Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 5/7/2011 22:32'(GMT+7)

Để đại biểu Quốc hội xứng đáng là người đại diện của nhân dân

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta phấn đấu để sớm đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu trong thời gian sớm nhất.

Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề và cũng là nguyện vọng cháy bỏng của mọi người dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Quốc hội (QH) - với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng và ban hành pháp luật và thực hiện giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước – đã, đang và sẽ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng để biến mong ước đó của nhân dân ta thành hiện thực.

Động lực chủ yếu để phát triển đất nước hiện nay là đại đoàn kết toàn dân. Và tiền đề của đại đoàn kết toàn dân là phát huy dân chủ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: sự đoàn kết nhất trí chỉ có thể có được trong điều kiện dân chủ rộng rãi và muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự. QH – cơ quan dân cử với cơ cấu đại biểu đa dạng: nông dân, công nhân và trí thức, nhà doanh nghiệp, nam giới và nữ giới, dân tộc kinh và các dân tộc ít người, đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và người không là đảng viên... là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và trước hết có nhiệm vụ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo những mục tiêu mà nhân dân đã lựa chọn. Đó là mong mỏi đầu tiên và chung nhất của cử tri, của nhân dân cả nước đối với QH Khóa XIII.

Để thực hiện một nền dân chủ rộng rãi, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nhiệm vụ cơ bản và trọng đại của QH Khóa XIII là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao QH, các cơ quan của QH Khóa XII đã nêu cao sự đoàn kết và phát huy tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của QH các khóa trước, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được của đất nước; QH đã thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một nhiệm kỳ đặc biệt, chỉ kéo dài trong 4 năm, nhưng QH Khóa XII đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước rất đáng được ghi nhận. Đông đảo cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị QH Khóa XIII phát huy những thành tựu đạt được của QH Khóa XII, tiếp tục đổi mới về tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của QH.

Nhiệm kỳ Khóa XII, đại đa số ĐBQH không phụ lòng tin của cử tri và nhân dân, đã làm tốt vai trò người đại biểu nhân dân hoạt động trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Các vị ĐBQH Khóa XII đã có những quyết định quan trọng, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và cử tri cả nước, đặc biệt là việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; việc chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh... cho thấy các vị ĐBQH ngày càng thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân, trước đất nước. Tuy nhiên, cử tri cũng chỉ rõ, còn không ít đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa với cử tri và nhân dân; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với QH và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; còn hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động của QH.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII sắp tới, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước mong muốn, các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, bầu và phê chuẩn những người thực sự tiêu biểu đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy Nhà nước ở Trung ương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, cùng với Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”. “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”. “Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào QH để làm ĐBQH, không phải để làm quan, không phải để ngồi trên ăn trốc, mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào” và “để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, cả ĐBQH và cán bộ chính quyền cần phải: thực hành cần, kiệm, liêm chính; chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt. Đoàn kết công tác, học tập, lao động. Luôn luôn giữ tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”.

Những lời dặn dò sâu sắc, chí tình trên đây của Bác Hồ vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với các ĐBQH Khóa XIII, đồng thời cũng là yêu cầu của cử tri cả nước đối với các ĐBQH do cử tri lựa chọn và bầu ra.

Nguyễn Thanh Bình/Đại biểu nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất