Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, đặc biệt là BHXH cho người nghèo, cận nghèo là một chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, vì đây là đối tượng khó khăn, không có tiền tích lũy nên cần khoản lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già. Mức hỗ trợ đóng hiện nay là 30% đối với hộ nghèo và 25% đối với hộ cận nghèo trên mức đóng hằng tháng theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, thế nhưng nhiều người dân nghèo vẫn chưa biết hoặc không mấy mặn mà với chính sách này.
Công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Người nghèo, cận nghèo, lao động nông thôn thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, sau 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay có gần 300.000 người tham gia, trong đó số người nghèo và cận nghèo là đối tượng chính cần quan tâm nhất để trợ giúp họ khi về già thì lại rất ít người tham gia. Việc tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua chủ yếu là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đang bảo lưu hoặc người có thu nhập ổn định và ở mức trung bình trở lên.
Chị Nguyễn Thị Hường, thuộc hộ nghèo ở xã Yên Lạc (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết: “Tôi biết được tham gia BHXH tự nguyện thì khi về già sẽ có lương hưu, được cấp thẻ BHYT, khi qua đời được trợ giúp tiền mai táng phí và tử tuất. Tuy nhiên, thực tế lao động thuần nông chỉ bảo đảm cho cuộc sống trước mắt nên dù biết Nhà nước có hỗ trợ như vậy thì tôi vẫn chưa thể tham gia”. Còn anh Đinh Văn Bảy, ở xã Ninh Hòa (Ninh Giang, Hải Dương), làm phụ hồ ở địa phương, cho biết anh không hiểu nhiều và cũng chưa thể tham gia BHXH tự nguyện vì công việc, thu nhập bấp bênh.
Theo nhiều chuyên gia về BHXH, ngoài nguyên nhân khách quan là do thu nhập thấp, chưa ổn định, còn có nguyên nhân là công tác tuyên truyền của ngành chức năng chưa sát, chưa hiệu quả, nhất là ở vùng nông thôn, vì thế nhiều người dân còn rất mơ hồ, chưa thấy được lợi ích của BHXH tự nguyện để tự giác tham gia. Ngoài ra, việc huy động đối tượng này cũng còn gặp khó khăn do người dân chưa có thói quen tham gia bảo hiểm nói chung, BHXH nói riêng-tích lũy khi trẻ để hưởng thụ khi già hoặc phòng khi gặp rủi ro trong cuộc sống; cấp ủy, chính quyền cơ sở cấp xã, phường, tổ dân phố còn thiếu sự cộng tác vì coi đây là trách nhiệm của ngành BHXH; thời gian đóng BHXH tự nguyện còn quá dài (20 năm).
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã xác định mục tiêu để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân, nêu rõ mục tiêu cụ thể về việc thực hiện BHXH cho đối tượng là lao động nông thôn và khu vực phi chính thức… Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, để triển khai thực hiện Nghị quyết 28, BHXH Việt Nam đã coi đây là nhiệm vụ cốt yếu và có những chương trình hành động cụ thể, như: Tăng cường tuyên truyền đến tận người dân để tạo chuyển biến trong nhận thức; tăng cường mạng lưới, đào tạo kỹ năng cán bộ tiếp cận, vận động, giải thích; cải cách thủ tục hành chính; tham mưu Chính phủ giao chỉ tiêu cho chính quyền địa phương; đồng thời chỉ đạo BHXH địa phương đề nghị ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng, vận động doanh nghiệp, tổ chức từ thiện dành thêm một khoản kinh phí để hỗ trợ mức đóng cho người nghèo, người cận nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện….
Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Bích Hồng, Trưởng khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động Xã hội cho biết: “Để thu hút được người nghèo, người cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Thứ nhất, Nhà nước có thể tăng mức hỗ trợ đóng cho người nghèo và người cận nghèo hơn mức hiện nay vì thu nhập của họ còn thấp để khuyến khích, tăng độ bao phủ, sau đó giảm dần mức hỗ trợ để tránh tình trạng ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Thứ hai, cần có sự ràng buộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương từ tỉnh đến xã, như: Giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, gắn với chỉ tiêu phát triển của địa phương. Thứ ba, phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp chính quyền xã, phường, thôn, bản để xây dựng được đội ngũ cán bộ BHXH thực hiện “nhiệm vụ” khai thác chuyên nghiệp, hỗ trợ thủ tục tham gia BHXH lần đầu tới tận thôn, bản, xã, phường. Thứ tư, về lâu dài cần bổ sung quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện vì BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa thiết thực với họ vì phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT, còn trong lúc chưa đủ năm đóng lại không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn, thai sản, BHYT, do đó người dân còn so sánh với đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Một tương lai không chỗ dựa với hàng triệu người nghèo và cận nghèo ở nông thôn không có điểm tựa an sinh khi về già sẽ là thách thức cho an sinh xã hội. Vì vậy, để họ có thể hiểu và tham gia BHXH tự nguyện là khoảng trống cần lấp đầy trong thời gian tới.
Kim Dung/QĐND.VN