Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 13/10/2010 22:0'(GMT+7)

Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và kế hoạch hóa gia đình: thành tựu lớn và những thách thức mới

1. Mức sinh tuy đã giảm mạnh, đạt và duy trì được mức sinh thay thế nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng và khả năng mức sinh tăng trở lại rất cao.

Sau nhiều năm kiên trì và đẩy mạnh Kế hoạch hóa gia đình, số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, đã giảm từ 6,1 con giai đoạn (1969-1974) xuống còn 2,11 con (mức sinh thay thế) vào năm 2005, đạt mục tiêu Chiến lược Dân số đề ra và mức sinh thấp này vẫn duy trì được cho đến nay.

Tuy nhiên, đến năm 2009, vẫn còn 28/63 tỉnh, thành phố (chiếm 34,4% dân số cả nước) có mức sinh cao, như: Kon Tum tới 3,45 con, Hà Giang: 3,08 con, Lai Châu: 2,96 con,…Vì vậy, công tác DS-KHHGĐ ở những tỉnh này cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Mặt khác, hiện nay, hơn 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, khoảng 54% lao động trong khu vực nông – lâm - ngư nghiệp. Vì vậy, có thể thấy rằng tiềm năng tái bùng phát mức sinh là rất lớn. Việc mức sinh tăng lên sau khi ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 và giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em năm 2008 là những minh chứng.

2. Tốc độ tăng dân số đã được kiềm chế; quy mô dân số nhỏ hơn mục tiêu Chiến lược Dân số đề ra, tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 5 nước có quy mô dân số lớn ,đồng thời mật độ dân số thuộc vào hàng cao nhất thế giới.

Nhờ thành tựu giảm sinh, tốc độ tăng dân số đã chậm lại và quy mô dân số năm 2009 là 85,8 triệu người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chiến lược Dân số đề ra là có 89 triệu người vào năm 2010. Cần chú ý rằng, nếu giữ nguyên mức sinh như năm 1989, dân số nước ta, theo dự báo đã lên đến 104,4 triệu người vào năm 2009, tức là đã hạn chế được 18,6 triệu người!

Năm 1990, dân số Phi-lip-pin ít hơn Việt Nam 5,3 triệu người, nhưng đến năm 2010, lại nhiều hơn khoảng 7,1 triệu. Như vậy, trong 20 năm, Việt Nam đã hạn chế được nhiều hơn Phi-lip-pin tới 12,4 triệu người! Cũng trong khoảng thời gian này, ngân sách mới đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ 8.400 tỷ đồng. So sánh kết quả và chi phí, có thế thấy hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao của Chương trình này. Đó là chưa kể hiệu quả đạt được về xã hội (đặc biệt là sự tiến bộ của phụ nữ) và bảo vệ môi trường .

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn là nước “đất chật, người đông”, mật độ dân số lên tới hơn 259 người trên 1km2, gần gấp đôi Trung Quốc, gấp trên 10 lần các nước đã phát triển và gấp khoảng 6 - 7 lần “mật độ chuẩn”. Hiện chỉ có 4 nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Băng-la-đet, Phi-lip-pin) có số dân nhiều hơn, đồng thời mật độ dân số cao hơn Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định rằng: Việt Nam có quy mô dân số rất lớn, mật độ dân số rất cao.

Thế nhưng, dân số nước ta vẫn tăng mạnh, hiện mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người - bằng số dân một tỉnh loại trung bình như: Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Tây Ninh...!

3. Nhu cầu tránh thai lớn, gây áp lực cung cấp các phương tiện tránh thai; tuyệt đại bộ phận người sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) là phụ nữ.

Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, dự báo, sẽ lên tới 27,0 triệu vào năm 2015. Như vậy, để duy trì bền vững thành tựu “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”, thường xuyên phải có 13,5 -14 triệu người sử dụng BPTT.

Hầu hết các phương tiện tránh thai Việt Nam chưa sản xuất được nên từ trước đến nay, chủ yếu dựa vào viện trợ. Từ năm 2010, các nguồn này đã cạn, do vậy, nếu không có một sự đầu tư đặc biệt từ phía Nhà nước, không có một chương trình cung cấp tốt, nhu cầu tránh thai sẽ không được đáp ứng, và hậu quả của nó có thể thấy trước: hoặc là mức sinh sẽ tăng lên hoặc là xảy ra bùng nổ nạo phá thai.

Hiện nay, ở Việt Nam, khoảng 86% người thực hiện KHHGĐ là nữ. Điều đó cho thấy, có sự bất bình đẳng trong lĩnh vực này, và việc tuyên truyền, giáo dục vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là đối với nam giới.

4. Sự mất cân đối giới tính ở trẻ em và trẻ sơ sinh, ngày càng tăng lên và có dấu hiệu rất nghiêm trọng, tạo nên sự thiếu hụt nữ thanh niên trong tương lai.

Để đánh giá mức độ cân bằng giữa số nam và số nữ, người ta dùng chỉ tiêu: “Tỷ số giới tính”, tức là “Số nam tương ứng với 100 nữ”. Bảng 1 dưới đây cho thấy: đối với nhóm trẻ em, tỷ số giới tính không ngừng tăng lên, nghĩa là trẻ em trai ngày càng được sinh ra nhiều hơn trẻ em gái.

Bảng 1: Tỷ số giới tính

Năm

1979

1989

1999

2009

Tỷ số giới tính trẻ em (0-5) tuổi

104,8

106,5

109,0

111,5

 
                                                                                Nguồn: TĐTDS 1979, 1989, 1999, 2009

Năm 2009, có tới 44 tỉnh có tỷ số giới tính của trẻ sơ sinh cao trên mức bình thường, đặc biệt ở một số tỉnh, tỷ số này rất cao, như: Hưng Yên:130,7, Quảng Ngãi: 115,1, Cần Thơ: 114,1,…

Đây là sự mất cân bằng vật chất. Do vậy, tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế, xã hội phức  tạp, như: nam giới khó kiếm được bạn đời, trật tự xã hội khó kiểm soát, tệ nạn và các loại tội phạm (buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm) đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên.

5. Cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh

Bảng 2 dưới đây cho thấy: cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, theo hướng giảm mạnh tỷ lệ trẻ em, và tăng nhanh tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi.

Bảng 2: Cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi

Nhóm tuổi

Tỷ trọng tổng nhóm tuổi trong tổng số dân (%)

Tổng

0-14

15-59

60+

1979

41,7

51,3

7,0

100

1989

39,2

53,7

7,1

100

1999

33,0

59,0

8,0

100

2009

25,0

66,0

9,0

100

2019

22,81

66,13

11,06

100

Nguồn: TĐTDS 1979, 1989, 1999, 2009 và Dự báo (2019) của tác giả

Sự thay đổi cơ cấu này đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế -xã hội: Từ năm học (1997-1998) đến năm học (2007-2008), số học sinh tiểu học giảm tới 3,6 triệu! Tương tự, số học sinh bậc THCS và THPT cũng giảm trong mấy năm trở lại đây. Số học sinh nam, nữ tương đối cân bằng từ tiểu học đến đại học.

Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng từ 51,3% trong tổng dân số năm 1979 lên tới 66% vào năm 2009, hình thành nguồn lao động dồi dào, được gọi là “cơ cấu dân số vàng”, nhưng cũng tạo ra thách thức lớn về việc làm và nâng cao chất lượng lao động.

Tỷ lệ người cao tuổi đạt đến 9%, sát ngưỡng “dân số già” (theo quy ước của Liên hợp quốc là 10%), vấn đề an sinh xã hội, tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi đang đặt ra một cách cấp bách.

6. Chất lượng dân số được nâng lên nhưng chưa cao; mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số mới đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Chỉ số phát triển con người (HDI) được tổng hợp từ các chỉ số về kinh tế, giáo dục và sức khoẻ, có thể coi là một chỉ báo về chất lượng dân số. Chỉ số này của nước ta năm 1992 là 0,539 xếp thứ 120 trong 174 nước so sánh, đã đạt 0,725 vào năm 2007, xếp thứ 116 trong số 182 nước! Như vậy, chất lượng dân số nước ta đã tăng lên, nhưng vẫn ở thứ hạng rất thấp so với thế giới và chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước phát triển nhất.

Thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, trong đó nhấn mạnh mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số”, Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010 đã thử nghiệm một số mô hình can thiệp nhằm nâng cao chất lượng dân số mới đạt được những kết quả bước đầu, và cần được tiếp tục mở rộng.

7. Di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ; nhu cầu tư vấn và cung cấp phương tiện, dịch vụ KHHGĐ cho người di cư ngày càng lớn.

Nếu như trong 5 năm (1984-1989), cả nước có 1,4 triệu người di cư, thì đến giai đoạn (1994-1999) có 5,8 triệu người và giai đoạn (2004-2009) có tới 9,1 triệu người di cư. Từ năm 1989 đến năm 2009, dân số tăng lên 1,3 lần còn dân di cư thì tăng 6,5 lần! Rõ ràng, người di cư tăng mạnh hơn nhiều so với tăng dân số.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2004 cho thấy: 64% người di cư thuộc nhóm từ 15-29 tuổi và gần 70% chưa kết hôn. Vì vậy, nhu cầu truyền thông về hôn nhân, KHHGĐ, bảo vệ sức khỏe sinh sản, cung cấp phương tiện và dịch vụ thích hợp cho người di cư là cần thiết và rất lớn nhưng cũng khó khăn hơn do tính chất biến động cao của họ.

Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy rất rõ rằng: thứ nhất, dân số có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, vì thế khi xây dựng các quyết sách liên quan đến lĩnh vực này cần hết sức thận trọng, nên nhận thức thật rõ cả điểm tích cực và những thách thức mới của xu hướng phát triển dân số hiện nay, đồng thời tổng kết, nghiên cứu kỹ bài học, kinh nghiệm của Pháp lệnh Dân số 2003 và việc giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình, Trẻ em năm 2008.

Thứ hai, để xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, giai đoạn 2011-2020 theo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận 44 năm 2009 cần thiết kế các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực, duy trì và phát huy những thành tựu đồng thời vượt qua những thách thức nêu trên./.
 
* GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội
 
** Ths. Phạm Trí Thức, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng quốc hội

Nguồn: TCCS điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất