Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 7/10/2008 21:21'(GMT+7)

Tình trạng nhiễm melamine trong sữa cơ bản đã được kiểm soát

Về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được tình trạng nhiễm melamine

Về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được tình trạng nhiễm melamine

Melamine không được phép có trong thực phẩm

Tại buổi họp báo, Thứ tưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết: Hiện Bộ Y tế và các Bộ liên quan đang khẩn trương để lập lại ổn định nguồn cung cấp các sản phẩm sữa an toàn cho nhân dân. Về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát được tình trạng nhiễm melamine trong sữa và nguyên liệu sữa. Tất cả các nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính thức và không chính thức từ Trung Quốc hiện đã được niêm phong chờ kết quả kiểm tra.

Tính đến chiều ngày 6/10, đã có hơn 400 mẫu sữa và sản phẩm sữa được kiểm nghiệm, trong đó phát hiện 23 mẫu có melamine. Cơ quan quản lý đã yêu cầu các nhà nhập khẩu khẩn trương thu hồi những sản phẩm này trên thị trường.

Bộ Y tế cũng khẳng định, nông dân Việt Nam không cho melamine vào nguồn nguyên liệu sữa, vì vậy sữa và các sản phẩm sữa có nguồn nguyên liệu từ Việt Nam là an toàn. Và một điều rất may mắn là cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện bệnh nhân bị phát bệnh do sử dụng sản phẩm sữa có chứa melamine.

Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, tất cả các sản phẩm phát hiện có chứa melamine khi được phát hiện sẽ bị thu hồi - kể cả những sản phẩm chỉ bị nhiễm melamie với hàm lượng rất thấp. Chủ trương này sẽ được duy trì cho đến khi có một hướng dẫn chính thức của quốc tế.

Cũng theo Bộ Y tế, melamine chưa bao giờ được công nhận là một chất có trong thực phẩm, vì thế, cũng chưa bao giờ có một nghiên cứu nào, một báo cáo chính thức nào cho thấy hàm lượng melamine có trong sữa là bao nhiêu thì an toàn. Những tài liệu trên mạng internet về các chỉ số, hàm lượng melamine ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng chỉ có tính chất tham khảo.

Đại diện của tổ chức FAO cũng cho biết, mục tiêu được đặt lên hàng đầu luôn là sức khỏe con người. Hiện có một số nước đã cho phép melamine có mặt trong dây chuyền chế biến thực phẩm, và FAO cùng WHO đang làm việc một cách tích cực nhất để có thể đưa ra một tiêu chuẩn về mức cho phép melamine trong dây chuyền sản xuất.

Để tiếp tục kiểm soát tốt tình trạng melamine, WHO đang phối hợp với Bộ Y tế nâng cao năng lực cho cán bộ bằng cách cử 2 chuyên viên sang Singapore để đào tạo kỹ thuật kiểm nghiệm malamine.

Cho phép doanh nghiệp tự lấy mẫu: Giải quyết vấn đề thị trường

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và đại diện WHO, FAO tại buổi họp báo - ảnh: MD

Theo Bộ Y tế, hiện hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất sữa và sản phẩm sữa đã được thanh tra hoặc tự mang mẫu kiểm nghiệm và tự công bố kết quả. Với 22 phòng kiểm nghiệm đủ năng lực và điều kiện kỹ thuật, các doanh nghiệp được Bộ Y tế cho phép chủ động lấy mẫu đem đi kiểm nghiệm theo đúng quy trình được Bộ Y tế quy định. Các doanh nghiệp này sẽ tự công bố kết quả và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố chất lượng sản phẩm. Bộ Y tế cho rằng, đây là một cơ chế linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính không bị thiệt thòi do tình trạng thiếu thông tin về chất lượng sữa dẫn đến sự hoang mang, tẩy chay của người tiêu dùng đối với cả các sản phẩm an toàn.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm tiền kiểm và hậu kiểm nguồn nguyên liệu và sản phẩm sữa mà các doanh nghiệp đã công bố.

Sau khi các doanh nghiệp tự kiểm tra, lấy mẫu, Bộ Y tế sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra định kỳ. Nếu nghi ngờ, Thanh tra Bộ sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm lại. Trong trường hợp phát hiện có sự gian dối về công bố chất lượng, các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm “rất lớn”.

Về việc gần đây các doanh nghiệp phản ảnh một số kết quả kiểm nghiệm của Thanh tra Bộ Y tế không đồng nhất với kết quả mà doanh nghiệp tự mang mẫu đi kiểm nghiệm, ông Cao Minh Quang cho biết, Bộ Y tế đã chọn 3 trung tâm làm “trọng tài”. Đó là Trung tâm kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực Phẩm thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia, Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TT3) và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh. Kết quả do 3 cơ sở này thực hiện sẽ được Bộ Y tế chính thức công nhận. Trong trường hợp các doanh nghiệp vẫn còn thắc mắc về mẫu kiểm nghiệm tại 1 trong 3 trung tâm trên thì có thể lấy lại để gửi tới 2 trung tâm còn lại để xét nghiệm.

Xử lý sản phẩm sữa nhiễm melamine: Chờ báo cáo Chính phủ

Theo kết quả kiểm tra, hiện đã có 23 sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa được phát hiện có melamine. Ngòai ra, trong lúc kiểm tra còn một số sản phẩm sữa đã quá hạn sử dụng. Số sản phẩm này hiện đang được niêm phong và lưu giữ trong kho. Theo ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, sản phẩm sau khi thu hồi sẽ được giải quyết như thế nào là một bài toán khó. Hiện Bộ không có thẩm quyền giải quyết việc chuyển đổi mục đích sử dụng (ví dụ dùng sữa không đảm bảo chất lượng làm thức ăn cho gia súc). Bộ Y tế sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý sản phẩm này. Riêng các sản phẩm sữa của công ty Yili và các loại sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế đã ra quyết định thu hồi và tiêu thủy ngay lập tức.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về công tác kiểm ta, ngăn chặn những sản phẩm có chứa các chất nguy hiểm cho sức khỏe, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: Từ nay, việc công bố, kiểm tra chỉ tiêu về melamine đã là một tiêu chuẩn chỉ điểm vệ sinh và sẽ được bắt buộc áp dụng. Còn với các chất độc hại khác chưa biết, Việt Nam sẽ phải cập nhật các thông tin khoa học, chính sách quốc tế để thừa nhận và áp dụng. Theo ông Khẩn, chính sách của Việt Nam là phải vừa cập nhật vừa tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và công bố của các doanh nghiệp là trách nhiệm tối cao đối với người tiêu dùng./.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất