Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 16/10/2013 22:49'(GMT+7)

Đẩy nhanh phát triển vận tải đô thị khối lượng lớn

Phương tiện vận tải công cộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam chủ yếu vẫn là xe buýt chậm.

Phương tiện vận tải công cộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam chủ yếu vẫn là xe buýt chậm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến 2013, Việt Nam có khoảng 37 triệu phương tiện giao thông, trong đó có tới trên 35 triệu là phương tiện cá nhân (chủ yếu là mô tô, xe gắn máy). Tỷ lệ phương tiện cá nhân cao cùng với hạ tầng giao giao thông đô thị ở Việt Nam còn nhiều bất cập, mật độ tham gia giao thông dày đặc các phương tiện cá nhân nên ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Tại một diễn đàn đề cập đến các giải pháp kinh doanh xanh diễn ra ở Hà Nội gần đây, một số chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra dự báo rằng, đến năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị ở Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 43% tổng dân số cả nước (hiện tại khoảng 34%). Bình quân từ nay đến năm 2030, mỗi năm dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu người chuyển đến sống ở các đô thị. Dân số đô thị tăng nhanh kéo theo nhu cầu vận chuyển, đi lại ngày càng tăng cao tiếp tục tạo nên những áp lực rất lớn về phát triển hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Trong khi đó, phương tiện vận tải công cộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam chủ yếu vẫn là xe buýt chậm, vận chuyển khối lượng nhỏ, tần suất hoạt động rất cao tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng hiệu quả còn rất thấp, mới chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Mặc dù chính quyền Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp cải thiện và nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư phát triển các tuyến xe buýt công cộng, song những nỗ lực này vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Để giải quyết những thách thức đang đặt ra, ngoài việc tăng quỹ đất đô thị cho giao thông và các giải pháp phát triển giao thông bền vững khác, các chuyên gia về hoạch định chính sách ở châu Âu cho rằng, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao như đường sắt đô thị, xe điện ngầm... có thể sẽ giúp Việt Nam giải quyết được khoảng 25% - 30% nhu cầu đi lại của người dân đô thị trong giai đoạn tới.

Hiện tại, một vài dự án đường sắt đô thị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội có tính khả thi đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị hiện đại trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội đang được triển khai cần nhanh chóng giải quyết kịp thời các vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công để sớm hoàn thành đưa vào vận hành. TP. Hồ Chí Minh cần khẩn trương xúc tiến các bước tham vấn về chuyên môn cũng như các vấn đề liên quan khác để sớm khởi công xây dựng các tuyến xe buýt nhanh vào năm 2014 và tiếp theo đã được Chính phủ phê duyệt (xe buýt nhanh có khả năng vận chuyển đạt 200 chỗ hành khách, tốc độ 40 km/h gấp đôi xe buýt hiện nay vì có làn đường riêng); đồng thời xúc tiến hiện thực hóa các dự án đường sắt đô thị có tính khả thi để triển khai tương tự ở Hà Nội.

Ngoài việc phát triển các tuyến xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, các chuyên gia châu Âu cho rằng, phát triển các tuyến tàu điện ngầm (metro) cũng là một lựa chọn hiệu quả cho vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện tại cũng như trong tương lai. Tàu điện ngầm có thể chuyên chở khối lượng rất lớn, đạt tới 2 triệu lượt hành khách/ngày, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, rất phù hợp với quá trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững. Vì vậy, các nghiên cứu khả thi phát triển các tuyến metro cũng như việc xúc tiến các bước tìm kiếm các nguồn vốn vay từ các định chế tài chính để xây dựng cần được quan tâm thúc đẩy nhanh, kịp thời để triển khai.../.

Việt Anh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất