Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 29/1/2012 20:45'(GMT+7)

Cánh cửa hòa bình mở hé ở Áp-ga-ni-xtan

Những chiến binh Ta-li-ban đã gia nhập lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan tham dự một buổi lễ ở Can-đa-ha. (Ảnh: AP).

Những chiến binh Ta-li-ban đã gia nhập lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan tham dự một buổi lễ ở Can-đa-ha. (Ảnh: AP).

Tờ Thư tín của Anh dẫn lời M.Qua-la-mút-đin (M.Qalamuddin), nhân vật từng có thời là người đứng đầu lực lượng cảnh sát “thuần phong mỹ tục” của chế độ Ta-li-ban cũ, hiện là thành viên hội đồng hòa bình của Tổng thống H.Ca-dai (H.Karzai) cho hay, phái đoàn của Ta-li-ban được tập hợp trong tháng trước gồm những quan chức “chóp bu” của Ta-li-ban và những cuộc đàm phán thăm dò đầu tiên có thể bắt đầu trong vài tuần. Theo như lời ông này nói thì phái đoàn này của Ta-li-ban gồm "toàn những người có học thức, thông thạo tiếng Anh và được xem là ôn hòa đồng thời rất trung thành với phong trào Ta-li-ban”.

Phái đoàn Ta-li-ban được phía Ca-ta bảo đảm vấn đề di chuyển an toàn mặc dù một vài thành viên vẫn nằm trong danh sách “đen” cấm đi lại quốc tế của LHQ. Tham gia phái đoàn có ông Tay-ép Áp-ga (Tayeb Agha), thư ký cũ của thủ lĩnh Ta-li-ban M.Ô-ma (M.Omar), người đóng vai trò trung gian với các nhà ngoại giao Mỹ và Đức trong hơn một năm qua; S.Ma-ha-mát Xta-nếch-dai (S.Mohammad Stanekzai),cựu Thứ trưởng ngoại giao; S.Đi-la-oa (S.Delawar), cựu đại sứ Ta-li-ban tại A-rập Xê-út...

Việc Ta-li-ban mở văn phòng tại Ca-ta nhằm tìm kiếm “sự thấu hiểu với các quốc gia khác” được xem là bước đột phá chính trị đáng kể nhất trong 10 năm xung đột. Đây được xem là dấu hiệu tích cực đầu tiên từ phía Ta-li-ban, vì từ trước đến nay họ luôn đòi quân đội phương Tây phải rút toàn bộ khỏi Áp-ga-ni-xtan và bác bỏ mọi đề nghị đối thoại. Việc lực lượng Ta-li-ban mở văn phòng đại diện tại Ca-ta để thực hiện đàm phán với Mỹ là một bước đi chưa từng xảy ra đối với tiến trình hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan. Nó tạo ra cơ may giải quyết cuộc chiến 10 năm qua bằng con đường thương lượng hòa bình. Mặc dù các đại diện của Mỹ và Ta-li-ban đã từng bí mật gặp nhau trong năm qua tại châu Âu hoặc Vùng Vịnh, nhưng đây là lần đầu tiên Ta-li-ban công khai bày tỏ ý định đàm phán.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Ta-li-ban đồng ý đàm phán là vì họ phải chịu nhiều áp lực. Còn Mỹ cũng đồng ý đàm phán với Ta-li-ban vì hiểu rằng, khó có thể giành chiến thắng ở Áp-ga-ni-xtan bằng biện pháp quân sự. Trên thực tế, suốt 10 năm qua, tuy đã chiếm được Ca-bun và lật đổ được chính quyền Ta-li-ban chỉ sau vài tuần lễ giao tranh hồi cuối năm 2001, nhưng trong suốt một thập niên qua, 130 nghìn binh sĩ nước ngoài do NATO lãnh đạo vẫn không ngăn chặn được phe nổi dậy quay lại và lớn mạnh dần trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. 10 năm nay, phiến quân Ta-li-ban dựa vào thế suy yếu của chính quyền Áp-ga-ni-xtan đã phát triển liên tục bất chấp sự có mặt của liên quân NATO tại Áp-ga-ni-xtan. Để tránh sa lầy, liên quân NATO đã có kế hoạch triệt thoái khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014. Với mong muốn nội chiến sẽ không bùng phát sau khi NATO rút quân, từ hai năm nay, các nước phương Tây đã bàn đến chủ trương đàm phán với Ta-li-ban.

Nếu Ta-li-ban mở văn phòng tại Ca-ta, các nhà đàm phán phương Tây và Áp-ga-ni-xtan sẽ có một địa chỉ cụ thể ở một nước trung lập để liên lạc với Ta-li-ban. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khả năng đàm phán là điều chưa chắc chắn bởi Ta-li-ban sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì về lãnh thổ vào thời điểm NATO chuẩn bị rút quân. Ngoài ra, nhân tố Pa-ki-xtan cũng có thể cản trở nỗ lực đàm phán bởi lo ngại quyền lợi của Pa-ki-xtan bị ảnh hưởng.

Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ca-dai đã hoan nghênh quyết định mở văn phòng đại diện tại Ca-ta của Ta-li-ban dù trước đó ông ưu tiên chọn A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, ông cũng cảnh báo sẽ không một lực lượng nước ngoài nào được phép tham gia vào quá trình này mà không được chính phủ Áp-ga-ni-xtan đồng ý. Trong khi đó, Mỹ vừa cổ vũ động thái của Ta-li-ban vừa e dè khi nói rằng, việc hòa giải chỉ diễn ra với điều kiện Ta-li-ban tách khỏi Al-Qaeda, ngăn chặn bạo lực và tuân thủ hiến pháp của Áp-ga-ni-xtan.

Tờ Thời báo Niu Y-oóc nhận định, vẫn chưa rõ động thái của Ta-li-ban là hướng đến đàm phán hòa bình toàn diện hay chỉ tập trung vào vấn đề bảo đảm NATO rút hết quân khỏi Áp-ga-ni-xtan để mở đường cho Ta-li-ban trở lại nắm quyền lực. Trong khi đó, người phát ngôn Ta-li-ban nhấn mạnh, Áp-ga-ni-xtan phải được trao quyền thành lập quốc gia Hồi giáo vì hòa bình và kêu gọi Mỹ trả tự do cho các tù nhân Ta-li-ban khỏi nhà tù bí mật của Mỹ tại vịnh Goan-ta-na-mô. Các giới chức chính phủ Mỹ nói, Mỹ sẵn sàng thương thuyết để có một hiệp định hòa bình với phe Ta-li-ban và thỏa hiệp có thể đạt được sẽ bao gồm việc chuyển giao các tù nhân Ta-li-ban bị giam tại nhà tù quân đội Mỹ ở Vịnh Goan-ta-na-mô. Nếu các cuộc đàm phán hòa bình được thực hiện thì đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột ở Áp-ga-ni-xtan, nhằm chấm dứt một thập niên hỗn loạn nhiều máu và nước mắt tại đất nước này./.

(Theo: Ngọc Hà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất