Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 14/10/2010 22:28'(GMT+7)

Trẻ nhập viện tăng vọt vì thay đổi thời tiết

Gần hết giờ nghỉ trưa nhưng ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn nhiều trẻ đang đợi khám. Ảnh: P.N.

Gần hết giờ nghỉ trưa nhưng ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn còn nhiều trẻ đang đợi khám. Ảnh: P.N.

11 giờ sáng nhưng khoa khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vẫn còn rất nhiều phụ huynh bế con đợi đến lượt. Có phòng khám, con số trên bảng điện tử đã nhảy lên 98, 100. Buồng nào ít cũng có 40, 50 bệnh nhân.

Bế cô con gái 2 tuổi ngồi đợi bên ngoài hành lang, thi thoảng chị Thu (Định Công, Hà Nội) lại nhìn lên bảng điện tử xem đã đến lượt con mình khám chưa. Chị cho biết, mấy hôm đầu cháu có biểu hiện húng hắng ho, chị có cho cháu uống siro ho nhưng không đỡ mà càng ho nhiều, lại sốt cao, sổ mũi. Đưa con đi khám ở gần nhà thì bác sĩ bảo cháu bị viêm họng cho thuốc về uống.

"Thế nhưng vừa uống hết đợt thuốc được một tuần, bé lại bị ho lại, hắt hơi nhiều hơn, không chịu ăn. Khổ con bé đã vốn nhỏ, 2 tuổi mà nặng có 10 kg thì chớ nay ốm có một tuần lại sút mất một cân. Mà chả hiểu sao dạo này nó hay ốm thế không biết", chị Thu buồn bã nói.

Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cứ giao mùa là số trẻ đến bệnh viện khám lại tăng đột biến. Từ đầu tháng 10 đến nay đúng vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết chuyển sang hanh, ban ngày nóng nhưng sáng và tối lạnh khiến nhiều trẻ dễ bị bệnh. Trong đó, chủ yếu vẫn là các bệnh về đường hô hấp và tai mũi họng.

"Đường hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với thời tiết, cộng thêm khả năng miễn dịch còn kém nên trẻ rất dễ bị bệnh khi thời tiết giao mùa. Một nguyên nhân nữa là do tốc độ đô thị hóa, khói bụi nhiều, bầu không khí bị ô nhiễm cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp, bác sĩ Nhuận cho biết.

Tương tự tại khoa Hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pon, số trẻ mắc các bệnh hô hấp nhập viện cũng có xu hướng tăng lên. Một ngày có khoảng 100 trẻ đến khám và nhập viện, trong khi trước chỉ 20, ngày nhiều cũng chỉ 80 trẻ.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi cho biết, các ca bệnh thường nhẹ, cứ trẻ này ra, trẻ kia lại nhập viện. Tuy nhiên, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bệnh thường diễn biến nhanh, thường phải nằm viện lâu vì khó uống thuốc. Có trẻ phải thở máy, hút rãi đờm.

Trẻ thường đến khám với các biểu hiện như: ho ngày càng tăng, có đờm, chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau họng. Với trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, không sốt nhưng khó thở, ho do tắc đờm.

"Trẻ nhỏ không đi lại được nên thường bị lây bệnh bởi người lớn hoặc trẻ lớn. Vì thế nếu mẹ hay bị bệnh lúc giao mùa thì nên đi tiêm phòng cúm. Đồng thời, người lớn cũng phải tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình, tăng cường uống nước...", bác sĩ Lan nói.

Các bác sĩ cũng lưu ý, có nhiều trẻ mới đầu chỉ bị viêm mũi họng nhưng cha mẹ không chữa triệt để khiến bệnh càng nặng hơn, dẫn đến viêm tai giữa cấp. Ngoài ra, khi thấy trẻ bị viêm mũi họng dị ứng, hắt hơi nhiều, có mủ đặc có thể xông họng để làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên không được lạm dụng, tránh gây hỏng niêm mạc vùng mũi họng của trẻ vì bộ phận này chưa phát triển hoàn thiện.

Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm cho con, đồng thời thông thoáng không khí ở nhà. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang... Bên cạnh đó, vì thời tiết hanh khô nên cần cho trẻ uống nhiều nước và ăn uống đủ chất.

Theo VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất