Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 17/7/2011 17:57'(GMT+7)

Cần phải chú trọng đào tạo và sử dụng nhân tài

Con người, không ai sinh ra phát triển tự nhiên thành "người tài”

Sự cấu tạo của khối óc, gien di truyền có ảnh hưởng nhất định đến việc thành đạt của mỗi người. Song, tất cả mới chỉ là tiềm năng. Giáo dục chiếm tỉ lệ quan trọng nhất trong việc tạo dựng cho con người vốn liếng (thể lực, trí lực, đạo đức, nhân cách...) để bước vào cuộc sống, lao động. Từ thực tiễn, người nào có nghị lực để vượt lên và có những sáng tạo góp vào việc giải quyết một hay một số vấn đề của cuộc sống, làm cho nó phát triển, được xã hội ghi nhận, người đó trở thành nhân tài.

Hoàn cảnh lịch sử, chế độ xã hội, đời sống thực tiễn tựa như đất đai, khí hậu, thời tiết, ánh sáng... để cho con người có thời cơ gieo hạt, nẩy mầm cho cây bắt rễ đâm chồi, ra hoa, kết trái...Nhân tài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và được đo bằng những yêu cầu của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, từng thời đại nhất định.Trong rất nhiều nhân tố đan xen với nhau thì giáo dục học đường và các quan hệ chính trị - xã hội giữ vai trò quyết định cho việc xuất hiện các nhân tài.

Mỗi cấp học có vị trí khác nhau

Giáo dục phổ thông đang tiến tới phổ cập toàn dân, là cơ hội tốt cho mọi thanh, thiếu niên được học tập, trang bị cho họ những kiến thức phổ thông nền tảng, giúp cho những năng khiếu, những khuynh hướng của từng cá nhân phát triển.

Bước nhảy vọt tạo ra sự biến đổi về chất là ở các trường đại học. Đây là nơi tiếp tục vun đắp, nuôi dưỡng, nâng đỡ, chắp cánh cho các năng khiếu. Bậc đại học lại là khâu không chỉ có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ nền giáo dục mà còn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung (cả trước mắt, cấp bách và cơ bản, lâu dài). Chính nơi đây chuẩn bị nguồn nhân lực cho một xã hội phát triển dựa trên cơ sở nền kinh tế tri thức mà nước ta đang cần đến. Những "người lao động mới” ấy, qua thực tiễn sẽ xuất hiện những người thực tài, những người anh hùng chân chính của thời kỳ đổi mới.

Giáo dục đại học nước nhà cần phải dũng cảm, thực sự cầu thị để nhìn mình và nhìn thiên hạ nhằm sửa chữa, loại bỏ những nội dung chương trình, giáo trình, giảng dạy nếu đã lạc hậu, trùng lặp giữa các môn học, các cấp học. Giáo dục của ta cần tránh việc hướng các thần đồng vào mục tiêu hạn hẹp là "giật giải” dễ làm cho các thần đồng ít được chuẩn bị bề rộng, trước hết là triết học, đặc biệt triết học duy vật biện chứng mà ngày nay người ta coi là cơ sở triết học của sự sáng tạo. Hiện tại, chương trình giáo dục các môn lý luận, chính trị, triết học trong các trường đại học của ta nhìn chung còn dàn trải, trùng lặp, chưa tập trung vào việc đào tạo cơ sở phương pháp luận, vào linh hồn của triết học Mác là phép biện chứng, là sự năng động sáng tạo... Chúng ta còn nặng về lý thuyết, ít chú ý gắn lý thuyết với cuộc sống, với sự biến đổi vô cùng mau lẹ của thế giới đương đại, chưa nhằm vào việc phát triển trí thông minh của lớp trẻ để họ dám dũng cảm leo lên những đỉnh cao mới đầy khó khăn nhọc nhằn của sự sáng tạo mà đường đời đang đòi hỏi, đang bắt buộc họ phải biết đứng lên vai thế hệ trước để tiến lên như tiền nhân đã dạy.

Việc giảng dạy các môn học về phương pháp luận và khoa học luận lại quá lạc hậu về phương pháp. Phần lớn, thầy độc thoại, sinh viên nghe một cách thụ động, rồi sau đó sao chép giáo trình để "chữ thầy trả thầy”. Trình độ giảng viên còn bất cập chiếm một tỷ lệ không nhỏ, có người chỉ như "thợ giảng”. Một số ít "thầy chưa nỗ lực làm thầy”, trình độ kiến thức hẹp bề rộng, nông chiều sâu nhưng lại không chịu "thầm lặng mà suy nghĩ, học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Chúng ta vẫn đang thiếu những giảng viên đại học thực sự có năng lực độc lập nghiên cứu khoa học để tích luỹ vốn liếng cho mình, để đủ khả năng bồi dưỡng những sinh viên giỏi, có năng khiếu. Nói chung, việc bồi dưỡng loại sinh viên có năng khiếu là phải trao đổi giữa thầy và trò, là đối thoại và tranh luận bình đẳng về những vấn đề ít được viết ra trong sách, đòi hỏi vốn liếng, kinh nghiệm lao động, sáng tạo khoa học của người thầy. Rất tiếc, số giảng viên này lại không nhiều. Không ít người hướng dẫn các luận văn tốt nghiệp cho sinh viên chưa đích thực là hướng dẫn mà lại còn có những biểu hiện vụ lợi. Đó là cách tạo ra sự dối trá, lười biếng trong lao động trí tuệ, làm hư hỏng con người, thui chột các tài năng.

Hiện thực hoá các tư tưởng tốt đẹp đã từng được khẳng định trong các văn bản chính trị - pháp lý cao nhất của Nhà nước

Môi trường xã hội, điều kiện lao động và mưu sinh đối với sinh viên sau khi rời ghế học đường sẽ là "đất dụng võ”, là nơi cho họ thi thố tài năng. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao cho họ có được cơ hội bình đẳng trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý sáng suốt và công minh của Nhà nước pháp quyền XHCN. Chúng tôi muốn nhấn mạnh cơ hội bình đẳng và môi trường thuận lợi (vật chất và tinh thần) được kiểm soát bằng pháp luật, được bảo hộ bằng sức mạnh của Nhà nước chứ không phải là một sân chơi bất bình đẳng trong đào tạo, tuyển dụng, phân công, giao trách nhiệm và đãi ngộ.
 
Một khi tình trạng tiêu cực còn phổ biến trong xã hội thì dù cho có quốc sách trọng dụng nhân tài, có sự đầu tư rất lớn của Nhà nước cũng vẫn làm cho những người dân có ý thức trách nhiệm với quốc gia không khỏi băn khoăn tự hỏi: "Liệu quốc sách ấy, sự đầu tư ấy có được thực thi một cách công minh và hữu hiệu ?”. V.I.Lênin đã chỉ rõ: "...Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và thịnh hành”(1). Môi trường không lành mạnh sẽ làm cho lớp trẻ bị phân hoá. Người có lòng tự trọng thì hoặc chán nản, nhụt chí tiến thủ, hoặc tìm cách ra nước ngoài làm ăn. Chất xám chảy máu từ chính cơ thể không lành mạnh, chứ không phải tất cả những sinh viên ra ngoài nước học thành tài chưa muốn về nước là do chỉ nặng mộng giàu sang, nhẹ lòng yêu nước. Một số khác lại tìm cách tiến thân bằng cách chạy văn bằng chứng chỉ học vị, học hàm, chạy chức, chạy quyền và kiếm tiền bất chính. Không phải là không có các thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư chỉ "hữu danh vô thực” nhằm vinh thân phì gia. Tình trạng này đã làm cho khái niệm "trọng dụng nhân tài” bị biến dạng: "Trọng” và "dụng” bị tách đôi, thậm chí tỷ lệ nghịch với nhau như Hồ Chủ tịch đã cảnh báo các cấp chính quyền ngay từ ngày đầu tiên lập nền dân chủ cộng hoà: "Tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”(2).

Vấn đề nhân tài và sử dụng nhân tài là niềm vinh quang to lớn và nỗi cay đắng nhọc nhằn của lịch sử dân tộc

Có những bậc hiền tài đã làm biến đổi cả một thời đại, làm rạng danh non sông Tổ quốc ta; có những nhà lãnh đạo anh minh (từ ngày lập quốc tới nay, thời nào cũng có mà tiêu biểu là thời đại Hồ Chí Minh) không những bản thân các vị ấy là những tài năng lỗi lạc, mà còn có sức lôi cuốn và làm nảy nở thêm rất nhiều nhân tài cho đất nước.

Có biết bao chiến công hiển hách và niềm vinh quang về sự thịnh đạt còn được truyền tụng mãi. Và cũng không ít nỗi đắng cay, tủi nhục do không đủ tài năng - mà tài năng quan trọng nhất là dựng nước và giữ nước - để đến nỗi dân tộc phải rơi vào kiếp ngựa trâu, bị nô lệ, lầm than, đói rách cùng cực. Lịch sử đã phải có những bước đi quanh co, gập nghềnh, những sai lầm mất mát chỉ vì khi ấy "đất nước thiếu anh hùng”, thiếu người hiền tài làm ngọn cờ quy tụ và nhân lên những tài năng vẫn đang tiềm ẩn trong các tầng lớp nhân dân.

Thời cơ và vận hội. Thuận lợi và khó khăn. Những yếu tố khách quan như mưa, như nắng, như gió, như mây, như dông, như bão... đến rồi đi, thời nào chả có. Vấn đề là ở nội lực của từng dân tộc, ở "nguyên khí quốc gia” có được nuôi dưỡng, giữ gìn, trân trọng hay không? Chính vì thế mà một trong những việc quan trọng nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi mới ra đời là chống giặc dốt và tìm người tài đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc rằng trong đồng bào của mình không thiếu người có tài, có đức, chỉ: "E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”(3).

Nhân tài là vấn đề lớn. Để có nhân tài, có nhiều người tài ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có biết bao nhiêu việc phải làm. Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực làm. Nhưng để làm có hiệu quả thiết thực, thì không phải là việc dễ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Khó dễ cũng tại lòng mình và vô luận việc gì đều do người làm ra.

Về vấn đề nói trên, xin góp một vài thiển nghĩ của mình:

- Cần và có thể làm ngay việc nâng cao chất lượng của những trường đại học trọng điểm, rà soát và miễn nhiệm ngay những người không đủ trình độ chuyên môn và cả những người thiếu tư cách làm thầy ra khỏi cương vị họ đang giữ ở các trường đại học đó. Muốn có nhân tài cho đất nước, chúng ta phải có trường đại học chất lượng cao với đội ngũ giáo sư đã chọn lọc.

- Nhân tài không đồng nghĩa với bằng cấp. Thực tế muôn đời, Đông, Tây, kim, cổ đều chỉ ra rằng bằng cấp không thể thay thế được thực tài. Nếu có bằng cấp (ở đây là bằng cấp thật) thì cũng chỉ mới là người có sở đắc một số kiến thức, ở một lĩnh vực nào đó chứ chưa phải là sự thể hiện và được minh chứng khi đưa sở học vào cuộc sống. Thực tiễn là thước đo tài năng! Ai cũng biết thế nhưng trên thực tế ta vẫn chú trọng bằng cấp hơn năng lực thực tế.

- Cần phải trừ bỏ nạn hư danh, trở lại với quan điểm mácxít mà Đảng vẫn nhấn mạnh: "Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình”(4). Tôi hiểu rằng, thực tiễn phải được xem xét một cách khách quan và phải được kiểm soát của xã hội thì mới là thước đo, là nơi kiểm nghiệm, chọn lọc, đào thải và sử dụng nhân tài để từ đó "đối đãi đúng với từng hạng cán bộ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

- Từ các cơ quan công quyền đến các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, từ các cấp, các khâu tuyển dụng, sử dụng, nếu lấy thực tài làm căn cứ, không nệ bằng cấp, hình thức, chẳng có "ô dù” thì sẽ làm cho cả nước, ai ai cũng gắng gỏi học tập, tu dưỡng để mỗi nhân tố Raphaen trong mỗi con người được tự do phát triển (như C.Mác đã nói) thì đất nước mới có nhiều nhân tài, thực tài.
 
PGS. TS Trần Đình Huỳnh/Đại đoàn kết.vn
_____
(1). V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, tr.218.
(2). Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2002, tập 4, tr.57.
(3). Sđd, tập 4, tr.451.
(4). C. Mác và Ph.Ăngghen, Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H.1980, tập 1, tr.255.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất