(TCTG) - Ngày 20/10, tại Hà Nội, đã diễn ra "Hội thảo tham vấn của các tổ chức phi chính phủ (NGO) làm việc về trẻ em đối với Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2011-2020".
Tại Hội thảo, đại diện các tổ chức NGO đã trao đổi, thảo luận góp phần đánh giá thực trạng kết quả thực hiện các mục tiêu vì trẻ em 10 năm qua, đặc biệt phân tích nguyên nhân làm cho nhiều mục tiêu về giáo dục, bảo vệ trẻ em, văn hóa vui chơi của trẻ em chưa đạt được. Từ đó, đề xuất những vấn đề trọng tâm, những điểm cần ưu tiên trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Góp ý cho Dự thảo "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020", đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), Tổ chức Plan...đều nhấn mạnh: Việt Nam cần xem xét bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 10 năm tới để xây dựng kế hoạch cho phù hợp. So với giai đoạn trước, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng của một nước có thu nhập thấp để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình nên chương trình hành động quốc gia vì trẻ em cần phải đảm bảo các mục tiêu về sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch, giáo dục, bảo vệ trẻ em và quyền tham gia của trẻ, góp phần cho sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã chia nhóm để thảo luận sâu về các vấn đề lớn liên quan đến trẻ em là: sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch vệ sinh môi trường; giáo dục, vui chơi giải trí và bảo vệ trẻ em; vai trò của các tổ chức NGO trong nước, quốc tế trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020. Một số nhóm mục tiêu trong Dự thảo đã được các đại biểu cơ bản nhất trí như: giảm 1/4 tỉ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi, giảm 1/3 tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi; 92% trẻ em hoàn thành cấp tiểu học, 80% trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở, tăng 1/5 tỷ lệ trẻ em khuyết tật được giáo dục chuyên biệt; giảm 1/3 tỷ lệ trẻ em nghèo tại Việt Nam...
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010, bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Ban điều phối hoạt động mạng lưới các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em Việt Nam (CRnet) cho rằng: Chương trình đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và mô hình tốt về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực xã hội, phát triển con người, trong đó có phát triển trẻ em và quan tâm thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu về bảo vệ trẻ em, về giáo dục còn chưa đạt được, sự chênh lệch trong tiếp cận các quyền trẻ em giữa các vùng còn lớn. 1/3 trẻ em Việt Nam còn thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, nước sạch, giáo dục, nhà ở.
Bà Thanh Thanh cũng chỉ rõ: Nguyên nhân của tình trạng này là do yếu kém về nhận thức; về trách nhiệm của gia đình, xã hội, của một số lãnh đạo các cấp, các ngành; sự đầu tư chưa đầy đủ cả về tài chính và nguồn nhân lực cho công tác trẻ em; thiếu cơ sở thu thập số liệu tin cậy về sự thiếu hụt, nghèo đói của trẻ em. Đặc biệt, chưa phát huy được nhiều nguồn lực còn tiềm tàng trong xã hội, chưa hình thành được đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng công tác xã hội ở các cơ sở để thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em./.
Việt Hà