Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 21/6/2011 8:30'(GMT+7)

Lựa chọn nhân tài làm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước là trách nhiệm trước cử tri và nhân dân của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN.

 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá trước triệu tập chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất mỗi khoá Quốc hội, Quốc hội bầu Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu để giúp Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội đã được bầu. Tại kỳ họp này Quốc hội có trách nhiệm lựa chọn bầu các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước.

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quy định: Kỳ họp thứ nhất mỗi khoá Hội đồng nhân dân được triệu tập chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại phiên họp đầu tiên kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Hội đồng nhân dân bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu để giúp Hội đồng nhân dân xác nhận tư cách các đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu. Tại kỳ họp này Hội đồng nhân dân có trách nhiệm lựa chọn bầu các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước cùng cấp.

Như vậy, chương trình hoạt động tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chủ yếu là lựa chọn để bầu các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước cùng cấp. Việc lựa chọn để bầu người đứng đầu cơ quan Nhà nước được cử tri và nhân dân rất quan tâm, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Bởi lẽ Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ thống nhất việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước, đảm bảo hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở bảo đảm việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo công tác của Chính phủ quyết định các chủ trương biện pháp để lãnh đạo và điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ. Uỷ ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan Nhà nước cấp trên. Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện chính sách pháp luật và các chủ trương biện pháp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân có chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và nhân dân ở địa phương.

Như vậy. cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện cải cách nền hành chính với những nội dung chủ yếu là cải cách thể chế chính sách bao gồm cả thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và cải cách tài chính công. Tuy nhiên nhân tố quyết định thắng lợi của cải cách nền hành chính vẫn là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Ở nước ta, cử tri không trực tiếp bầu các chức danh lãnh đạo của cơ quan Nhà nước mà do đại biểu dân cử bầu ra. Vì vậy cử tri và nhân dân gửi gắm lòng tin vào các đại biểu dân cử mới được cử tri tín nhiệm bầu ra. Cử tri và nhân dân mong muốn việc bầu chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước lần này cần kế thừa kinh nghiệm của Đại hội lần thứ XI của Đảng, của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vừa qua, để đại biểu có cơ hội lựa chọn người lãnh đạo nhất là người đứng đầu cơ quan Nhà nước.

Cử tri và nhân dân hy vọng tại kỳ họp thứ nhất của các cơ quan dân cử, các đại biểu sẽ sáng suốt lựa chọn được những người có đức, tài làm lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp. Như vậy sẽ góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.


LUẬT SƯ Trần Ngọc Nhẫn/Đại đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất