Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 16/10/2013 21:41'(GMT+7)

Chú trọng minh bạch và trách nhiệm giải trình

Hội thảo “Định hướng sửa đổi luật ngân sách Nhà nước – Kinh nghiệm quốc tế” do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức.

Hội thảo “Định hướng sửa đổi luật ngân sách Nhà nước – Kinh nghiệm quốc tế” do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức.

Luật NSNN sau 9 năm thi hành (từ 2004) được đánh giá là đã có nhiều tác động tích cực làm chuyển biến các hoạt động thu, chi NSNN. Tuy nhiên, quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và trước yêu cầu đổi mới để hội nhập, luật này đang bộc lộ những bất cập.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, những bất cập của Luật NSNN hiện hành đã khiến hệ thống NSNN còn mang tính lồng ghép dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo; quy trình ngân sách phức tạp; phạm vi thu, chi NSNN chưa rõ ràng; việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chưa phù hợp; căn cứ xây dựng dự toán NSNN chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra; quy định về trách nhiệm giải trình trước các cơ quan dân cử chưa cụ thể; tính công khai, minh bạch trong quản lý NSNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế... cần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Mặt khác, việc sửa đổi Hiến pháp cũng đang đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về NSNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách được quy định trong Hiến pháp.

Tại một cuộc hội thảo mang tính định hướng về sửa đổi Luật NSNN mới đây, các chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nước phát triển cho rằng, quá trình sử Luật NSNN nên tham khảo những bài học kinh nghiệm về cải cách NSNN của các quốc gia trên thế giới đã thành công như việc can thiệp ngân sách cụ thể, đặc biệt trong hỗ trợ tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế; sử dụng các công cụ thuế giúp giảm tình trạng bất bình đẳng thông qua cung cấp kinh phí cho các dịch vụ địa phương; các phương thức chuyển đổi tài chính minh bạch cho chính quyền địa phương; hướng dẫn và chỉ số giúp theo dõi tiến độ nhằm cải thiện chất lượng phân bổ NSNN cấp tỉnh; các cách tăng cường mình bạch và chia sẻ thông tin cũng như việc giám sát ngân sách...

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam: “Ngân sách là công cụ chính sách quan trọng nhất nhằm hoàn thành các mục tiêu quốc gia, phải đảm bảo công bằng, bình đẳng trong phân bổ. Các cơ quan dân cử cần phải được thực hiện đầy đủ thẩm quyền về ngân sách cũng như quyết định cách thức phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia đảm bảo việc sử dụng một cách có trách nhiệm. Việc hoạch định chính sách cần phải lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, nhất là ý kiến của phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, người nhiễm HIV, dân tộc thiểu số, những người sống ở vùng sâu, vùng xa... qua đó để đưa ra những quyết định trong việc phân bổ và chi tiêu nguồn lực tài chính quan trọng của đất nước một cách phù hợp”.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Luật NSNN đang trong tiến trình điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam, hài hòa hóa với các thông lệ và chuẩn mực của quốc tế. Quốc hội và các cơ quan Chính phủ đang nỗ lực thực hiện tham vấn ý kiến ở các cấp, các cơ quan, ban ngành và các chuyên gia nhằm thu thập, tổng hợp các ý kiến hữu ích sử dụng cho quá trình chỉnh sửa Luật NSNN. Những ý kiến góp ý thông qua các kênh khác nhau là những căn cứ quan trọng giúp cho cơ quan chức năng tiến hành sửa đổi, hoàn chỉnh Luật NSNN mới phù hợp, hiệu quả hơn, đặc biệt tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong trong các vấn đề về NSNN.../.

Quỳnh Chi
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất