Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 25/6/2011 16:20'(GMT+7)

Cần "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân"

Cán bộ, đảng viên VPQH học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội XI. Ảnh- Chinhphu.vn.

Cán bộ, đảng viên VPQH học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội XI. Ảnh- Chinhphu.vn.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo" (1); "Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân" (2).

Bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nước ta thể hiện ở chỗ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và ngày càng thể hiện sinh động trong hiện thực. Mọi quyền lợi của nhân dân đều được tôn trọng, bảo đảm; nhân dân được sống tự do, hạnh phúc trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, có quyền đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến của mình cho Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã và đang thể hiện sâu rộng trong đời sống xã hội đất nước. Tuy nhiên, những vấn đề và thiết chế dân chủ cơ bản đó sẽ chẳng thể thực hiện có hiệu quả; phương châm trên cũng sẽ chỉ là câu khẩu hiệu, mệnh đề "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" sẽ mất đi ý nghĩa thực tế, nếu chúng ta không thực hiện tốt việc "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân". Vì thế, vấn đề "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân" đã đến lúc phải được quan tâm đặc biệt, phải được nhận thức đúng và thực hiện tốt.

Nhấn mạnh vấn đề "tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân" tuy không phải hoàn toàn là mới, nhưng thực sự là một khâu đột phá trong nhận thức và thực thi dân chủ ở nước ta hiện nay. Điều đó phải được thể hiện rõ ràng ở thái độ, hành động và việc làm vì dân thiết thực cụ thể của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt ở địa phương cơ sở. Thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, xa dân, xem thường dân, thậm chí "sợ" dân là trái với nhận thức và quan điểm của Đảng ta về nhân dân.

Chúng ta đã nói nhiều đến: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân là động lực của cách mạng; nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rõ hơn nội hàm của luận điểm căn bản này là còn bao gồm cả việc chính nhân dân là người thụ hưởng thực tế những thành quả của cách mạng. Chỉ hô hào, kêu gọi nhân dân phấn đấu thực hiện đường lối, chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhưng lại không chú ý đúng mức đến cuộc sống hằng ngày, miếng cơm, manh áo, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thì đó là hành động trái với quan điểm của Đảng ta về quần chúng nhân dân, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân.

Cần nhận rõ rằng, nhân dân trình bày nguyện vọng, đóng góp ý kiến, kể cả khiếu kiện đều là biểu thị quyền làm chủ của mình nhằm bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền, là nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, bảo đảm tốt hơn quyền làm chủ của mình. Không thể đổ lỗi cho nhân dân khiếu kiện mà phải đặt câu hỏi tại sao dân khiếu kiện, cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức đã làm gì để dân khiếu kiện (tất nhiên phải loại trừ sự lợi dụng khiếu kiện để gây rối, làm mất đoàn kết, mất trật tự xã hội). Thái độ thực sự tôn trọng nhân dân, vì nhân dân sẽ là "con mắt tinh tường" giúp cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền phân biệt đâu là nguyện vọng chính đáng, đâu là hành động lợi dụng, gây rối.

Không tôn trọng nhân dân sẽ dẫn đến nhận thức méo mó, sai lệch về nhân dân, không thể phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân đối lập hoàn toàn với thái độ không đúng, vô trách nhiệm ở một số người, dù biết những ý kiến, những đề đạt nguyện vọng, đặc biệt là về lợi ích kinh tế, vật chất của nhân dân là hợp pháp, hợp lý, chính đáng, nhưng vẫn "phớt lờ", thậm chí cố tình "quy chụp" cho là chống đối, gây rối ở một số nơi hiện nay, nhất là trong thực hiện một số dự án kinh tế - xã hội, trong vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đất đai.

Yêu cầu của việc tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân là phải "biết lắng nghe" và "biết thực hiện", nghĩa là phải biết tiếp thu, sửa chữa và thực hiện theo những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hiện nay, "quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội" (3). Tính chất "tinh vi, phức tạp" của quan liêu, tham nhũng làm cho việc phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, tích cực - tiêu cực trong không ít trường hợp trở nên rất khó khăn. Trong điều kiện đó, vấn đề "biết nghe", "biết thực hiện" ý kiến, nguyện vọng của nhân dân càng phải đặt lên cao và gay gắt đối với mọi cán bộ, đảng viên và các cấp ủy đảng, chính quyền.

Theo quan điểm của Đảng, "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân" hoàn toàn xa lạ với những biểu hiện "nói mà không làm", "nói không đi đôi với làm", "nói một đằng, làm một nẻo", "hứa suông", "để ngâm"; đùn đẩy trách nhiệm, cấp phường, xã đẩy lên cấp quận, huyện, lại đẩy lên cấp tỉnh, rồi lại đẩy lên trung ương. Những sự việc đùn đẩy từ dưới lên trên và trên chỉ thị xuống dưới kéo dài nhiều tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm, mà nguyện vọng của nhân dân vẫn không được giải quyết là sự biểu hiện rõ ràng về sự thiếu "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân", là sự vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm méo mó mệnh đề "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" của Đảng trong thực tiễn.

Để bảo đảm "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân", chúng ta cần phải làm nhiều việc, song điều quyết định là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức thực sự trong sạch, có năng lực, đáp ứng yêu cầu, thực sự là “công bộc”, là "đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Những cán bộ, công chức mang tư tưởng "quan cách mạng", thiếu trách nhiệm, thì không thể có thái độ tôn trọng và biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, cần phải kiên quyết loại bỏ.

Quan điểm đúng đắn của Đảng: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân” (4) cần phải được nhận thức đúng và quán triệt sâu sắc trong xây dựng và thực thi dân chủ ở tất cả các cấp hiện nay. Cần phải có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình và phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội. 

Vấn đề quan trọng đặt ra là, chúng ta phải xây dựng và thực hiện được "các thiết chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" (5); thực hiện cơ chế, quy chế tiếp thu và sửa chữa theo ý kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thực tiễn, gắn với chế tài ngăn chặn và xử phạt mọi sự vi phạm. Cần phải đưa vấn đề "tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân" thành nguyên tắc và phương châm trong các cơ chế, thiết chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan công quyền, trong rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị, nhất là ở địa phương cơ sở./.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng
Viện Khoa học - Xã hội và Nhân văn quân sự

__________________________________
(*) Nguồn: QĐND

(1) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 85.

(2) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 86.

(3) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 172.

(4) -Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 65.

(5) - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 247


 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất