(TCTG) - Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng trên 1.000 tỷ USD được sử dụng hối lộ hoặc tham nhũng. Đây là một vấn đề nhức nhối gây ra hậu quả nặng nề với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở góc độ kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tham nhũng làm méo mó sự phát triển của thị trường, cản trở thu hút đầu tư nước ngoài, làm tăng thêm chi phí và rủi ro kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã và đang rất quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng thanh tra Chính phủ xác nhận, tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước và giữ gìn, củng cố phát triển nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ việc quản lý nói chung và quản lý kinh tế nói riêng còn yếu kém, bất cập.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều chính sách pháp luật để phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên việc quản lý kinh tế còn tồn tại hạn chế, yếu kém là điều khó tránh khỏi. Từ “lỗ hổng” này, ông Bình cho rằng: “Một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn đã không bỏ qua cơ hội lợi dụng để tham nhũng, trục lợi. Một số doanh nghiệp thì cố tình khai thác các mối quan hệ rồi dùng tiền để hối lộ nhằm giành được những lợi thế kinh doanh cho mình. Thực tế cho thấy, hầu hết những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xét xử vừa qua đều có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu những tồn tại, yếu kém trong quản lý nói chung và quản lý kinh tế nói riêng không được khắc phục kịp thời sẽ là “mảnh đất màu mỡ” tạo điều kiện cho tham nhũng “sinh sôi, nảy nở” phức tạp, nghiêm trọng hơn cản trở việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của đất nước, của dân tộc”.
|
(Ảnh minh hoạ) |
Thực tế có rất ít vụ tham nhũng lại bị phanh phui bởi thanh tra hay cán bộ viên chức của chính nội bộ các cơ quan đó. Điều này cho thấy, dân chủ cơ sở trong các cơ quan nhà nước cần phải được quan tâm hơn, các chế tài cần qui định mạnh mẽ hơn. Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả, điều quan trọng nhất, theo ông Bình là phải hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật đủ mạnh để quản lý đất nước. Đồng thời, thiết lập được một hệ thống kiểm soát quyền lực, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, cố gắng giải mã và từng bước minh bạch hóa quan hệ giữa các chủ thể liên quan nhằm hạn chế các hành vi vụ lợi, lừa dối, phạm pháp.
Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, việc tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là rất cần thiết. Thông qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước có điều kiện lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để xây dựng và hoàn thiện thể chế góp phần thực hiện tốt hơn chức năng quản lý của mình. Mặt khác, Nhà nước cũng có cơ hội để chuyển đến cộng đồng doanh nghiệp những thông điệp cần thiết và kỳ vọng vào họ, khuyến khích họ tham gia phòng chống tham nhũng, góp phần xây dựng nền công vụ liêm chính, môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững.
Thực hiện chủ trương phòng chống tham nhũng của Chính phủ, VCCI đã tiến hành hàng loạt các hoạt động huy động cộng đồng doanh nghiệp nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ doanh nghiệp, một trong những yếu tố quan trọng trong kinh doanh có thể ngăn chặn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Các công ty trong và ngoài nước đều được VCCI mời tham gia chung sức góp phần nâng cao các chuẩn mực kinh doanh tạo mô hình điểm cho châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Ông Bình cho biết, Thanh tra Chính phủ khuyến khích và ủng hộ VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục có sáng kiến tổ chức các diễn đàn, hội thảo đóng góp ý kiến tham gia tích cực vào “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng./.
Lan Ngọc
Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công-Thương