Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đều khẳng định, Việt Nam nằm ở khu vực ít có nguy cơ động đất (ĐĐ) lớn và tần suất diễn ra thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc những trận ĐĐ mạnh và dư chấn của nó diễn ra tại Nhật Bản từ ngày 11-3 đến nay, đặc biệt là hiện tượng sóng thần, sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nước ta sẽ tránh được những thảm họa khi công tác cảnh báo, phòng ngừa thảm họa hiện chưa nhận được sự quan tâm từ cộng đồng.
Việt Nam nằm ngoài vùng chịu ảnh hưởng
GS-TS Nguyễn Đình Xuyên (Viện KHCN Việt Nam) cho biết, Trái đất hiện có ba vành đai ĐĐ chính. Trong số này, vành đai Thái Bình Dương (TBD) là đới hoạt động địa chấn mạnh nhất. Nếu đánh giá về mặt năng lượng ĐĐ, thì khoảng 75-80% tổng năng lượng ĐĐ đã giải tỏa tại đới này. Các trận ĐĐ có chấn tâm ở đáy đại dương xảy ra trên vành đai ĐĐ TBD là nguyên nhân trực tiếp gây ra những cơn sóng thần tàn phá nhiều quốc gia ven bờ. Trận ĐĐ và sóng thần vừa diễn ra tại Nhật Bản nằm trong đới ĐĐ nêu trên.
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thủy (Viện Vật lý địa cầu), sóng thần là sóng nước biển sinh ra do cộng hưởng liên quan đến hoạt động địa chấn dưới đại dương hay các quá trình địa chất khác như núi lửa phun trào, trượt lở đất đáy biển, hoạt động thủy văn tác động ở đại dương. Phần lớn sóng thần được sinh ra do các trận ĐĐ lớn, có chấn tiêu nông. Hơn 2.000 năm qua, ĐĐ đã gây ra 82,3% tổng số sóng thần ở vùng TBD. Tuy nhiên, ĐĐ gây ra sóng thần là rất ít. Tính từ năm 1861 đến năm 1948, hơn 15.000 trận ĐĐ chỉ gây ra 124 đợt sóng thần. Dọc bờ Tây của Nam Mỹ là một trong những bờ biển có nhiều sóng thần nhất trên thế giới, thì 1.098 ĐĐ ngoài khơi gây ra chỉ 20 sóng thần. Tần số thấp này của sóng thần có thể đơn giản phản ánh thực tế là phần lớn sóng thần có biên độ nhỏ và không được chú ý. Hai phần ba sóng thần gây thiệt hại ở vùng TBD liên quan với ĐĐ cường độ 7,5 độ richter trở lên.
Trong khi đó, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin ĐĐ và cảnh báo sóng thần cho biết, ngay sau khi có trận ĐĐ cường độ 8,9 độ richter tại bờ biển phía Đông Nhật Bản, các trung tâm cảnh báo sóng thần của Nhật Bản và Mỹ đã cảnh báo hiện tượng sóng thần có thể ảnh hưởng tới 20 quốc gia nhưng không có Việt Nam.
Động đất cực đại không quá 7,0 độ richter
Lãnh thổ Việt Nam tuy không nằm trên các vành đai ĐĐ, núi lửa đang hoạt động, nhưng cũng không phải là bền vững, khó xảy ra ĐĐ. Các vùng có nguy cơ xảy ra ĐĐ từ 6,0 đến 7,0 độ richter ở Việt Nam gồm: đới đứt gãy trên hệ thống sông Hồng, sông Chảy; Lai Châu - Điện Biên; sông Mã, Sơn La, sông Đà; Cao Bằng, Tiên Yên; Rào Nậy - sông Cả... Ngoài ra, lãnh thổ Việt Nam còn có khoảng 30 khu vực có nguy cơ ĐĐ với cường độ xấp xỉ 5 độ richter. ĐĐ cực đại (Mmax) trên lãnh thổ Việt Nam chỉ nằm ở mức 6,5-7 độ richter.
Các nghiên cứu cho thấy, khu vực có nguy cơ ĐĐ cao nhất tại Việt Nam là vùng Tây Bắc trên đới đứt gãy Lai Châu - Điện Biên. Đây cũng là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng dư chấn do ĐĐ xảy ra ở Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc, những nơi có nguy cơ cao và tần suất xuất hiện ĐĐ lớn. Hầu như năm nào, khu vực Điện Biên - Lai Châu cũng có ĐĐ nhỏ hoặc ảnh hưởng dư chấn từ các khu vực nói trên. Trận ĐĐ lớn nhất gần đây là vào năm 2001 với cường độ 4 độ richter. Hà Nội và khu vực Đông Nam bộ, trong vài năm trở lại đây cũng đã bị ảnh hưởng dư chấn rõ rệt do ĐĐ ở Trung Quốc và ngoài Biển Đông gây ra.
Nguy cơ hiện hữu
Theo bản đồ phân vùng nhỏ ĐĐ trên địa bàn Hà Nội do Viện Vật lý địa cầu xây dựng, khu vực huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thịnh Hào thuộc vùng có khả năng ĐĐ mạnh 5 độ richter. Phần Tây Nam thành phố gồm huyện Thanh Trì, Nam huyện Từ Liêm, nam quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Bắc hồ Tây, Đông Nam huyện Thường Tín có khả năng xảy ra ĐĐ mạnh 5,5 độ ricter. Quận Hoàng Mai (khu vực Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), Bắc Thanh Trì (Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra ĐĐ mạnh khoảng 6 độ richter. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về ĐĐ mới chỉ được tập trung ở các quận nội thành Hà Nội cũ.
Tại các khu đô thị mới nhà cao tầng đã được thiết kế để có thể giảm tối đa tác hại nếu có ĐĐ, điều lo ngại hơn cả là Hà Nội có rất nhiều nhà chung cư 4-5 tầng hình thành cách đây 30-40 năm, trong đó có nhiều nhà lắp ghép tấm lớn. Đa số các khu nhà này có thiết kế móng nông, đặt trên nền đất yếu. Ngoài ra, nhiều công trình hạ tầng cầu cống, cấp thoát nước... trước đây không được thiết kế kháng chấn. Việc duy tu cũng chỉ nhằm bảo đảm hoạt động bình thường, chưa tính đến khả năng nâng cấp bảo đảm yêu cầu phòng, chống ĐĐ.
PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin ĐĐ và cảnh báo sóng thần cho biết, hiện nay, việc phân vùng tai biến quy mô ĐĐ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có "gạch nối" giữa các nhà khoa học và người dân; giữa nhà khoa học và những người ra quyết định. Cho nên hiện nay cần phải nối cái vòng đó lại bởi nguy cơ ĐĐ đối với các đô thị ở Việt Nam là hiện hữu và rõ ràng, chứ không phải là quá mơ hồ. Người dân cũng cần biết đến hiện tượng thiên tai này để chủ động phòng tránh. Khi ĐĐ xảy ra, người dân cần nhanh chóng tìm cách rời khỏi nơi ở đến địa điểm rộng, thoáng, xa công trình hư hỏng, nhất là nhà cao tầng. Khi bị mắc kẹt trong nhà, cần tìm nơi ẩn nấp tạm thời trong đợt chấn động mạnh ban đầu, như: dưới khung cửa, gầm bàn, gầm giường, chân cầu thang...
5 trận động đất lớn trên thế giới thời gian gần đây
- Ngày 27-7-1976, ĐĐ 7,5 độ richter tại Đường Sơn (Trung Quốc) làm 655.000 người chết.
- Ngày 26-12-2004, ĐĐ 9,1 độ richter tại Sumatra (Indonesia) kéo theo sóng thần làm 227.898 người chết ở toàn vùng Thái Bình Dương.
- Ngày 12-1-2010, ĐĐ 7 độ richter tại quốc đảo Haiti làm 222.570 người chết.
- Ngày 12-5-2008, ĐĐ 7,9 độ richter tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm 87.587 người chết.
- Ngày 8-10-2005, ĐĐ 7,6 độ richter tại Pakistan làm 80.361 người chết.
(Nguồn: BBC) |
(Theo: Thế Dũng/HNM)