Thứ Tư, 27/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 24/6/2012 11:27'(GMT+7)

Vai trò của gia đình trong thực hiện giáo dục sớm cho trẻ từ không đến sáu tuổi

 

Giáo dục sớm được hiểu là một môn khoa học giáo dục mới phát triển, tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng thể lực và trí tuệ cho trẻ trong thời kỳ không tuổi (thai nhi) đến sáu tuổi, giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất.

Giáo dục sớm ngày nay đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và trở thành một cuộc cách mạng trên thế giới - cách mạng giáo dục thời kỳ sớm bởi giáo dục sớm mang lại ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng phi thường đối với sự trưởng thành của trẻ: thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện đại não của trẻ em từ không đến sáu tuổi - là một giai đoạn giáo dục trong thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển trí tuệ của con người, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp của con người. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời của trẻ thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật.

Ðể làm được việc đó, vai trò của gia đình trong thực hiện giáo dục sớm cho trẻ từ không đến sáu tuổi có ý nghĩa quyết định.

Một trong những nội dung đầu tiên của giáo dục sớm là phải tiến hành thai giáo, làm cơ sở để khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh. Công việc thai giáo không ai có thể thay thế được vai trò của các bà mẹ với sự hỗ trợ của các ông bố tương lai và các thành viên trong gia đình. Tổng hợp kinh nghiệm thai giáo trên thế giới cho thấy thai giáo là ngành khoa học bao gồm ba phương diện: thụ thai khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất, dưỡng thai trong môi trường tốt nhất và giáo dục thai nhi. Sự phát triển của khoa học hiện đại chứng minh rằng, trong thời gian mang thai nếu lặp đi lặp lại nhiều lần những kích thích tốt đối với thai nhi, có thể thúc đẩy não bộ của thai nhi phát triển. Hiện nay, giáo dục trong thời kỳ bào thai không còn mới mẻ trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi thai giáo vẫn còn rơi vào tình trạng bắt chước máy móc, chưa được tổ chức và tư vấn một cách có khoa học.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của giáo dục sớm như là nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo trong cuộc đời của mỗi con người. Họ đã có những chiến lược cải tổ nền giáo dục của đất nước bắt đầu từ việc "xây móng" - phát triển giáo dục thời kỳ sớm. Với mong muốn "biến gánh nặng dân số thành nguồn tài nguyên trí tuệ vô hạn", công trình "Phương án không tuổi" của giáo sư người Trung Quốc - Phùng Ðức Toàn đã tạo nên hàng loạt thanh thiếu nhi kiệt xuất trên mọi lĩnh vực. Tại Mỹ, năm 1979, chuyên gia sản  phụ khoa Fandeka đã sáng lập nên "Trường đại học thai nhi" nhằm giúp hỗ trợ thai nhi phát triển trí tuệ, sau khi ra đời có thể học tập dễ dàng hơn, phát triển tinh thần thuận lợi hơn. Trong đề án cải cách giáo dục của Xin-ga-po hiện nay coi giáo dục gia đình là một bộ phận của giáo dục quốc dân, giáo dục sớm tại gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Dịch vụ giáo dục cho trẻ mầm non tại Hàn Quốc ở gia đình đang được các bậc cha mẹ đầu tư mạnh mẽ và hiện nay đang xuất hiện các "mô-đun" đi sâu vào từng lĩnh vực giáo dục sớm như toán, ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc... và cho ra hàng loạt các sản phẩm thành công nghệ giáo dục có bản quyền và đã gia nhập vào thị trường giáo dục ở Việt Nam.

Như vậy, có thể nhận thấy giáo dục sớm tại gia đình đang thật sự là nhu cầu của các bậc cha mẹ sau khi họ đã nhận thức được tầm quan trọng của nó. Bên cạnh những bậc cha mẹ vẫn giữ những quan niệm lạc hậu về giáo dục trẻ trong thời kỳ sơ sinh, ngày càng nhiều các bậc cha mẹ tiến bộ ở Việt Nam đã tìm hiểu và áp dụng giáo dục sớm cho con cái họ. Song, giáo dục sớm mới chỉ được áp dụng chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi mà cơ hội tiếp cận thông tin tiên tiến trên thế giới dễ dàng hơn. Trong khi đó, những cha mẹ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hầu như không có thông tin và không có điều kiện để tham gia vào các cộng đồng cha mẹ thực hiện giáo dục sớm. Như vậy, giáo dục sớm tại gia đình hiện nay đang được nhen nhóm lên một cách tự phát, theo kinh nghiệm và chưa được tổ chức đồng bộ, khoa học trong cộng đồng cha mẹ Việt Nam.

Có thể nói rằng, giáo dục sớm tại gia đình góp phần đáng kể vào sự nghiệp giáo dục sớm của toàn xã hội do giai đoạn từ không đến sáu tuổi là thời kỳ vàng để phát triển tiềm năng não bộ của trẻ. Do đó, Nhà nước cần khẳng định lại vị trí của giáo dục sớm tại gia đình, coi đó là nền tảng, còn giáo dục nhà trường là sự nối dài của giáo dục sớm tại gia đình. Giáo dục sớm tại gia đình không chỉ là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, mà ở đây cần có sự nối liền chặt chẽ bằng chính sách và tài chính của Nhà nước. Ðó là, coi giáo dục gia đình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm trả lại cho các bậc cha mẹ vai trò đúng nghĩa - những người thầy, người cô đầu tiên và có ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ.

VŨ OANH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội GDCSSKCÐ Việt Nam

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất