Ghi nhận nhiều ca biến chứng vì sởi, thuỷ đậu
Đang bế cháu gái N.H (12 tháng tuổi)
điều trị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bà
N.T.Đ (ở Kim Động, Hưng Yên) chia sẻ, cách đây 10 ngày, cháu H bỗng có
triệu chứng sốt cao 39 độ C, kéo dài, gia đình bế cháu lên Bệnh viện Nhi
Trung ương khám và được chẩn đoán mắc sởi. Bà Đ cũng cho biết, cháu H
bị lây bệnh từ anh trai ruột, đáng tiếc là anh trai cháu H đã tử vong vì
bệnh này ngày 19/2 vừa qua.
Bà Đ kể, trước Tết, cháu N.K (SN 2014, ở
Kim Động, Hưng Yên) điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì viêm phổi.
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi đã có dấu hiệu hồi phục tốt, ăn uống,
sinh hoạt bình thường và được ra viện. Tuy nhiên, ngày 15/2, cháu K lại
sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc nên quay trở lại Bệnh viện Nhi Trung ương
cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sởi, tuy nhiên, do
thể trạng yếu trên nền bệnh cũ, tới ngày 19/2, cháu đã qua đời.
Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong
vì bệnh sởi trong năm 2018 mà Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận. Riêng
tại Khoa Truyền nhiễm, ThS. BS Đỗ Thị Thúy Nga cho biết, từ đầu năm tới
nay có 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi
nhất chỉ mới 2 tháng tuổi, còn lại chủ yếu là từ 3-5 tuổi, nhiều trường
hợp bị diễn tiến nặng, có biến chứng nên phải can thiệp thở máy, thở
oxy. Trong số gần 50 bệnh nhi này, nhiều trường hợp trẻ chưa đến tuổi
tiêm phòng vaccine sởi, bị lây nhiễm từ chính bố mẹ hoặc người thân
trong gia đình. Một số khác, nhiều gia đình cho biết, cứ đến lịch tiêm
các bé lại ốm, quấy khóc nên không tiêm được, tới lúc trẻ ổn định hơn
thì bố mẹ lại… “quên”.
Cũng theo BS Thúy Nga, thời tiết giao
mùa như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm như thuỷ
đậu có nguy cơ bùng phát. Chỉ hơn 2 tháng, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận
hơn 40 ca điều trị nội trú vì thuỷ đậu.
Tại Phòng 222, Khoa Truyền nhiễm có 5
giường bệnh nhưng đã có tới 2 gia đình “rủ nhau” bị thuỷ đậu. Bế con
đang khóc ngằn ngặt vì những nốt thuỷ đậu gây ngứa, khó chịu, chị Q.T.H
(ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, cả nhà chị có 4/4 người mắc thuỷ đậu. Sau
Tết Nguyên đán, con trai lớn của chị mắc thuỷ đậu, chỉ 4-5 ngày là khỏi,
nhưng bé đã “kịp” truyền bệnh cho cả bố, em trai. Hiện tại, chồng chị
đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức, sốt 7 ngày chưa hạ. Con
trai út của chị là cháu Q.C.B (4 tháng tuổi) vào Bệnh viện Nhi Trung
ương để điều trị viêm phổi, sau vài ngày lại bị thuỷ đậu và lây cho mẹ.
Nằm cùng phòng điều trị với con chị H,
còn có bệnh nhi gặp biến chứng viêm não do mắc thủy đậu. Theo chị P.T.H,
mẹ bệnh nhi K.N (12 tuổi, ở TP Nam Định), sau khi sốt nhẹ một ngày,
cháu K.N bỗng ngất lịm đi khiến gia đình tá hỏa đưa vào Bệnh viện Đa
khoa tỉnh Nam Định cấp cứu, sau đó chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhi Trung
ương tối 10/3. Sau một ngày đêm hôn mê sâu, cháu K.N dần hồi tỉnh, bình
phục. Tới ngày 12/3, cháu được chuyển về Khoa Truyền nhiễm. Các bác sĩ
vẫn phải tiếp tục theo dõi, làm thêm các đánh giá về tình hình sức khoẻ
của bé.
Khám hai lớp đề phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Cũng tại Khoa Truyền nhiễm, chỉ trong
hơn 2 tháng từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận tới gần 1.000 ca mắc cúm vào
điều trị nội trú. Tính trên toàn viện, số tới khám vì các triệu chứng
cúm lớn hơn rất nhiều. Hiện tại khoa có gần 55 bệnh nhi điều trị vì cúm.
Dù con số đã giảm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhưng mỗi
ngày, Khoa vẫn có thêm 10-13 ca vào mới vì bệnh này.
BS Thúy Nga cảnh báo, người dân vẫn cho
rằng ho gà, thủy đậu, cúm hay sởi là các căn bệnh thông thường, lành
tính nên thường chủ quan. Tuy nhiên, trên thực tế, những biến chứng viêm
não, biến chứng vào nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim, hay sốt, co
giật, lơ mơ, rối loạn tri giác… hoàn toàn có thể xảy ra. “Không chỉ
những bệnh nhân có nền thể trạng không tốt, bất thường, mà với những
người tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh đều có thể gặp nguy hiểm với diễn tiến
bất ngờ của những căn bệnh này”, BS Thúy Nga nói. Do đó, theo BS Thúy
Nga, khi gặp những triệu chứng của các bệnh này, bệnh nhân cần được đưa
đi khám sớm, theo dõi cẩn thận, phòng tránh những diễn tiến tiêu cực của
bệnh.
Một trong những yêu cầu quan trọng trong
khám chữa bệnh các bệnh lý truyền nhiễm là kiểm soát nhiễm khuẩn, phân
luồng bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Theo BS Thúy
Nga, thực tế có không ít phụ huynh do tâm lý lo lắng, hoặc đưa con đi
khám buổi tối nên nằng nặc xin bác sĩ cho con nhập viện, trong khi tình
trạng của con em mình chưa đến mức đó. BS Thúy Nga nói: “Chúng tôi có
những tiêu chuẩn nhập viện trên từng mặt bệnh. Để đánh giá, chỉ định
bệnh nhi nhập viện, chúng tôi có 2 bước. Có không ít bệnh nhân dù đã
được các bác sĩ ở phòng khám tư vấn nhưng vẫn xin vào Khoa bằng được.
Tới đến Khoa, chúng tôi lại thăm khám tiếp, nếu thực sự cần thì mới cho
điều trị nội trú. Đơn cử như với bệnh cúm, không phải bé nào mắc cúm
cũng vào viện điều trị. Đa số bệnh nhi mắc cúm thường là nhẹ, viêm long
đường hô hấp, sốt... Nếu không phải cúm trên nền bệnh nhi sốt cao liên
tục, bệnh mãn tính, hoặc bệnh nhi lớn tuổi, nguy cơ sốt co giật không
cao, thể trạng tốt… thì có thể hướng dẫn người nhà cho bệnh nhi điều trị
tại gia đình, không cần phải nhập viện”.
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sởi
Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng sau:
- Sốt cao > 39°C.
- Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng.
- Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
- Ban mọc theo thứ tự, bắt đầu ngày thứ
nhất từ đầu, mặt, cổ. Ngày thứ 2: Ngực lưng cánh tay. Ngày thứ 3: Bụng,
mông, đùi, chân. Khi ban mọc tới chân, hết sốt và ban bắt đầu bay.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau:
- Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
- Khó thở, thở nhanh.
- Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…
- Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.
(Nguồn: Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương)
Thu Võ - giadinh.net.vn