Thứ Ba, 1/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 24/2/2011 21:33'(GMT+7)

Cần tiếp tục mở rộng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Đ/c Hà Thị Khiết phát biểu tại hội nghị

Đ/c Hà Thị Khiết phát biểu tại hội nghị

Sáng 24/2, Hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000-2010) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội .

Tới dự Hội nghị có đồng Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và hơn 1000 đại biểu là các cá nhân, đại diện các tập thể đạt thành tích tốt trong 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Hội nghị là dịp để đánh giá thực trạng tình hình 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời thống nhất mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện phong trào đến năm 2015.

Trong Báo cáo tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nêu rõ: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp ủy, chính quyền, các nghành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện; được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, nên ngày càng phát triển sâu rộng trong cả nước, đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Qua 10 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của quần chúng, ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện và sâu sắc, khẳng định sự đúng đắn về chủ trương phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Nhiều giá trị văn hóa, các quy định phát luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thâm nhập vào đời sống đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và cá nhân. Vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy. Phong trào cũng đã thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thông qua các phong trào có nội dung văn hóa cụ thể đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hóa – xã hội một cách bền vững.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở nhiều nơi còn bộc lộ những yếu kém cần được nhanh chóng khắc phục. Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; chất lượng các phong trào cụ thể trong phong trào còn nhiều yếu kém: Việc xét công nhận gia đình văn hóa nhiều nơi chưa chặt chẽ; nhiều làng, thôn, tổ dân phố văn hóa sau khi nhận được công nhận có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, truyên truyền... ; Nhiều nội dung văn hóa trong phong trào chưa được thực hiện đầy đủ, kết quả đạt được còn thấp.

Tại hội nghị, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011-2015”. Mục tiêu tổng quát được đặt ra là: cần tiếp tục mở rộng và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các khu vực địa bàn trong cả nước; nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào cụ thể là các nội dung văn hóa. Gắn thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; xây dựng văn minh đô thị, giải quyết những bức xúc trong đời sống văn hóa – xã hội và xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người; kế thừa và phát huy tính cộng đồng trong truyền thống văn hóa Việt Nam; đồng thời bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phát huy các nhân tố văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước trong giai đoạn 2011 -2015.

Hội nghị cũng đã nêu lên các tiêu chí phấn đấu thực hiện phong trào trong giai đoạn 2011 -1015: 70% gia đình được công nhận và giữ danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng, thôn, ấp, bản..., tổ dân phố, khu phố, cụm dân cư... được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; 70% Đơn vị (cơ quan, công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, gọi chung là Đơn vị) đạt chuẩn văn hóa; 10% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 30% trở lên người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

Nhiệm vụ chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 – 2015” là cần phát triển rộng khắp, đồng đều ở các khu vực, vùng miền; Xây dựng “Người tốt, việc tốt”; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; phát huy vai trò cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới; xây dựng công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng...

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã nhiệt liệt biểu dương những thành quả của các cấp, các ngành đã đạt được trong 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đồng chí nêu rõ: văn hoá là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực và là sức mạnh nội sinh của sự phát triển trong quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của đất nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được bắt nguồn từ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, một trong những truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta. Trong những năm qua, phong trào luôn được triển khai và thực hiện sâu rộng trên khắp các khu vực, các vùng miền, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn và tạo điều kiện nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phong trào có vai trò đặc biệt quan trọng, làm thay đổi diện mạo đời sống, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hoá và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá trong giai đoạn mới. Làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng đại bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã bộ lộ không ít những yếu kém mà Ban Chỉ đạo Trung ương đã nghiêm túc chỉ ra trong báo cáo tổng kết.

Để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, đồng chí Hà Thị Khiết đề nghị các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với phong trào; đưa việc thực hiện phong trào vào kế hoạch nhà nước hàng năm và các cấp chính quyền; các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp cần thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công, coi đây là trách nhiệm chính trị của mình trước nhiệm vụ phát triển văn hoá trong thời kỳ mới; đa dạng hoá các nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động quần chúng, phù hợp với đặc điểm, đối tượng người dân ở các khu vực, vùng miền. Ban Chỉ đạo cần tăng cường sự chỉ đạo tập trung thống nhất của tập thể và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan thành viên. Đặc biệt, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch các cấp cần chủ động phối hợp với UBTƯMTTQVN cùng cấp chỉ đạo và thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư"; gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá. Phối hợp với Liên đoàn Lao động các cấp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng đời sống văn hoá cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị sẽ tiếp tục lắng nghe những tham luận của các đại biểu đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, để nâng cao chất lượng của phong trào trong những năm tới.

Vương Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất