Đại biểu phải là người thực sự gần gũi, thấu hiểu cử tri và nhân dân, thấy rõ thực tiễn cuộc sống. Đó là chất liệu chung mà mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể chắt lọc. Mỗi đại biểu có thế mạnh riêng, có chuyên môn, sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực ngành nghề của mình.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII đã triệu tập Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội (QH) Khóa XIII. Và như vậy, chưa đầy một tháng nữa QH Khóa XIII sẽ bắt đầu làm việc. 500 ĐBQH Khóa XIII sẽ chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.
Nói là 500 ĐBQH ra mắt quốc dân đồng bào, nhưng trong số đó có một phần ba ĐBQH mà cử tri đã quen mặt thuộc tên. Chính xác là có khoảng 2/3 số ĐBQH lần đầu tiên có mặt ở diễn đàn chính trị lớn của đất nước – QH nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lần đầu tiên – chắc chắn sẽ là dấu ấn. Một cựu ĐBQH kể rằng, dù rời nghị trường hơn chục năm nay, nhưng giờ đây chị vẫn nhớ như in cảm xúc thiêng liêng và đặc biệt - khi lần đầu tiên chào cờ, hát Quốc ca ở Hội trường Ba Đình trong vai ĐBQH. Nhiều ĐBQH cũng có cảm xúc rất thật như thế. Lần đầu tiên tham gia vào cơ quan quyền lực tối cao, có niềm vinh dự, tự hào và cả gánh nặng trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Có ĐBQH cũng đã từng thổ lộ rằng, ngay cả khi đã có mặt ở diễn đàn Kỳ họp thứ Nhất nhưng không ít ĐBQH lần đầu trúng cử chưa thể định hình rõ rằng, mình phải nhập vai như thế nào, bắt đầu công việc ra sao? Dù biết rằng trước khi trở thành ĐBQH, ứng cử viên có thời gian để thử thách qua những vòng hiệp thương, qua những cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử và đã có chương trình hành động cho riêng mình. Lúng túng và bỡ ngỡ của những người đầu tiên làm ĐBQH là có thật.
Có một thực tế là, chưa có một trường lớp nào đào tạo đại biểu dân cử, đào tạo nghề làm đại biểu dân cử. Chắc rằng, không ai khác chính đại biểu phải tự mình học hỏi, tự tìm lối đi riêng, tự xây dựng hình ảnh trước cử tri và công chúng. QH mang đậm tính đại diện, bởi thế 500 ĐBQH Khóa XIII có nhiều cơ cấu, thành phần, ngành nghề, tầng lớp... Có đại biểu là người dân tộc ít người, có đại biểu trẻ tuổi, có doanh nhân, trí thức, nhân sỹ... Đa dạng về cơ cấu, thành phần – cũng có nghĩa là điểm xuất phát của các ĐBQH không giống nhau, nhưng chắc chắn họ phải gặp nhau ở một điểm chung là cùng phải làm việc với trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất, vì sự tiến bộ và phát triển, vì lợi ích của cử tri, của nhân dân và của đất nước. Với đại biểu, mỗi lần được xuất hiện phải tạo được ấn tượng tốt. Tuy nhiên, việc xuất hiện và thể hiện được bản lĩnh của người đại biểu không đơn giản chút nào.
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, người có rất nhiều kinh nghiệm nghị trường đã từng chia sẻ, mặc dù là người đã từng đứng trước hàng nghìn sinh viên để thuyết trình, hay thường phát biểu trong các hội nghị lớn, nhưng lần đầu tiên phát biểu tại nghị trường không khỏi có cảm giác bị ngợp. Thực tế, khi đó ĐBQH không chỉ phát biểu, bày tỏ chính kiến, thể hiện bản lĩnh trước 499 ĐBQH còn lại, mà là bày tỏ với cử tri và nhân dân cả nước. Cá tính mỗi đại biểu khác nhau nhưng hình ảnh của đại biểu trước cử tri và công chúng phải đẹp. Mỗi ĐBQH đẹp sẽ hợp thành một QH đẹp. Cái đẹp phải toát lên từ phong thái, lời nói, cách trình bày vấn đề lôi cuốn, chứa đựng tâm tư của cử tri, tư duy của cá nhân ĐBQH. Không phải ngẫu nhiên mà nhiệm kỳ QH Khóa XII kết thúc, hình ảnh những chính khách lập pháp vẫn đẹp trong lòng cử tri. Đó là hình ảnh đẹp, đẹp về phong thái, về sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm và đẹp vì sức nặng của bản lĩnh chính trị và trách nhiệm đại biểu.
So với nhiều nhiệm kỳ trước thì hiện nay, ĐBQH có nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ từ các cơ quan, đơn vị hơn. Trước khi nhiệm kỳ Khóa XIII bắt đầu, Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH đã tổ chức các Hội nghị giới thiệu về QH cho những người lần đầu tiên trúng cử ĐBQH. Có thể nói, đại biểu được trang bị những kỹ năng cần thiết, trong đó có kỹ năng xuất hiện trước công chúng, trước cơ quan truyền thông ra sao, cách trình bày vấn đề trước nghị trường, trước cử tri như thế nào. Đó là những kiến thức bước đầu rất đáng quý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt quan trọng làm nên thành công của nhiều chính khách là mỗi đại biểu cần phát huy sáng tạo, cá tính của mình để tạo dấu ấn cá nhân. Ở nghị trường, trước một vấn đề quốc gia đại sự, hay những bức xúc dân sinh, mỗi đại biểu có cách thể hiện chính kiến theo cá tính riêng. Có đại biểu thì đĩnh đạc, điềm đạm; có đại biểu mạnh mẽ, cương trực. Không có khuôn phép nào cứng nhắc cho sự xuất hiện của đại biểu ở nghị trường. Dù xuất hiện với cá tính nào thì mỗi đại biểu đều xác định được rõ mục đích của mình là xuất hiện ở nghị trường này vì ai, cho ai?
Vì ai, cho ai? Tất nhiên, câu trả lời không khó. Câu trả lời là: đại biểu phải là người thực sự gần gũi, thấu hiểu cử tri và nhân dân, thấy rõ thực tiễn cuộc sống. Đó là chất liệu chung mà mỗi ĐBQH có thể chắt lọc. Mỗi đại biểu có thế mạnh riêng, có chuyên môn, sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực ngành nghề của mình. Nhưng mọi ĐBQH đều bình đẳng, có quyền hạn và trách nhiệm như nhau; lá phiếu và lời nói của mỗi ĐBQH có cùng giá trị. Theo kinh nghiệm 9 năm trong nghề dân cử, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, mỗi ĐBQH là một người tiêu biểu và xuất sắc trong từng lĩnh vực của mình, không ai được đào tạo để trở thành ĐBQH, các hoạt động của ĐBQH là hoàn toàn mới lạ và phức tạp. Các ĐBQH dù mới trúng cử hay tái cử đều sẽ tham gia vào các quyết định cực kỳ quan trọng ngay từ những ngày đầu tiên. 5 năm làm ĐBQH không phải là quãng thời gian dài; 11 kỳ họp chính thức đều rất quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. ĐBQH – không ai có thể biết hết mọi thứ nhưng vẫn phải tham gia và thể hiện chính kiến tất cả. Do đó cần lựa chọn vấn đề theo thứ tự ưu tiên: những việc chắc chắn sẽ phát biểu, những việc có thể sẽ tham gia, những việc chỉ lắng nghe và biểu quyết...
ĐBQH có thể không phải là một nghề... Nhưng nghề làm ĐBQH lại đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao... ĐBQH có phải là một nghề hay không – điều này tùy thuộc vào ý thức và trách nhiệm của mỗi đại biểu. Khó có thể định một khuôn thức nào về lao động đặc biệt của đại biểu dân cử. Có lẽ điểm chung nhất là khi dấn thân vào con đường cơ quan dân cử, mỗi cá nhân đại biểu đều biết rằng, 5 năm trước mắt là một hành trình đầy thử thách. Đó là hành trình mà đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước cùng bước trên cùng một con đường tiến tới của sự ổn định và phát triển. Khó khăn, thách thức và cần bản lĩnh để đi qua. Và trong mỗi bước đi đại biểu luôn có sự dõi theo ủng hộ và niềm tin lớn lao mà cử tri đã trao gửi qua từng lá phiếu. Tin rằng, ĐBQH Khóa XIII sẽ kế thừa kinh nghiệm và nội lực của QH Khóa XII để tạo năng lượng mới cho cơ quan quyền lực nhà nước tối cao.
Hà An/Đại biểu nhân dân