Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 2/7/2011 23:30'(GMT+7)

Truyền thống và hiện đại trong phát triển văn hoá và con người ở nước ta hiện nay

 

Từ năm 1986, với Đại hội VI của Đảng, đất nước ta bước sang một thời kỳ lịch sử mới. Từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Đảng đã xác định phải xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng trong quá trình đó, Đảng khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, phải đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược kinh tế - xã hội. Từ các quan điểm đó càng đòi hỏi phải nhanh chóng hiện đại hóa văn hóa và xây dựng con người với tư cách là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển trong điều kiện lịch sử mới, mà đặc trưng cơ bản là xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Hiện đại hóa văn hóa và xây dựng con người Việt Nam hiện nay có liên quan đến vấn đề tư duy và tâm lý – những vấn đề cơ bản và thường ẩn sâu trong đời sống của xã hội, con người và văn hóa. Tất nhiên, biến đổi tư duy và tâm lý là một quá trình phức tạp, lâu dài, bởi nó đòi hỏi sự lặp đi lặp lại rất nhiều lần của những thử nghiệm cá nhân của nhiều người. Cơ sở của xu thế hiện đại hóa tư duy và tâm lý con người phải bắt đầu với sự mở rộng phương thức sản xuất hiện đại, phát triển giáo dục và khoa học, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống thường ngày, mở rộng dưới nhiều hình thức các mối quan hệ quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với tư duy và tâm lý, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế còn tác động tới các lĩnh vực khác của đời sống con người và văn hóa, đó là đạo đức, lối sống, văn học, nghệ thuật,… Những tác động này thường diễn ra rất nhanh, vì chúng là những hoạt động bề nổi của cuộc sống. Nhưng định hướng đúng đắn cho việc hiện đại hóa các lĩnh vực này quả không đơn giản. Kinh nghiệm chỉ ra rằng qua hơn 25 năm tiến hành đổi mới, cùng với việc kế thừa và phát huy các phẩm chất truyền thống của dân tộc, tiếp thu một số giá trị mới của nhân loại và thời đại, cũng đã xuất hiện khá nhiều nhân tố xa lạ và đáng lo ngại đối với đất nước. Toàn cầu hóa kinh tế đã kéo theo lối sống kinh tế thị trường phương Tây. Đã có không ít người từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị, xã hội, chuyển sang tuyệt đối hóa các giá trị vật chất, kinh tế; từ chỗ lấy con người tập thể, con người xã hội làm mẫu mực, chuyển sang tuyệt đối hóa con người cá nhân, thậm chí tôn sùng chủ nghĩa cá nhân… Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng vậy. Trong những năm qua, nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài đã lưu diễn ở Việt Nam. Các tác phẩm văn học nghệ thuật của thế giới, bằng nhiều cách, đã đến với công chúng nước ta. Đó là điều kiện rất thuận lợi để người Việt Nam làm quen với nghệ thuật thế giới, qua đó, nâng cao nhận thức và trình độ thẩm mỹ cho quần chúng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là một số loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang bị coi nhẹ. Số người yêu thích cải lương, tuồng chèo ngày càng ít. Do bị mất dần công chúng, sân khấu truyền thống đã dần dần “đánh mất mình” bằng việc chiều theo thị hiếu của khán thính giả. Có đạo diễn đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều tình tiết bạo lực, ngang trái, những cuộc tình tay ba tay tư đẫm lệ, hoặc đề cao tính giải trí bằng cách bày ra những trò “cù” khán giả một cách rẻ tiền… Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, hiện tượng kinh doanh nghệ thuật, thương mại hóa nghệ thuật, vi phạm bản quyền tác giả và tình trạng thẩm lậu văn hóa phẩm độc hại đang liên tục diễn ra.

Như vậy, với việc mở rộng tầm nhìn ra thế giới, đưa công chúng tiếp cận với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật thế giới, xu thế toàn cầu hóa với tính phức tạp và mặt trái của nó (và cũng do sự yếu kém trong công tác quản lý văn hóa và xã hội của chúng ta), các hoạt động văn hóa nghệ thuật đang gặp những thách thức lớn trên tất cả các phương diện sáng tác, biểu diễn, công chúng. Những thách thức này nếu không được vượt qua, sẽ tạo nguy cơ làm suy giảm các giá trị truyền thống.

Từ việc tìm hiểu bản chất của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thông qua việc đúc kết những trải nghiệm và kinh nghiệm của dân tộc ta trong những năm mở cửa vừa qua, đồng thời tiếp cận những kinh nghiệm của các quốc gia đã tiến hành hiện đại hóa, có thể rút ra một số vấn đề có ý nghĩa nhận thức và phương pháp luận như sau:

1. Toàn cầu hóa với sức mạnh của hội nhập quốc tế và của hệ thống công nghệ thông tin viễn thông toàn cầu, đã đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa cơ sở vật chất và kỹ thuật của các nước kém phát triển và đang phát triển. Khi phương thức sinh hoạt vật chất thay đổi, thì sớm muộn phương thức sinh hoạt tinh thần cũng thay đổi. Những giá trị tinh thần được dân tộc sáng tạo và tích lũy từ lâu đời, được gìn giữ trong mỗi con người và trong nền văn hóa của dân tộc đó được đưa ra thử thách. Hiện đại hóa văn hóa và quá trình xây dựng con người Việt Nam hiện nay được nẩy sinh từ đó.

2. Khái niệm hiện đại, vốn xuất phát từ tiếng La tinh: modo, nghĩa là hiện nay, là tinh thần sống liên tục trái với quá khứ. Theo nhà nghiên cứu người Nhật Ma-sa-ka-zu Y-a-ma-za-ki (Masakazu Yamazaki), thì bản chất của tính hiện đại là không được lập trình từ trước, mà chỉ có thể tiến hành theo kiểu đúng sai và chỉ có thể thay đổi dần dần. Nhận xét này có cơ sở khoa học, vì chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ. Những đổi thay của xã hội do biến động của khoa học công nghệ mang lại, diễn ra rất nhanh và dồn dập, nhiều khi nằm ngoài dự kiến của con người.

Tuy vậy, tổng kết những gì đã diễn ra trong đời sống nhân loại trong những thập kỷ gần đây, người ta vẫn có thể định lượng một phần nào tính hiện đại của một xã hội, về phương diện vật chất (ví dụ thu nhập bình quân, tỷ lệ dân số nông nghiệp và phi nông nghiệp, tuổi thọ bình quân, tỷ lệ số thanh niên được giáo dục đại học, cao đẳng,…). Tuy vậy, về phương diện tinh thần thì rất khó định lượng.

Quá trình hiện đại hóa văn hóa quá trình xây dựng con người đang diễn ra là một quá trình đầy mâu thuẫn và phức tạp. Một mặt, nền kinh tế thị trường cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển văn hóa và con người. Nhưng mặt khác, nền kinh tế thị trường với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đó đang nằm trong tay các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản, và thường xuyên bị các tập đoàn, các công ty này khống chế. Lợi ích của các công ty và tập đoàn này không phải bao giờ cũng thuận chiều với lợi ích các dân tộc.

Trong tác phẩm “Chiếc xe Lexus và cây Ôliu”, Thomas Friedman - học giả và nhà báo nổi tiếng Mỹ đã nói đến khả năng tàn phá các nền văn hóa dân tộc nếu toàn cầu hóa về kinh tế không được kiểm soát chặt chẽ. Ông viết: “Càng quan sát các hoạt động của hệ thống toàn cầu hóa, tôi càng thấy hệ thống này sản sinh những nguồn lực phát triển mạnh mẽ, cùng những khả năng đồng hóa có tốc độ chóng mặt. Và nếu không bị kiểm soát chặt chẽ, thì những nguồn lực này có tiềm năng hủy diệt môi trường và nhổ bật các giá trị văn hóa với tốc độ nhanh đến mức nhân loại chưa từng chứng kiến”(1). Đó là một lời cảnh báo cần thiết đối với tất cả các quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

3. Hiện đại hóa văn hóa và xây dựng con người bắt nguồn từ hiện đại hóa cơ sở kinh tế của xã hội. Nhưng quá trình hiện đại hóa văn hóa và xây dựng con người lại khác xa quá trình hiện đại hóa kinh tế. Một nền kinh tế hiện đại không chấp nhận sự tồn tại của bất cứ tính chất, nội dung của nền sản xuất nhỏ, của kinh tế tự cung tự cấp, của kinh tế bao cấp trước đây. Trái lại, trong vấn đề văn hóa và con người, quá trình hiện đại hóa là quá trình đi từ truyền thống đến hiện đại, hoặc hiện đại hóa trên cơ sở truyền thống. Nếu truyền thống tách rời hiện đại hóa, thì đó là truyền thống khép kín – nguồn gốc của sự trì trệ, lạc hậu. Nếu hiện đại hóa mà tách rời truyền thống, thì chắc chắn xã hội sẽ bị rối loạn, mất gốc và có thể tự tan rã. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi toàn cầu hóa kinh tế thực chất là toàn cầu hóa kinh tế tư bản chủ nghĩa, và khi các tập đoàn và các công ty tư bản đang làm chủ mạng lưới công nghệ thông tin viễn thông, thì xu thế mất gốc, lai căng, sẽ trở thành thách thức lớn nhất đối với văn hóa và con người của các quốc gia, dân tộc. Trong diễn văn đọc tại lễ phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa do UNESCO đề xuất, tiến sĩ Fédérico Mayor đã nói: Thông qua các “siêu lộ” thông tin với mạng Internet, xu thế toàn cầu hóa và tiến trình hội nhập quốc tế, một mặt tạo ra những điều kiện thuận lợi chưa từng có để các dân tộc mở mang sự hiểu biết về các nền văn hóa của nhau, mặt khác, quá trình trên cũng làm nẩy sinh mối nguy cơ ghê gớm về sự đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo các nền văn hóa, nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của cả nhân loại.

Cũng cần thấy thêm rằng, nền kinh tế hiện đại của thế giới ở thời đại chúng ta đã tạo nên những tiền đề cần thiết để phát triển văn hóa và con người. Nhưng cũng chính nền kinh tế đó đang đẻ ra những khuyết tật đe dọa sự bình an của cuộc sống. Lý do vì nền kinh tế đó đang nằm trong sự chi phối của chủ nghĩa tư bản. Nhận xét sau đây của F.Mayor đăng trên tờ “Asian Wall Street Journal” số ra ngày 26 tháng 11 năm 1991 là rất đáng quan tâm. Mayor cho rằng tư tưởng của Mác có ảnh hưởng sâu sắc đến thế kỷ XX và cả ở thời đại chúng ta. Những điều phân tích, phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX đến nay vẫn còn ý nghĩa to lớn (ví dụ bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, suy thoái đạo đức, tha hóa con người, ô nhiễm môi sinh,…). Trong dòng chảy khẩn trương và hối hả của toàn cầu hóa, nhiều giá trị chân chính đã thâm nhập, bổ sung vào sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nhưng không được phép quên rằng, không ít rác rưởi đã và đang thâm nhập khá sâu vào cơ thể xã hội, đặc biệt là lớp trẻ.

Trước tình hình đó, cùng với việc giáo dục những phẩm chất mới của con người và văn hóa hiện đại, phải đặc biệt quan tâm giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, coi đó là giá đỡ tinh thần cho việc hiện đại hóa văn hóa, chăm lo xây dựng con người Việt Nam “Giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”(2). Chúng ta có một may mắn lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cũng đồng thời là một danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của Người đã trở thành biểu tượng văn hóa mà dân tộc và nhân loại đang noi theo. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người chắc chắn sẽ chiếu sáng con đường phát triển văn hóa của dân tộc, giúp văn hóa và con người Việt Nam tiến kịp cùng thời đại./.

 GS.TS.. Trần Văn Bính

-----------------
(1) Thomas Friedman: “Chiếc xe Lexus và cây ôliu”, Nxb KHXH, H, 2005, tr.68.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.76-77.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất