Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 14/10/2008 10:56'(GMT+7)

Cần quyết liệt hơn để giảm tải cho bệnh viện

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi T.Ư

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi T.Ư

Ðể giải quyết vấn đề này cần có một giải pháp tổng thể, từ đầu tư trang thiết bị đến đào tạo cán bộ cho tuyến dưới, xây dựng các chính sách liên quan hoạt động của các bệnh viện...

Do nhiều yếu tố: mô hình bệnh tật thay đổi, đầu tư cho bệnh viện còn thấp, cơ sở hạ tầng trang thiết bị nhiều bệnh viện xuống cấp, thiếu chính sách thu hút cán bộ chuyên môn giỏi, số người bệnh dồn lên tuyến trên khám, chữa bệnh... đã gây nên tình trạng quá tải. Nó đã trở thành "căn bệnh kinh niên" của ngành y tế nhiều năm qua. Mặc dù đã có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng đến nay, tình trạng quá tải của hệ thống y tế vẫn ở mức 120%, trong đó tuyến tỉnh, trung ương là 140%. Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện cả nước có 1.062 bệnh viện công, 77 bệnh viện tư nhân với tổng số 145 nghìn giường bệnh. Số lượng giường bệnh như vậy là quá thấp so với nhu cầu. Chính vì vậy, hiện tượng nằm ghép hai, ba người/giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi T.Ư, K... là khá phổ biến. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm gây mệt mỏi cho người bệnh, gia tăng áp lực đối với cán bộ y tế và khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Ðể khắc phục tình trạng quá tải, các bệnh viện trong cả nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp giảm tải. Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lý Ngọc Kính cho biết: Hầu hết các bệnh viện đã xây dựng mở rộng khu khám, chữa bệnh, điều trị theo yêu cầu. Ðiều dễ nhận thấy là các bệnh viện đều kê tăng thêm giường bệnh so với giường kế hoạch, trung bình tăng thêm 10 đến 20%, thậm chí có bệnh viện đã kê tăng tới hơn 100%. Như Bệnh viện Nhi T.Ư tăng số buồng khám theo yêu cầu từ 16 lên 32 buồng; Bệnh viện Việt Ðức kê thêm 470 giường (chỉ có 430 giường kế hoạch) và tiến hành mổ ngoài giờ hành chính, mổ vào ngày thứ bảy; Bệnh viện Bạch Mai kê thêm 420 giường bệnh; Bệnh viện T.Ư Huế kê thêm gần 1.000 giường bệnh; Bệnh viện Chợ Rẫy kê thêm hơn 200 giường bệnh; riêng các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đã kê thêm 1.013 giường bệnh so với năm 2007... Chưa kể hệ thống y tế cơ sở cũng được tăng cường thông qua việc luân chuyển 438 CBYT tuyến trên về hỗ trợ cho y tế tuyến dưới theo "Ðề án 1816" của Bộ Y tế để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị  cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thông qua chuyển giao kỹ thuật tại chỗ. Một số bệnh viện trung ương cũng tiến hành thực hiện các dự án liên doanh, liên kết để nâng cấp, xây mới cơ sở điều trị, mua sắm trang thiết bị để tăng thêm năng lực điều trị với tổng vốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, chỉ số quan trọng nhất để giảm tải bệnh viện và giảm nằm ghép là số ngày điều trị trung bình đã được giảm  từ 0,2 đến 1,5 ngày, qua đó, nâng công suất sử dụng GB  được giảm xuống 2 - 10%, cho dù số lượng người bệnh đến điều trị tăng thêm từ 5 đến 15% so với cùng kỳ năm 2007. Mạng lưới bệnh viện tư nhân đã phát triển mạnh hơn với chín bệnh viện mới thành lập trong tám tháng đầu năm 2008 đưa tổng số bệnh viện tư nhân trên cả nước lên 77 BV với hơn 5.500 GB và hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó, các giải pháp tăng phòng khám, tăng ca, tăng giờ làm việc, tăng điều trị ngoại trú cũng đem lại nhiều kết quả tích cực.  Ðồng thời các bệnh viện tập trung nâng chất lượng khám chữa bệnh để rút ngắn ngày điều trị trung bình cho người bệnh. Qua báo cáo, các bệnh viện đã giảm ngày điều trị trung bình từ 30,2 xuống 21,2 ngày...

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng quá tải hệ thống y tế vẫn còn nhiều. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Dù đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố, song tình trạng quá tải của hệ thống y tế thành phố vẫn không giảm do số người bệnh từ các tỉnh, thành phố trong khu vực đổ về ngày càng lớn, do các cơ sở y tế liên tục đầu tư trang thiết bị y tế kỹ thuật hiện đại, cán bộ y tế có trình độ cao. Số liệu thống kê cho thấy, hiện các bệnh viện của thành phố khám, điều trị cho khoảng 40% số người bệnh cả nước với 35 triệu lượt người. Vì vậy, bác sĩ Châu cho rằng, nâng cao năng lực của hệ thống y tế tuyến tỉnh, huyện chính là yếu tố mấu chốt để giảm quá tải bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu kiến nghị, Chính phủ và Bộ Y tế xây dựng y tế vùng (mỗi vùng ba, bốn tỉnh liền kề nhau) có các chuyên khoa sâu giải quyết tại chỗ các nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, có chiến lược đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường mô hình khám, chữa bệnh ban ngày bằng cách triển khai những kỹ thuật tiên tiến xuống cơ sở.

Từ kinh nghiệm triển khai dự án bệnh viện vệ tinh cho một số tỉnh phía bắc, Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức Nguyễn Tiến Quyết cho rằng: Tình trạng quá tải hiện nay có nguyên nhân là do năng lực của hệ thống y tế cơ sở quá yếu, không đáp ứng được nhu cầu điều trị thực tế của người bệnh dẫn đến tình trạng vượt tuyến rất khó kiểm soát. Nguyên nhân của tình trạng này là do chất lượng đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến cơ sở quá yếu, không đồng đều theo nhiệm vụ, lại không có người giỏi dìu dắt, phân công cán bộ chưa phù hợp... dẫn đến tình trạng mặt bằng trình độ chuyên môn rất yếu. Thực tế cho thấy một số bệnh viện tuyến cơ sở nôn nóng triển khai kỹ thuật mới trong khi mặt bằng cơ bản quá yếu đã dẫn tới các biến chứng...

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Ðể giảm tình trạng quá tải cần phải quyết liệt với nhiều giải pháp. Tiếp tục đề xuất Chính phủ xin tăng thêm giường bệnh, xây mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng các cơ sở khám, chữa bệnh hiện có. Nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, bệnh viện ban ngày; chăm sóc sức khỏe tại nhà; tăng cường điều trị ngoại trú; giảm chỉ định nhập viện; tổ chức phòng khám điều trị các bệnh mãn tính. Ðồng thời thực hiện tốt đề án luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới. Bên cạnh đề án xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, nâng cấp hệ thống bệnh viện huyện với tổng vốn 17 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh vùng sâu, vùng xa.... thì nhân lực là một trong những vấn đề lớn nhất của công tác giảm quá tải bệnh viện. Nếu trước kia chúng ta có hơn 40 cán bộ y tế/mười nghìn dân thì nay chỉ có 32 cán bộ y tế/mười nghìn dân, sự mất cân đối cán bộ y tế giữa các khu vực, vùng miền còn lớn. Chính vì vậy, tăng cường số lượng cán bộ y tế từ hình thức cử tuyển, đến đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông... cần phải được chú trọng. Việc tăng số lượng nhưng vẫn phải duy trì được chất lượng khi khung chương trình đào tạo chưa chuẩn mực, chạy theo số lượng. Ðội ngũ giáo viên quá thiếu, lại không nhiệt tình, tâm huyết.

 Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xây dựng tiêu chí khen thưởng kịp thời cho các bệnh viện thường xuyên quá tải phấn đấu đạt các danh hiệu Bệnh viện không còn nằm ghép theo ba mức độ: có tiến bộ; cơ bản không còn nằm ghép; xóa nằm ghép./.

(Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất