án; khả năng tiếp cận thông tin và tín dụng; xác định vai trò của các đối tác tham gia trong dự án; tính hiệu quả kinh tế của dự án (một dự án tính hiệu quả tài chính thấp hoặc nhiều rủi ro sẽ là những trở ngại lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư cũng như các nhà cung cấp tín dụng); về phân bổ và chia sẻ rủi ro (đánh giá giảm nhẹ rủi ro, thâm hụt vốn do tăng chi phí dự án hoặc ảnh hưởng về tỷ giá, trì hoãn hoặc hủy bỏ việc thực hiện dự án, rủi ro liên quan đến khung pháp lý và hợp đồng, rủi ro liên quan đến sử dụng đất đai và chi phí giải phóng mặt bằng…).

PPP là một hướng đi thiết thực để thu hút và phát huy các nguồn lực từ khu vực tư nhân về vốn, năng lực công nghệ, kỹ năng quản lý… nhằm lấp đầy khoảng cách đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ công. Theo các chuyên gia, để đảm bảo thành công của các dự án PPP ở Việt Nam, Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một khung pháp lý thực sự minh bạch, rõ ràng, công bằng, và cam kết đảm bảo một tiến trình phù hợp lâu dài đối với PPP. Tất cả những vấn đề các nhà đầu tư tư nhân quan ngại cần phải được giải đáp rõ ràng. Các dự án PPP cần có sự đồng hành tham gia sâu sát từ phía các cơ quan chức năng của Chính phủ trong suốt quá trình thực hiện ngay từ khâu thiết kế, thẩm định nhằm đảm bảo dự án có tính khả thi đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân cũng như các nhà cung cấp tín dụng”./.

Ngọc Quỳnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất