Thứ Tư, 18/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 1/6/2022 19:6'(GMT+7)

Cần coi trọng tư vấn tâm lý học đường ngang với chuyện thi cử

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Giao phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Giao phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

ĐẨY MẠNH THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VỀ KỲ THI TỐT NGHIỆPTRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Tham gia thảo luận về giáo dục - đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong những năm qua mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng loạn điểm chuẩn, "mưa" điểm 10 dẫn đến chất lượng của kết quả thi dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao…

Để kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, quy chế tuyển sinh của Bộ; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích, tính chất của kỳ thi, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu, ủng hộ và phối hợp. Theo đại biểu, đây là một khâu rất cần được đổi mới trong giáo dục.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi, đồng thời tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.

Bộ cũng cần xem xét hướng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông. Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, nếu đề thi hướng tới xét tốt nghiệp, đề thi nên đưa vào nhiều kiến thức cơ bản, ít kiến thức nâng cao, nhưng nếu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, tính phân hóa phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, nâng cao ý nghĩa, tính chất của kỳ thi.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo sự thông suốt về kỹ thuật của hệ thống xét tuyển trực tuyến, có dự báo rủi ro và phương án dự phòng cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi, khi có tình huống bất thường xảy ra thì phải xử lý thật nhanh và giải quyết dứt điểm.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC, CHĂM SÓC DINH DƯỠNG TRẺ EM VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết thực tế hiện nay hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Do vậy, một số địa phương chỉ ưu tiên mở các lớp 5 tuổi chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1, ưu tiên giáo viên dạy cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Điều này đã đặt trẻ em từ 0 đến 2, 3, 4 tuổi ở vùng sâu, vùng xa đối diện với nguy cơ khó có khả năng đến trường, trong khi lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 vẫn thực hiện tinh giản 10% và tinh giản với cả đội ngũ giáo viên.

Với số lượng biên chế đến thời điểm cuối năm 2021, ngành giáo dục các tỉnh miền núi đã phải căng sức mới đảm trách được nhiệm vụ, nếu tiếp tục cắt giảm 10% trong giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng phổ cập giáo dục miền núi, tiểu học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.

Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội của vùng còn rất khó khăn nên dư địa để đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tỷ lệ tự chủ tài chính, giảm số người hưởng lương từ ngân sách của các đơn vị sự nghiệp công lập ở các tỉnh, địa phương miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ khi giao chỉ tiêu giảm biên chế cho giai đoạn tới không cào bằng tỷ lệ 10% đối với các tỉnh miền núi, vùng cao.

Can coi trong tu van tam ly hoc duong ngang voi chuyen thi cu hinh anh 2Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, theo đại biểu, việc duy trì sĩ số học sinh lớp học, cấp học ở các trường miền núi cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu chỉ riêng tuyên truyền, vận động của ngành giáo dục, các thầy cô giáo vẫn chưa đủ, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại cấp cơ sở thông qua công tác vận động, cơ chế giám sát và chế tài cụ thể, phát huy vai trò của đội ngũ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, bản và người có uy tín trong thực hiện, đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh các xã khu vực III hoàn thành nông thôn mới trở về xã khu vực I.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2016/NĐ-CP quy định đối tượng, mức hỗ trợ, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền, quy trình cấp phát và kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, ban hành năm 2016 theo hướng có chế độ hỗ trợ cho học sinh của xã khu vực 1, mức hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, 10 kg gạo mỗi tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng một năm học nhằm duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú, huy động tối đa học sinh học tại trường chính nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thể hiện sự quan tâm đến công tác chăm sóc trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu Lê Thu Hà cho biết theo con số ước tính mới nhất của các tỉnh như Điện Biên, dân số 575.000 người, có khoảng 2.500 trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính; Lào Cai dân số khoảng 754.000 người, có 3.405 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó có 814 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

Số trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính chiếm khoảng 0,5 dân số và đối với các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số khác cũng tương tự như vậy.

Phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thu Hà, cho đến nay vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý, lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả là có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị.

Chương trình sữa học đường được rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm trong thời gian qua nhưng nhiều trường miền núi vẫn chưa tiếp cận được nội dung này.

Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, đại biểu đề nghị cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng với cơ chế chi trả bền vững thông qua quỹ bảo hiểm y tế, đồng thời xem xét bố trí ngân sách riêng cho nội dung bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi.

Vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Luật hóa can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng của trẻ em cũng chính là để can thiệp này được thực hiện tại các cơ sở y tế thuận lợi và có kết quả nhất trong điều trị suy dinh dưỡng trẻ em.

CẦN COI TRỌNG TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG NGANG VỚI CHUYỆN THI CỬ

Dẫn thông tin theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới chỉ sau tai nạn giao thông, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Can coi trong tu van tam ly hoc duong ngang voi chuyen thi cu hinh anh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hà Ánh Phượng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Theo đại biểu, những thông tin đau lòng gần đây cho thấy rằng ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn về bạo lực học đường, cùng với đó là vấn nạn bắt nạt bạo lực trên không gian mạng.

Trong khi đó, hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam thuộc quản lý của các bộ, ngành liên quan bao gồm Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần được đáp ứng thông qua các công tác về tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, thậm chí là một số hoạt động hỗ trợ cho cha mẹ, song chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự hiệu quả, còn nặng về hình thức.

Để xây dựng trường học an toàn, trường học chất lượng, trường học hạnh phúc, đại biểu đề nghị các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn nâng cao năng lực tư vấn cho giáo viên và sự phối hợp của phụ huynh qua các khóa học cả dài hạn và ngắn hạn được triển khai liên tục, có đánh giá, có chương trình, có sổ tay, có giáo trình thay vì chỉ là những hội thảo, hội nghị.

Đại biểu cũng mong muốn trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các chính sách tuyển nhân viên làm công tác tâm lý toàn thời gian được đào tạo bài bản tại các nhà trường.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội như tại một số quốc gia phát triển trên thế giới như Singapore, Mỹ và một số quốc gia khác, đồng thời nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với công tác nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

"Tôi tin rằng nếu chúng ta thật sự coi trọng vấn đề này như coi trọng kết quả học tập, thi cử, tổng kết thì dù có khó khăn bao nhiêu thì chúng ta sẽ tìm ra cách để triển khai; cha mẹ cần thấu hiểu, nhà trường đừng đặt nặng thành tích và xã hội bớt phán xét đi...”, đại biểu phát biểu./.

Việt Đức (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất