Thực tế cho thấy, sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, các
tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng, góp
phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân; giúp địa phương
hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Những năm qua, một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (công tác tuyển quân). Thực tế cho thấy, sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân; giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại TP. Cần Thơ, đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu công tác tuyển quân ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ trương xã hội hóa công tác này được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Trước mỗi đợt giao quân, lãnh đạo các sở, ngành: Quân sự, công an, y tế, giáo dục và đào tạo được phân công bám sát cơ sở, tăng cường chỉ đạo công tác phúc tra chất lượng sức khỏe, trình độ học vấn, đạo đức, chính trị của thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự được các ngành, các cấp phối hợp thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức mới. Các ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở chịu trách nhiệm nắm chắc nguồn tuyển quân; tích cực vận động, tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thanh niên an tâm lên đường nhập ngũ.
Cấp ủy, chính quyền TP. Cần Thơ luôn khuyến khích, ủng hộ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác chính sách đối với gia đình và thanh niên chuẩn bị nhập ngũ. Trong năm 2013, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp của TP. Cần Thơ đã vận động kinh phí, tổ chức xây dựng 34 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 74 căn nhà cho gia đình thanh niên nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ mỗi thanh niên lên đường nhập ngũ 1 triệu đồng, xét khen thưởng cho 191 gia đình tiêu biểu trong công tác tuyển quân. Đối với quân nhân xuất ngũ, tổ chức Đoàn phối hợp với doanh nghiệp và địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ được đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác tuyển quân nên chất lượng giao quân của TP. Cần Thơ ngày càng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước, số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng và đảng viên tình nguyện nhập ngũ ngày càng tăng. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân được phát huy mạnh mẽ; từng thành viên trong Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp ngày càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình.
Đối với từng địa phương, công tác tuyển quân hằng năm được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế, ở nơi này nơi khác, vẫn còn tình trạng một số địa phương “khoán trắng” công tác tuyển quân cho cơ quan quân sự. Và như thế, chắc chắn chất lượng, hiệu quả công tác tuyển quân sẽ không được như mong đợi.
Trong giai đoạn hiện nay, xã hội hóa công tác tuyển quân là một chủ trương đúng, rất cần được các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu vận dụng./.
Hồng Bỉnh Hiếu (QĐND)