Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 25/11/2014 14:52'(GMT+7)

Cần nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước

Báo cáo Đánh giá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp thực hiện. 

Báo cáo đánh giá Việt Nam đang ở ngã rẽ phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước.

Phân tích về hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, báo cáo chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống. Điểm mạnh là kết quả phát triển kinh tế và giảm nghèo đầy ấn tượng, nằm trong khu vực địa lý năng động nhất thế giới; lực lượng lao động lớn, cơ cấu dân số thuận lợi. Báo cáo đánh giá một trong những điểm mạnh là nỗ lực tăng cường hệ thống giáo dục, là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia. Năng lực xuất khẩu của một số ngành tốt, có uy tín trong một số lĩnh vực như toán, nghiên cứu nông nghiệp và sinh học, có tiến bộ trong việc hình thành và duy trì các cơ quan và thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các sáng kiến khu vực có lợi cho Việt Nam.

Bên cạnh 9 điểm mạnh thì 12 điểm yếu cũng được chỉ ra: năng suất lao động và mức thu nhập thấp, thiếu khuôn khổ pháp lý và không khuyến khích đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, cơ sở hạ tầng yếu kém. Bên cạnh đó, chất lượng hệ thống dạy và học yếu kém, mức độ phức tạp trong sản xuất và xuất khẩu còn thấp. Doanh nghiệp ít sáng tạo và thậm chí thiếu năng lực nghiên cứu và phát triển trong khi năng lực nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu nhà nước còn yếu kém. Hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn yếu kém, do thiếu các phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu. Cơ sở thông tin phục vụ việc xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo còn yếu kém. Quản lý Nhà nước và thực hiện chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn yếu kém.

Báo cáo cũng chỉ ra một số cơ hội như: Phát triển nguồn vốn con người và kỹ năng dựa trên cộng đồng người Việt khá lớn; tạo lập khu vực doanh nghiệp năng động và có năng lực đổi mới sáng tạo, đa dạng hoá và thúc đẩy nền kinh tế. Việc phát triển quan điểm lành mạnh về chấp nhận rủi ro, nâng cao hiệu lực của hệ thống đổi mới sáng tạo về tác động kinh tế - xã hội, tăng cường tăng trưởng cho mọi người. Bên cạnh đó, cũng còn không ít thách thức: Môi trường kinh tế vĩ mô không thuận lợi, kinh tế tăng trưởng chậm dần; không thực hiện thành công cải cách thể chế và môi trường kinh doanh thông qua cải cách hệ thống ngân hàng và chống tham nhũng, cháy máu chất xám gia tăng, không sẵn sàng cho cạnh tranh quốc tế, nguy cơ bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: "Tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc phải đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu". 

Theo ông Andrew Wyckoff, Giám đốc khoa học Kỹ thuật đổi mới sáng tạo của OECD, thách thức của Việt Nam lúc này là đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn. “Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước” - ông Andrew Wyckoff nói.


Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất