Ngày 12/10, hội nghị thường niên lần thứ 67 của các định chế tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khai mạc thại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Theo Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, thế giới hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và để tiến về phía trước cần phải vượt qua khủng hoảng, khôi phục tăng trưởng, cần có một hệ thống tài chính tốt hơn thông qua cải cách.
Trong báo cáo của IMF công bố trước phiên họp, nền kinh tế thế giới đang ở mức nguy hiểm. IMF nhận định tăng trưởng trong năm nay của hầu hết các nền kinh tế thế giới đều giảm. Nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng cao nếu Eurozone không thể dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công và Mỹ thất bại trong kế hoạch khẩn cấp tăng thuế, giảm chi tiêu vào năm 2013.
IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2012, mức tăng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009 và tăng 3,6% trong năm tới. Trước đó, vào tháng 7/2012, IMF đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,9% trong năm 2013. .
Cũng về lĩnh vực kinh tế, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 8/10 đã khởi động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone, như một phần của chiến lược toàn diện nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này.
Việc khởi động ESM được xem như "một cột mốc lịch sử" trong tiến trình định hình tương lai của Liên minh Tiền tệ châu Âu và Eurozone. ESM trị giá 500 tỷ Euro (khoảng 653 tỷ USD), được thành lập để cung cấp tài chính cho các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn với điều kiện những nước này cam kết tiến hành cải cách tài chính và cơ cấu nghiêm túc nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.
Với việc khởi động ESM, khu vực đồng tiền chung đã xây dựng được "một bức tường lửa" hiệu quả và lâu dài, nhân tố cực kỳ quan trọng trong chiến lược tổng thể của Eurozone nhằm ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ châu Âu.
Ngay sau khi thông tin ra mắt ESM được công bố, tổ chức xếp hạng Moody’s đã xếp ESM ở hạng AAA nhưng đánh giá quỹ bình ổn này ở dạng tiêu cực. Moody’s cảnh báo, nếu mức tín nhiệm của các nước Eurozone giảm, xếp hạng của ESM cũng giảm.
Các nhà phân tích cho rằng, niềm hy vọng vào các biện pháp kích cầu kinh tế đang ngày một hao mòn, bởi đã gần 5 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu bùng phát, thế giới vẫn chưa tìm thấy "liều thuốc đặc trị" nào cho những "căn bệnh" của các nền kinh tế.
Tuần qua, quan hệ giữa hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục căng thẳng sau các vụ đấu pháo. Các diễn biến này được cho là đã đẩy hai bên đến gần miệng hố chiến tranh.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Racep Tayif Erdogan đã từng cảnh báo “nguy cơ chiến tranh giữa hai nước là không xa” và Thổ Nhĩ Ky đã tăng cường thêm xe tăng và tên lửa, trọng pháo đến sát vùng biên giới với Syria. Một trong những nguyên nhân khiến tình hình nóng lên là do các nước phương Tây thể hiện sự chỉ trích mạnh mẽ Syria và đồng loạt bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, dù phía Syria đã lên tiếng xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vụ việc này, Hội đồng Bảo an cũng đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỷ - Syria vốn đã xấu đi khi hàng chục nghìn người Syria vượt biên giới sang tỵ nạn trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ do cuộc nội chiến ác liệt ở Syria giữa một bên là chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad và lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn.
Trong khi đó, quan hệ giữa hai nước lớn ở Đông Á là Trung Quốc và Nhật Bản cũng vẫn tiếp tục căng thắng do tranh chấp chủ quyền quần đảo ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tuần này, dù không có các cuộc biểu tình chống đối lẫn nhau, song sự căng thẳng đã lan sang các lĩnh vực khác. Một trong những biểu hiện đáng chú ý là phía Trung Quốc đã không cử Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương sang Tokyo dự hội nghị thường niên của IMF và WB, một việc làm hiếm có từ trước tới nay.
Mặc dù phía Trung Quốc nói là các quan chức cấp cao bận công việc trong nước, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là phản ứng của phía Trung Quốc đối với Nhật Bản sau vụ Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, cuối tuần, quan hệ căng thẳng Trung – Nhật xuất hiện tin vui là hai nước đồng ý gặp nhau ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao để giải quyết vấn đề này.
Trong khi phần đông các nước Mỹ Latinh hoan nghênh viêc tái đắc cử của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, thì Mỹ tỏ ra không hài lòng, do ứng cử viên phe đối lập tại Venezuela được Mỹ ủng hộ - nhà tỷ phú Henrique Capriles không đắc cử.
Đây là lần thứ 4, ông Hugo Chavez tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Venezuela. Tổng thống Chavez đắc cử với 56% phiếu ủng hộ; tái cử lần đầu năm 2000 trong cuộc bầu cử Tổng thống sớm trong khuôn khổ hiến pháp mới do ông thúc đẩy, với 56,9% số phiếu ủng hộ; và tái cử lần thứ 2 vào năm 2006, với 62,8% số phiếu ủng hộ. Năm 2004, Tổng thống Chavez cũng vượt qua cuộc trưng cầu ý dân về sự tín nhiệm đối với ông, sau khi nhận được 59% số phiếu bầu.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1999, Tổng thống Hugo Chavez đã phát động cuộc cách mạng mang tên người Anh hùng giải phóng dân tộc Simon Bolivar, nhằm xây dựng xã hội công bằng, dân chủ tiến bộ, xóa bỏ nghèo đói và bất công ở quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản mà tỷ lệ người nghèo chiếm tới hơn 50% số dân; tiến hành những cải cách sâu rộng về chính trị, kinh tế và xã hội, đưa đất nước tiến theo con đường Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21. Chính phủ Venezuela sử dụng nguồn lợi to lớn từ dầu khí đầu tư cho các chương trình xã hội, cải thiện mức sống của các tầng lớp nhân dân lao động và tăng cường hợp tác liên kết khu vực.
13 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Chavez và đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV), đất nước Venezuela đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực, tạo nên những đổi thay sâu sắc, tích cực. Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 7/10 đã cho thấy những thành quả của cuộc cách mạng do ông Hugo Chavez khới xướng.
Ngày 7/10/2012, sau nhiều vòng đàm phán tại thủ đô Kualar Lumpur của Malaysia, chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã đạt được một thỏa thuận hòa bình cho khu vực miền Nam bất ổn. Thỏa thuận lịch sử này làm dấy lên hy vọng sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 40 năm qua khiến hơn 150.000 người thiệt mạng và làm tê liệt nền kinh tế ở khu vực miền Nam Philippines.
Thỏa thuận trên mở đường cho việc thành lập một khu bán tự trị mới mang tên "Nhà nước Bangsamoro" trong số các khu vực có đa số dân theo đạo Hồi ở miền Nam Philippines, đất nước chủ yếu theo Công giáo.
Với khoảng 12.000 chiến binh, MILF là nhóm vũ trang Hồi giáo lớn nhất tại Philippines. Lực lượng này đã tiến hành các hoạt động chống chính phủ từ những năm 1970 của thế kỷ trước với mục tiêu thành lập chính quyền độc lập trên đảo Mindanao và một số hòn đảo khác. Hoạt động của MILF chống chính phủ trong hơn 40 năm qua đã khiến hơn 150.000 người thiệt mạng và hơn 2 triệu người ở miền nam Philippines phải tha hương.
Cuộc xung đột với MILF luôn là thách thức đối với chính phủ Philippines qua các thời kỳ và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, ổn định và đồng thuận ở nước này. Mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho tới trước ngày 7/10 vừa qua đều không mang lại kết quả như mong đợi, cho dù đã thực hiện việc ngừng bắn từ năm 2003. Bất đồng vẫn tập trung vào vấn đề MILF sẽ đóng vai trò chính trị gì và chính phủ sẽ làm gì để hóa giải những xung khắc về tôn giáo và văn hóa ở Philippines. Ông Aquino là Tổng thống Philippines đầu tiên đàm phán trực tiếp với thủ lĩnh MILF từ năm 1997.
Tuần này, những thành tựu khoa học trong năm đã được xác nhận thông qua việc công bố giải thưởng Nobel trên các lình vực Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình.
Trong các giải năm nay, giải Nobel Vật lý được coi là một trong những phát minh quan trọng, vì những phát hiện đột phá về phương pháp đo lường và điều khiển các hạt riêng lẻ (hạt cơ bản) trong khi vẫn bảo tồn tính chất lượng tử mà không phá hủy cấu trúc hạt. Khám phá này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành vật lý lượng tử.
Năm nay, giải Nobel văn học được trao cho nhà văn Mạc Ngôn, người Trung Quốc.
(Nguyễn Chiến/VGP News)