Trước tình hình thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm thuốc bảo vệ
thực vật, tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt, nhiễm vi sinh
trên rau… trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, tỉnh Hải
Dương sẽ tập trung tuyên truyền, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế,
chế biến kinh doanh rau, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến kinh
doanh thịt.
Đồng thời, Hải Dưong thành lập 6 đoàn kiểm tra cấp tỉnh kiểm tra tại các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt như nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn…
Trong tháng hành động, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm rau, thịt thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo Thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương, trong số 300 cơ sở được thanh, kiểm tra năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 thì có 30 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, 10% số cơ sở được thanh kiểm tra vẫn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều cấp độ khác nhau. Mặc dù, trên bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ với 58 người bị ngộ độc thực phẩm, chiếm tỉ lệ 3/100.000 dân, thấp hơn chỉ tiêu chung là 8/100.000 dân. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp ngộ độc được thống kê cụ thể, còn những thực phẩm bẩn chưa gây ngộ độc ngay mà hàng ngày hàng giờ tích lũy trong người đến lúc nào gây bệnh thì chưa có thống kê nào những trường hợp này.
Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh vẫn phối hợp với Báo, Đài Phát thanh và truyền hình địa phương, tuyên truyền trên hệ thống thông tin thông qua các phương tiện như tin, bài, tọa đàm, phóng sự, phát động, tờ rơi, băng rôn, quảng cáo, đĩa VCD, khẩu hiệu, áp phích... Bên cạnh đó, Chi cục còn tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh... nhưng thực tế là các thực phẩm bẩn vẫn hàng ngày hàng giờ len lỏi vào các thôn, xóm, khu dân cư mà các lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương cho rằng, với lực lượng mỏng chi cục chỉ có 15 biên chế trên địa bàn khoảng 1,7 triệu người thì không thể kiểm soát được hàng vạn loại thực phẩm đang lưu hành với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, các phương tiện trang bị cho đội ngũ kiểm tra an toàn thực phẩm lại rất hạn chế, nguồn kinh phí làm công tác xét nghiệm hạn chế. Mặt khác, nhiều mặt hàng cần yêu cầu chuyên sâu về công tác thanh tra kiểm tra, kiểm nghiệm... nên việc đánh giá cũng như phát hiện sớm các thực phẩm bẩn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Duy Tuyến cũng cho rằng, cùng với các giải pháp đồng bộ quyết liệt từ các cơ quan chức năng, nhà nước cần cụ thể hóa các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi các cơ sở sử dụng chất cấm, tùy từng mức độ gây hại có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Với mức độ xử phạt vi phạm hành chính thấp như hiện nay thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vì lợi nhuận vẫn đưa các chất cấm vào sản xuất, chế biến ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng./.
Tiến Vĩnh/TTXVN