(TG)-Thời gian gần đây các loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm đang có dấu hiệu bùng phát, đặc biệt là các chủng vi rút cúm gia cầm mới rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ con người dân cũng như gây thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế, du lịch và ngành chăn nuôi. Mặc dù, công tác chống dịch có nhiều cố gắng nhưng dịch vẫn ngày càng lây lan phức tạp. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như do đội ngũ cán bộ làm công tác thú y địa bàn còn mỏng, tập quán chăn nuôi thả rông của người dân, việc tiêm phòng ngừa dịch và công tác ngăn chặn, dập dịch có nhiều bất cập, yếu kém.
Tuy nhiên, ở gốc độ bài viết này, chỉ đề cập đến những bất cập trong việc tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiện nay. Đó là người chăn nuôi hiện nay phải tự tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm của mình, chỉ khi nào dịch bùng phát hoặc có nguy cơ bùng phát dịch bệnh liên quan thì cơ quan thú y mới vào cuộc tiêm phòng giúp cho dân.
Đơn cử như gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 5 con gà mái để lấy trứng cũng rất muốn tiêm vắc-xin cho chúng nhưng từ trước đến nay chưa thấy tổ dân phố thông báo tiêm vắc-xin cho gia cầm bao giờ. Tôi từng hỏi người dân trong tổ dân phố nhiều người cũng có ý kiến tương tự, nhiều nhà nuôi nhỏ lẻ đều muốn tiêm phòng cho gia cầm nhưng do cơ quan chức năng không tổ chức hoặc không biết tiêm ở đâu nên đành chịu.
Tổ chức tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm đang nuôi ở các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ là rất cần thiết. Bởi vì, do số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm ít, nhất là đối với người dân ở nông thôn thì nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế nên thường chủ quan, không tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm hoặc muốn tiêm cũng chẳng biết tiêm thế nào, tiêm ở đâu...
Việc tiêm vắc-xin phòng chống các dịch bệnh trên các gia súc, gia cầm là rất quan trọng, nhất là đối với các loại dịch cúm gia cầm có thể lây lan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng con người. Do đó, ngoài các biện pháp phòng ngừa đang triển khai hiện nay, các cơ quan chức năng cần tìm đến người dân để tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, cần tổ chức các điểm tiêm phòng vắc-xin thường trực hoặc định kỳ để tạo điều kiện cho người dân có thể mang gia súc, gia cầm đến tiêm phòng.
Thực hiện tốt các biện pháp trên đảm bảo công tác tiêm vắc-xin phòng chống các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sẽ đạt kết quả cao. Đồng thời, góp phần tích cực nhằm ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh đang tình trạng lây lan, bùng phát và đang có xu hướng kéo dài, gia tăng phức tạp nghiêm trọng như hiện nay./.
Vĩnh Linh